Người về từ tàu đắm và nghi ngờ bưng bít thông tin

05/01/2012 07:37
Hàng chục phóng viên chờ đón thủy thủ sống sót của tàu Vinalines Queen trở về vào tối qua 4.1 hết sức ngạc nhiên vì sự tiếp đón khá lặng lẽ của công ty.
Đại diện duy nhất của Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) ra đón anh Hùng cũng không cho phóng viên tiếp cận với anh tại sân bay Nội Bài.

Khác với hình dung, lãnh đạo công ty đã không ra sân bay đón anh Hùng trở về. Vợ anh, Lại Thị Thoa và gia đình, vì một lý do nào đó, cũng đã không có mặt tại sân bay chào đón anh Hùng trở về. Ngay cả trong cuộc gặp với báo chí tối qua, Vinalines vẫn không cho báo chí được gặp thân nhân anh Hùng.

Về từ cõi chết

Ủng hộ 1 tỉ đồng cho các gia đình thuyền viên bị nạn

Ông Nguyễn Cảnh Việt cho biết, bảo hiểm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạm ứng cho mỗi gia đình thuyền viên bị nạn 100 triệu đồng. Công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí tạm ứng 10.000 USD cho tất cả các gia đình có người bị nạn. Ngoài số tiền của các công ty bảo hiểm tạm ứng, hiện số tiền ủng hộ cho các thuyền viên bị nạn lên tới 1 tỉ đồng.

Anh Đậu Ngọc Hùng chia sẻ: “Từ lúc con tàu Vinalines Queen gặp nạn, tôi là người may mắn thoát được lực hút con tàu, ngoi lên được chiếc phao bè của tàu. Sau một ngày lênh đênh trên biển, rạng sáng ngày 26.12, phao bè không chịu được sóng to gió lớn bị lật, tôi thoát ra ngoài, may mắn lần được tới con xuồng cứu hộ số 2, có lương khô, nước ngọt, thuốc men dự trữ duy trì sự sống đến ngày tàu London Courage cứu được (30.12)”.

“Con tàu chìm rất nhanh. Lúc phát hiện con tàu nghiêng, ban chỉ huy tàu thông báo qua loa công cộng, tất cả thuyền viên mặc áo phao cá nhân, mang theo quần áo cách nhiệt, ở trên boong, gần xuồng cứu sinh để chuẩn bị sẵn sàng hạ xuồng.

Nhưng con tàu chìm xuống, tinh thần tôi hoảng loạn, bị cuốn theo lực hút con tàu, lặn một hơi rất sâu đến lúc ngoi lên được bám vào phao bè, sóng rất to. Diễn biến tiếp theo tôi hoàn toàn không quan sát được nữa”, anh Hùng kể lại và cho biết thêm, 5 ngày lênh đênh trên biển, anh vẫn hy vọng vào cuộc sống, dù hoảng loạn ban đầu nhưng đã trấn tĩnh lại.

Người về từ tàu đắm và nghi ngờ bưng bít thông tin ảnh 1
Đại diện của Vinalines (người mặc áo đen) luôn theo sát, không cho báo chí tiếp cận thủy thủ Đậu Ngọc Hùng (người đứng giữa) - Ảnh: Lê Quân

Việc xuồng cứu sinh tại sao không phát tín hiệu cấp cứu, anh Hùng cho biết khi anh lên xuồng, xuồng đã bị lực va đập của con tàu, phần mũi toác ra, nước biển vào phần máy, thiết bị báo động của xuồng bị sóng đánh ra ngoài. Nhưng do xuồng thiết kế tốt, với hai phao dạng co đặc nên ngay cả khi nước vào hết cũng không chìm được.

Anh Hùng cũng giải thích, thời điểm tàu chìm, sóng rất mạnh, cao, không hạ được xuồng do chằng buộc vì tàu vẫn còn đang hoạt động. Không nhảy ra ngoài vì tàu đang chạy, nếu nhảy khỏi tàu, lực hút của chân vịt sẽ không duy trì được mạng sống.

Về số phận của 22 thuyền viên còn lại, anh Hùng kể từ lúc tàu nghiêng 18 độ đến lúc chìm diễn biến rất nhanh, thời tiết xấu nên không nhìn được cách 3 - 4m. Những ngày lênh đênh trên biển, không có thiết bị tín hiệu, sóng gió mạnh nên anh cũng không thể nhìn thấy máy bay cứu hộ.

Ông Nguyễn Quế Dương, Trưởng ban Quản lý khai thác tàu biển Vinalines, nguyên là thuyền trưởng, cũng cho rằng, với lực hút của con tàu trọng tải lớn như Vinalines Queen, việc anh Hùng thoát được là may mắn lớn.

Người về từ tàu đắm và nghi ngờ bưng bít thông tin ảnh 2
Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng nói chuyện với vợ từ cảng Marina South Pier của Singapore - Ảnh do Đại sứ quán VN tại Singapore cung cấp

Vinalines bưng bít thông tin?

Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi với anh Hùng, liệu việc Vinalines hạn chế cho anh Hùng tiếp xúc với báo chí trước đó có phải do công ty này muốn bưng bít thông tin các sự việc liên quan đến vụ chìm tàu hay không? Đây cũng là nghi vấn của nhiều phóng viên, dù anh Hùng khẳng định không có chuyện này.

Tại cuộc họp, trình bày rất dài về diễn biến vụ việc, nhưng lãnh đạo Vinalines chỉ dành cho phóng viên một tiếng để hỏi đáp với lý do anh Hùng phải về quê - Nghệ An ngay trong đêm nay cùng với gia đình.

