Yên Bái:

Nguy cơ bùng phát dịch sởi

31/01/2014 07:18
Nguyễn Hồ
(GDVN) - Một bệnh nhân đã tử vong là em Tráng A Chai, 3 tuổi, học lớp 3-4 tuổi, trường mầm non Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.

Bệnh viện đa khoa huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, tính đến chiều 30.1, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 50 trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện sốt cao, đau bụng đi ngoài, da nổi mẩn đỏ, huyết áp tăng... là triệu chứng rõ nét của dịch bệnh sởi.

Người mắc bệnh sởi có các triệu trứng chính như: sốt, phát ban toàn thân, ho, viêm họng...
Người mắc bệnh sởi có các triệu trứng chính như: sốt, phát ban toàn thân, ho, viêm họng...

Theo tìm hiểu từ một số gia đình bệnh nhân, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện từ khoảng 10 ngày trước, nguyên nhân rất có thể từ những học sinh ở một phòng nội trú của Trường Tiểu học Cát Thịnh. Khi được nghỉ tết về nhà, đã có hơn chục em học sinh ở trường này đã có biểu hiện sốt cao. Do chủ quan và gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, các em đã không được phát hiện kịp thời dẫn đến tình trạng lây lan bệnh nhanh.

Từ ngày 26 đến ngày 28.1, các ca mắc sởi tiếp tục tăng lên từ 10 trường hợp lên đến 25 trường hợp. Đến ngày 30.1, tiếp tục có thêm gần 60 trường hợp.

Trong số gần 60 cháu bé người dân tộc H Mông ở Làng Lao, Làng Ca và Khe Chất, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, bị lây dịch sởi, đến sáng 30.1 (tức ngày 30 Tết), có một bé đã tử vong. Đó là em Tráng A Chai (3 tuổi, học lớp 3-4 tuổi khu lẻ (Khe Rịa), trường mầm non Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn).

Theo lời kể của gia đình thì thấy bé Chai có các triệu chứng trên nhưng do nghi ngờ do ngộ độc thực phẩm như nhiều lần khác nên chủ quan không đưa đi viện. Chính vì thế khi đưa đến viện cấp cứu kịp đã bị di căn vào phổi nặng và tử vong ngay sau đó.

 Hiện bệnh viện đang cùng chính quyền địa phương khoanh vùng dịch, những bệnh nhân có biểu hiện của bệnh đều được đưa ngay tới bệnh viện để cách ly và điều trị.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Yên Bái, từ ngày 28/10 đến ngày 28/11/2013, tỉnh Yên Bái xuất hiện 2 ổ dịch sởi tại huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu.

 Dịch sởi xuất hiện đầu tiên tại xã Nậm Có huyện Mù Cang Chải, sau đó dịch nhanh chóng lây lan sang Trường Phổ thông dân tộc nội trú thị trấn Mù Cang Chải và một số xã lân cận như Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải) và xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn). Đến ngày 1/12/2013, tại Mù Cang Chải có 3 xã, 10 thôn, bản có bệnh nhân mắc sởi với 65 ca được ghi nhận.

Tại huyện Trạm Tấu, bệnh nhân sởi đầu tiên được ghi nhận tại xã Pá Hu ngày 4/11/2013. Đến ngày 28/11/2013 đã có 58 ca mắc sởi tại 3 xã, 7 thôn bản.

Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã khẩn trương thành lập đoàn công tác xuống kiểm tra hiện trường và lấy các mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm 22 ca bệnh phẩm huyện Mù Cang Chải thì 11 ca dương tính với virut sởi; 6 mẫu bệnh phẩm tại huyện Trạm Tấu có 5 mẫu dương tính với virut sởi.

Cả 2 ổ dịch trên, đối tượng mắc bệnh sởi chủ yếu là trẻ từ 1 đến 15 tuổi (chiếm trên 80%). Dịch ngày càng có nguy cơ lan rộng ra các xã và những vùng lân cận. Dịch xuất phát chủ yếu tại các thôn, bản xa xôi, hẻo lánh của các xã vùng cao khó tiếp cận các dịch vụ tiêm chủng như: thôn Đá Đen (Nậm Có), thôn Hàng Giàng (Pá Hu).

 Sở Y tế đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tiêm vắc xin sởi bổ sung cho trẻ từ đủ 1 - 15 tuổi tại huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, 7 xã vùng cao khó khăn của huyện Văn Chấn, 3 xã vùng cao huyện Văn Yên. Đồng thời chỉ đạo cán bộ y tế xã, nhân viên y tế thôn bản, nhân viên y tế học đường… tiến hành điều tra từng hộ gia đình, thôn bản, tổ dân phố đưa vào danh sách trẻ em có độ tuổi từ 1-15 tuổi để triển khai tiêm chủng vắc xin sởi bổ sung nhằm chống dịch chủ động, dập dịch dứt điểm, không để dịch lan rộng, kéo dài và biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về tình hình dịch sởi tại Yên Bái.

Nguyễn Hồ