Người dân có thể được bồi thường bao nhiêu tiền trong vụ cá chết?

26/04/2016 06:51
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN)- "Trong sự việc này, nếu việc bồi thường, khắc phục hậu quả về môi trường được thực hiện đầy đủ, con số có thể lên tới hàng tỷ đô la", Luật sư Trương Anh Tú nói.

LTS: Hiện tượng cá chết hàng loạt tại dải bờ biển Miền trung chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, ở tầng sâu đã để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường và cuộc sống của bà con ngư dân.

Bên cạnh việc truy tìm nguyên nhân, thì vấn đề quan trọng đặt ra đó là bồi thường cho bà con ngư dân, người nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại và khắc phục ô nhiễm môi trường.

Để tìm hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, hôm 25/4, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú – Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú.

PV: Thưa luật sư, ông nhận định như thế nào trước sự việc cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế?

Luật sư Trương Anh Tú: Đây là một việc rất nghiêm trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, kéo dài trên cả 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, gây thiệt hại đối với nhiều ngành nghề từ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, du lịch, khách sạn, nông nghiệp, đặc biệt gây hệ lụy sâu sắc tới hệ sinh thái.

Cá chết dọc bãi biển Miền trung (ảnh của Báo Tiền phong).
Cá chết dọc bãi biển Miền trung (ảnh của Báo Tiền phong).

Vụ việc lần này làm chúng ta nhớ tới sự kiện ô nhiễm sông Thị Vải do công ty Vedan gây ra vào năm 2009. Bán kính vùng ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra có phạm vi 10 km dọc bờ sông Thị Vải làm gần 2.700 ha nuôi trồng thủy sản của khu vực này bị thiệt hại.

Tuy nhiên, lần này, sự ô nhiễm không chỉ nằm trong phạm vi một tỉnh mà đã trải rộng ra 4 tỉnh, vùng ô nhiễm không chỉ là sông mà còn cả khu biển rộng kéo dài nhiều km.

So sánh như vậy để độc giả thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc này.

Sự ô nhiễm càng diễn ra trên diện rộng thì mức độ tàn phá, tính nghiêm trọng và sự thiệt hại càng lớn. Sẽ là không quá lời khi nhận định đây là một thảm họa về môi trường.

Nếu xác định được thủ phạm chính gây nên “thảm họa môi trường” như cách ông nói, thì quy định của pháp luật về trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường được xác định như thế nào?

Luật sư Trương Anh Tú: Điều 160 Luật bảo vệ môi trường, quy định rõ

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.” 

Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (ảnh: NVCC).
Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (ảnh: NVCC).

Như vậy, các tổ chức cá nhân có hành vi gây ô nhiễm sẽ tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Bên cạnh đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Một điểm đặc biệt trong quy định của pháp luật đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường là “cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi” (Điều 624, Bộ luật dân sự).

Trong sự việc này, nếu việc bồi thường, khắc phục hậu quả về môi trường được thực hiện đầy đủ, con số có thể lên tới hàng tỷ đô la.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về các tổ chức cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Vậy theo ông, người dân phải làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo quy định tại điểm 5, mục I nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/206  hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì “người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhân hợp lệ về các khoản chi phi hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại”.

Như vậy, người dân bị thiệt hại trong trường hợp này muốn được bồi thường thiệt hại phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh những thiệt hại của mình. Đây là một quy định “đánh đố” người dân trong trường hợp này.

Ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường đối với tài sản, sức

Người dân có thể được bồi thường bao nhiêu tiền trong vụ cá chết? ảnh 3

Khuyên dân cứ ăn cá, tắm biển là không có kỹ năng sống, kém kiến thức khoa học

khỏe của người dân là ảnh hưởng mang tính lâu dài, trên diện rộng, rất khó để xác định một cách cụ thể chính xác và đặc biệt rất khó để có được “chứng từ, giấy biên nhận hợp lệ” theo quy định.

Tuy nhiên, không thể vì khó mà người dân “buông xuôi”.

Người dân nên nhanh chóng thu thập các bằng chứng về thiệt hại của mình như: ảnh chụp cá chết; ảnh chụp nguồn gây ô nhiễm; thiết lập các biên bản xác minh về ảnh hưởng của sự cố,... làm tài liệu chứng minh để khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó các hội như Hội nghề cá Việt Nam, Hội ngư dân, Hiệp hội du lịch, khách sạn, lữ hành…cần tập hợp lại, khởi kiện theo nhóm để bảo vệ tối đa quyền lợi ích hợp pháp của các hội viên.

Ngoài ra, đây là vụ việc có ảnh hưởng rộng, nghiêm trọng do đó quá trình giải quyết vụ việc sẽ rất phức tạp. Bà con cần phải tìm sự hỗ trợ của các văn phòng luật sư uy tín để có sự tư vấn về phương hướng giải quyết đúng đắn, thích hợp nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của mình.

Được biết, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú là đơn vị thường bảo vệ cho người dân trong các vụ việc liên quan đến lợi ích cộng đồng. Ông có thể chia sẻ các chương trình mà văn phòng đang triển khai nhằm hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại trong vụ việc lần này hay không?

Luật sư Trương Anh Tú: Chúng tôi hiểu rằng trong các tranh chấp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường thì chủ thể bị thiệt hại thường có số lượng rất lớn và thường là yếu thế hơn (về tiềm lực tài chính, hiểu biết về khoa học kỹ thuật môi trường, pháp luật...) so với người gây thiệt hại.

Do đó, cần có sự hỗ trợ của cơ quan công quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan khoa học.

Hiện tại Văn phòng luật sư Trương Anh Tú liên tục cập

Người dân có thể được bồi thường bao nhiêu tiền trong vụ cá chết? ảnh 4

Cá chết ở đâu đó dạt vào bờ, chắc gì đã phải do xả thải?

nhật các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan và xác định cách thức, phương hướng giải quyết vụ việc cho bà con nhân dân.

Chúng tôi sẵn sàng tình nguyện hỗ trợ bà con, hy vọng rằng với sự hỗ trợ của chúng tôi, quyền lợi của bà con cũng sẽ được đảm bảo.

Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp cho bà con trong vụ việc lần này.

 Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)