Trả lời câu hỏi "đã được tập huấn về vận chuyển quặng niken chưa?", anh Hùng cho biết lãnh đạo tàu đã nhắc nhở, cảnh báo quặng niken là một trong số các hàng hóa nguy hiểm, cẩn trọng nghiêm ngặt. Nhưng khi tàu nghiêng, anh không được thông báo lý do nghiêng, có phải do quặng niken hay không.

Liên quan đến việc Vinalines chậm trễ gửi yêu cầu tìm kiếm, cứu hộ, ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Vinalines cho biết mất liên lạc với chủ tàu là chuyện thường xuyên xảy ra trong vài tiếng đến 10 tiếng và chủ động khắc phục, khi cảm thấy thời tiết xấu mới thông báo lên Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam - MRCC tàu mất liên lạc chứ không phải mất tích.

“Việc mất liên lạc có thể xảy ra thường xuyên với bất kỳ chủ tàu nào, nên lúc đầu chưa đưa vào khẩn cấp. Trong trường hợp tàu phát tín hiệu SOS mới phát tín hiệu cấp cứu tới trung tâm tìm kiếm. Nhưng tới nay vẫn không có tín hiệu nào của tàu lên vệ tinh”, ông Việt nói.

Trả lời câu hỏi tại sao niken là loại hàng hóa nguy hiểm mà Vinalines vẫn nhận chở, ông Nguyễn Quế Dương cho rằng các nước vẫn chuyên chở mặt hàng này, tàu Vinalines Queen cũng đã chở 8 tháng theo hợp đồng thuê tàu gần 1 năm, không phải chuyến đầu tiên. Theo thông lệ, quặng niken được xếp trên bờ trước khi bốc dỡ xuống tàu, khi nhận chở, thấy đảm bảo quy cách (độ ẩm của hàng phải dưới giới hạn độ ẩm cho phép chở hàng, phải đo, tính bằng thiết bị) mới nhận chở. Việc đo này lấy mẫu hàng tại từng hầm, từng giai đoạn trong cả một quá trình, tính quân bình mới biết độ ẩm có thỏa mãn hay không.

Nhưng theo ông Nguyễn Cảnh Việt, tàu được trang bị rất hiện đại, toàn bộ hệ thống tự động, hiện đại, thiết kế chở hàng rời đương nhiên phù hợp chở niken. Tàu cũng được chính quyền Indonesia, Trung Quốc kiểm tra đảm bảo quy trình vận chuyển.

Người về từ tàu đắm và nghi ngờ bưng bít thông tin ảnh 3
Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng (cầm hoa) cùng Đại sứ VN tại Singapore Trần Hải Hậu (phải) chuẩn bị các thủ tục trước khi bay về Hà Nội - Ảnh: do Đại sứ quán VN tại Singapore cung cấp

Vì sao tàu mất tín hiệu vẫn là ẩn số

Ông Việt nói, thuyền trưởng được đào tạo bài bản qua các cấp, được giao quyền rất lớn, thay mặt chủ tàu xử lý và phán quyết mọi tình huống con tàu trong hành trình trên biển… Thuyền trưởng được quyền hành động trước, báo cáo chủ tàu sau trong điều kiện thời tiết xấu, ảnh hưởng đến tàu. Thuyền trưởng tàu Vinalines có kinh nghiệm trên 3 năm, được đào tạo bài bản, quyết định chuyển hướng tàu 240 độ là rất đúng, khi tàu nghiêng 20 độ đã báo cáo.

Cũng theo ông Việt, vụ chìm tàu Vinalines Queen là thảm kịch lớn nhất của Vinalines. Nhưng vì sao một con tàu hiện đại như Vinalines Queen lại hoàn toàn mất tín hiệu vẫn chưa có lời giải đáp.

Cần phải khoanh vùng để tập trung tìm kiếm

Theo thông tin từ ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc MRCC, qua trao đổi với thủy thủ Đậu Ngọc Hùng trước đó, khi tàu bị nghiêng về phía mạn trái, 19 thủy thủ tập trung về phía mạn phải, đề phòng nếu tàu lật về phía trái thì cơ may sống sót cao hơn, chỉ có hai người ở trong ca bin điều khiển tàu trong đó có thuyền trưởng và đại phó. Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng và thủy thủ trưởng của tàu ở phía mạn trái. Sau đó, đã có lúc tàu lấy lại cân bằng nhưng đột ngột lật về phía mạn phải. Sự việc xảy ra nhanh, theo nhận định của ông Nguyễn Anh Vũ tàu chìm do gặp tác động rất lớn.

Tại cuộc họp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, ông Vũ cho rằng, hiện nay khu vực tìm kiếm đã được mở rộng ra phạm vi rất lớn, vì vậy cần phải khoanh vùng để tập trung tìm kiếm hiệu quả hơn. Ông Vũ nhận định vẫn có những vị trí chưa được rà soát kỹ đó là các đảo san hô, đảo hoang ở phía bắc đảo Luzon (Philippines), vì vậy thời gian tới có thể tập trung vào khu vực này. Hiện Philippines đã điều một tàu lớn của hải quân từ miền Trung lên phía bắc tham gia tìm kiếm. Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu yêu cầu Cục Hàng hải phải có khuyến cáo đối với các đơn vị vận tải đường biển về việc vận chuyển quặng niken cũng như các loại hàng hóa nguy hiểm khác. Trung tướng Trần Quang Khuê cho biết, sẽ ra lệnh cho Cảnh sát biển chuẩn bị tàu 3.500 CV tìm trong khu vực phía bắc biển đông, ở vĩ tuyến 20, đề phòng có người có thể trôi qua phía bắc đảo Luzon. Những khu vực khác như quanh tàu bị nạn, từ phía bắc Đài Loan lên Nhật Bản sẽ đề nghị các nước tiếp tục tìm kiếm.

Mai Hà/Thanh niên