Nguyên Chủ nhiệm UB các vấn đề XH Quốc hội: "Bà Yến nên tự rút lui"

19/04/2012 11:00
Pháp Anh
(GDVN) -"Bãi nhiệm ĐB Đặng Thị Hoàng Yến, QH sẽ giảm đi mất một người nhưng hãy để cho dân bầu ra một người khác ích nước lợi dân hơn". 
Những ngày qua, chính trường và dư luận “sôi sùng sục” trước trường hợp của bà Đặng Thị Hoàng Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) khi có thông tin cho rằng bà Yến đã khai không trung thực trong hồ sơ. Mới đây nhất, đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kiến nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

"Nói như Chủ tịch MTTQ Long An là vô trách nhiệm"

Xin bà cho biết, Quốc hội quy định như thế nào về việc bãi nhiệm ĐBQH?

Trường hợp ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà có hai hình thức bãi nhiệm. Thứ nhất, là do Quốc hội bãi nhiệm, thứ 2 do cử tri bãi nhiệm. Thông thường chỉ chọn một trong hai hình thức chứ không chọn cả hai. Cụ thể, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ ban MTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra ĐBQH đó.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định. 

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu


Vậy, từ trước đến nay, đã có những đại biểu Quốc hội nào từng bị bãi nhiệm, thưa bà?

Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ Quốc hội Khóa XI đến nay có hai trường hợp ĐBQH bị bãi nhiệm. Đầu tiên là trường hợp của ông Lê Minh Hoàng, nguyên Giám đốc Công ty điện lực TP HCM. Ông Hoàng bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH và khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tiếp sau đó là trường hợp của ông Mạc Kim Tôn nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình. Ông Mạc Kim Tôn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây bất bình trong dư luận, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. 

Điểm chung của cả hai trường hợp này là đều do Quốc hội bãi nhiệm chứ không đưa ra cử tri. Điều này là do khuyết điểm của hai ông đã quá rõ ràng, với lại đưa ra cử tri sẽ khó tránh khỏi việc tốn kém tiền của. 

Đối với trường hợp của ĐB Đặng Thị Hoàng Yến đang gây xôn xao dư luận những ngày qua, bà có bình luận như thế nào?

Về trường hợp của bà Yến, tôi cũng được biết, Trung ương MTTQ Việt Nam đã họp và xem xét đề nghị của UBMT Tổ quốc tỉnh Long An về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Yến. Điều này cho thấy sự thống nhất ý kiến của cả cấp địa phương lẫn Trung ương. Trước biểu hiện không trung thực của bà Yến, MTTQ có quyền kiến nghị Quốc hội bãi nhiệm. Theo quan điểm của cá nhân tôi, rõ ràng bà Yến đã không trung thực. Tôi sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho một đại biểu như vậy. 

Nhiều người băn khoăn, tại sao qua rất nhiều khâu thẩm tra mà vẫn xảy ra sự việc trên. Trách nhiệm của cơ quan thẩm tra trong “vụ” này như thế nào, thưa bà?

Nói chung chỉ là kiểm điểm rút kinh nghiệm, chứ luật đâu có quy định xem xét trách nhiệm. Nếu xem xét lẽ nào xem xét trách nhiệm của cử tri? Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao trải qua nhiều khâu xét duyệt như thế mà bà Yến vẫn “lọt lưới”. Thực tế, trước tiên, bản thân người ứng cử ĐBQH phải tự xem xét, đối chiếu 5 tiêu chuẩn của ứng cử viên. Nếu bản thân mình thấy không đáp ứng được 5 tiêu chuẩn đó thì dù cho trời giới thiệu đi nữa cũng không xứng đáng. 

Tuy nhiên, nếu họ đã cố tình giấu cũng chẳng giấu được mãi. Cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra. Sớm muộn cũng bị phát hiện và đào thải.

Nếu bây giờ mà kiểm điểm trách nhiệm thì phải kiểm điểm từ Ủy ban Thường vụ Quộc hội, Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, tổ bầu cử... thậm chí đến cả cử tri luôn. Dù vậy, cũng phải có cơ quan chịu trách nhiệm chứ không thể như Chủ tịch MTTQ tỉnh Long An biện minh rằng: Chỉ là người đứng ra hiệp thương, tất cả hồ sơ đã gửi ra Quốc hội hết rồi, giờ Thường vụ QH chịu trách nhiệm. Nói như thế là vô trách nhiệm.

"Đừng để những hạt sạn như thế trong Quốc hội"

Theo bà, để thực sự chọn được những ĐBQH đủ đức đủ tài, chúng ta phải làm gì?

Sau sự việc này, chúng ta cần rút kinh nghiệm ngay từ cấp cơ sở. Trong khâu giới thiệu đại biểu để cho dân bầu phải chọn những người xứng đáng, đừng để những hạt sạn, hát cát trong Quốc hội như thế thì thật đáng tiếc. Bãi nhiệm ĐB Đặng Thị Hoàng Yến, QH sẽ giảm đi mất một người nhưng hãy để cho dân bầu ra một người khác ích nước lợi dân hơn. 

Từ trước đến nay, đã có trường hợp nào ĐBQH xin tự rút khỏi chính trường Quốc hội chưa, thưa bà?

Theo tôi được biết, thì chưa bao giờ có trường hợp nào ĐB xin tự rút khỏi QH. Với trường hợp của bà Yến, lẽ ra bà ấy nên tự thấy xấu hổ để rút lui nhưng bản thân chưa tự giác. Chẳng ai chịu tự nhận mình là không đáp ứng được. Chúng ta hay nói đến “văn hóa từ chức” nhưng theo tôi phải gọi là “đạo đức từ chức” sẽ hợp lý hơn. Phải tự thấy rằng, mình không đáp ứng được thì tự xin rút ra một bên để cho người khác làm. Tôi quan niệm rằng, thà làm cây làm cỏ, bón phân cho đất chứ đừng là cục đá làm mẻ lưỡi cày. 

Xin cảm ơn bà!
Pháp Anh