Người tài cần được bổ nhiệm đặc cách, vượt cấp

15/03/2017 07:29
XUÂN QUANG
(GDVN) - "Sẽ rất thiệt thòi cho chúng ta nếu những người giỏi, có năng lực thật sự nhưng không được hưởng cơ chế đặc cách, vượt cấp trong bổ nhiệm", ông Dĩnh nói.

Bổ nhiệm "thần tốc" tỷ lệ nghịch với năng lực?

Đã không ít lần dư luận lên tiếng về việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách "thần tốc" tại các cơ quan công quyền.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ nhiệm này thường dựa vào mối quan hệ thân hữu và tồn tại khá phổ biến trong xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận việc có trường hợp

Người tài cần được bổ nhiệm đặc cách, vượt cấp ảnh 1

“Cả họ làm quan” thực chất là cha truyền con nối có từ thời phong kiến

người tài được phát hiện, bồi dưỡng và được bổ nhiệm theo cách tương tự. 

Bình luận về việc này, hôm 14/3, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, chưa có cơ sở chắc chắn để đánh giá năng lực của những cán bộ được bổ nhiệm "thần tốc".

"Việc bổ nhiệm cán bộ "thần tốc" có tính chất hai mặt. Những người có quan hệ huyết thống, quen thân với lãnh đạo thì họ thuận lợi hơn trên con đường thăng tiến.

Nhưng cũng có những trường hợp người ta có tài năng thực sự và được xã hội, cơ quan công quyền ghi nhận.

Cho nên, nếu người trẻ được bổ nhiệm nhanh mà nghĩ rằng có tiêu cực thì cũng chưa hẳn đúng.

Để biết họ có tài năng, năng lực thực sự hay không, cần đánh giá năng lực từng con người cụ thể và công việc họ đảm nhận trong thực tế", ông Dĩnh nói.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh: VOV).
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh: VOV).

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, thực tế trong xã hội không ít trường hợp người trẻ có tài năng nhưng không được "bổ nhiệm đặc cách" vì luật chúng ta chưa cho phép như vậy.

"Nhưng sẽ rất thiệt thòi cho chúng ta nếu những người giỏi, có năng lực thật sự nhưng không được hưởng cơ chế, đặc cách, vượt cấp trong bổ nhiệm.

Nếu công tác cán bộ của chúng ta cứ thực hiện tuần tự như hiện nay rất khó tìm ra cán bộ trẻ. Đến khi muốn bổ nhiệm người ta thì họ đã hết tuổi.

Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để có cán bộ tốt

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh nêu thực tế, nhiều địa phương đã có cơ chế tuyển dụng thẳng người tài vào cơ quan công quyền.

Tuy nhiên, do người sử dụng, môi trường sử dụng lao động "có vấn đề" nên không thể cống hiến được lâu.

"Nhiều khi người ta vẫn nghĩ dập khuôn theo kiểu cán bộ trẻ dù được đặc cách hay không đặc cách thì vẫn là "lính mới".

Cho nên khi bắt đầu làm việc thì phải làm từ cái nhỏ nhất, thậm chí làm những công việc không đúng chuyên môn.

Nếu người ta có tài năng thật nhưng đơn vị quản lý vẫn coi họ là bình thường thì khó mà có được nhân tài.

Do vậy, vấn đề quan trọng trong việc thu hút người tài nằm ở chỗ, cơ quan nhà nước phải tạo ra môi trường công tác lành mạnh để họ phát huy và cống hiến được tài năng của mình", ông Dĩnh nói.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết thêm, trong nhiều năm qua, các cơ quan ở Trung ương, địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về tuyển chọn, đào tạo và đãi ngộ nhằm thu hút những người có năng lực, trình độ về cơ quan, đơn vị, địa phương công tác, và cũng nhằm hạn chế các tiêu cực trong công tác cán bộ.

Vấn đề đặt ra là, phải có cơ chế chính sách đồng nhất trong việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là chế độ sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh, trong dụng đối với đội ngũ nhân tài của đất nước.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng ra trường rất khó kiếm việc làm. (Ảnh: giaoduc.net.vn).
Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng ra trường rất khó kiếm việc làm. (Ảnh: giaoduc.net.vn).

"Trước đây, Bộ Nội vụ đã có đề án chọn 1.000 người tài là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh những tiêu chí gắt gao khi tuyển chọn, số sinh viên được chọn phải trải qua sát hạch, đào tạo, bồi dưỡng rất kỹ về kiến thức kỹ năng, chuyên môn, sau đó được bổ nhiệm thẳng vào các vị trí công tác theo chuyên môn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do chưa có sự thống nhất của các Bộ, ngành, nên đề án vẫn chưa được áp dụng", ông Dĩnh cho biết.

XUÂN QUANG