Nguyên Thứ trưởng:"Có một điều chưa đồng tình với BT Thăng"

14/11/2011 06:21
Ngọc Quang
(GDVN) - "Hạn chế một loại phương tiện cá nhân nào đó là bài toán dài, hạn chế rồi thậm chí cấm thì dễ, nhưng cần phải có đầu ra… đó là tri thức tối thiểu...".

Ông Thang Văn Phúc – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm ủng hộ Bộ trưởng Đinh La Thăng trong chuyện chống ùn tắc giao thông đô thị và mạnh tay với những dự án chậm tiến độ, nhưng lại không đồng tình với lệnh cấm cán bộ cấp dưới chơi golf.

Đổi giờ học, giờ làm: Thế giới làm làm từ lâu rồi

Quan điểm của ông thế nào về việc Hà Nội, TP.HCM thay đổi giờ học, giờ làm; hạn chế phương tiện cá nhân để chống ùn tắc?

Ông Thang Văn Phúc: Tôi ủng hộ, vì đó là chuyện đương nhiên phải làm. Thế giới người ta làm từ lâu rồi, Việt Nam bây giờ mới làm có gì là ghê gớm đâu. Mỗi sáng có hơn 7 triệu người ào ào đổ ra các con đường (khu vực từ Mỹ Đình đổ về Hoàng Mai) thì không tắc mới là chuyện lạ.

Người ta cứ nói đi nói lại “cần phải giải quyết bài toán ùn tắc giao thông”, nhưng cả chục năm qua rồi có làm được gì cơ bản  đâu, tắc vẫn cứ tắc, dân số thì ngày càng nhiều lên. Biện pháp thay đổi giờ học, giờ làm cũng chỉ là một trong số nhiều biện pháp cần phải áp dụng để giảm kẹt xe, chứ nếu chỉ trông chờ vào đó thôi thì cũng chẳng ăn thua gì.

Thử hình dung, nếu không giải quyết được nạn ùn tắc giao thông hiện nay thì sau một nhiệm kỳ của Bộ trưởng Thăng, chuyện gì sẽ xảy ra ở Hà Nội và TP.HCM, thưa ông?

Ông Thang Văn Phúc: Tất nhiên là điều ấy sẽ dẫn tới nhiều khó khăn hơn nữa về bài toán giao thông đô thị, càng về sau chúng ta càng khó xử lý. Bây giờ, mỗi năm dân số Hà Nội tăng thêm hai ba trăm nghìn người (tất nhiên là dân số chỉ tập trung ở khu vực trung tâm, chứ không xảy ra ở các huyện mới sáp nhập về thành phố).

Tuy nhiên, tôi tin rằng những vấn đề phức tạp trong ùn tắc giao thông đô thị bấy lâu nay sẽ sớm có chuyển biến tốt hơn với sự quyết tâm của Bộ trưởng Thăng, đồng thời sự quyết tâm ấy đang nhận được sự đồng thuận rất lớn của nhân dân.

Kẹt xe là nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân Thủ đô
Kẹt xe là nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân Thủ đô

Có ý kiến cho rằng Bộ trưởng Thăng hơi vội vàng, cần phải tính thật kỹ các phương án và sự ảnh hưởng của nó, tránh việc đổi đi đổi lại giờ làm, giờ học thì rất dở, ngay cả chuyện hạn chế phương tiện cá nhân cũng vậy?

Ông Thang Văn Phúc: Tất nhiên đây là một việc lớn có ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu người, cho nên phải tính toán cẩn thận, điều quan trọng là phải lường trước được các phát sinh, khó khăn kéo theo từ quyết định này. Và để làm được thì cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành của hai thành phố này, chứ không thể chỉ có sự cố gắng của mình Bộ trưởng Thăng.

Còn chuyện hạn chế một loại phương tiện cá nhân nào đó thì cũng là bài toán dài, hạn chế rồi thậm chí cấm thì dễ, nhưng cần phải có đầu ra, tức là phải có phương tiện thay thế đảm bảo, đó là tri thức tối thiểu của các nhà quản lý đất nước. Hiện nay, chúng ta mới có xe buýt thôi nên cũng chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu đi lại.

Dự án tàu điện ngầm nói mãi mà đã làm được đâu, đã thế lại có ý kiến nói là địa chất phức tạp. Theo tôi, nói như vậy là không ổn đâu, vì thế giới người ta đã làm ở các loại địa hình còn phức tạp hơn ở ta nhiều; mặt khác xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh còn chậm chạp nên Hà Nội vẫn chịu nhiều áp lực; các công trình ngầm cũng phải tính tới.

Nếu không thì 10 năm nữa cứ đi ra tới đường chỉ tránh nhau cũng hết nửa ngày, mà nếu không tính từ bây giờ thì càng về sau càng khó làm, vì khi làm các công trình ngầm cũng phải tính toán đến cả các công trình trên mặt đất nữa, không phải cứ thích là đào lên xây được ngay.

Có người bảo rằng, Bộ trưởng Thăng cứ làm cho tốt trước đi rồi hãy nói, nhưng cũng có người cho rằng nói được thì mới làm được. Theo ông thì sao?

Ông Thang Văn Phúc: Bộ trưởng Thăng là người nói được làm được chứ không nói chơi, bằng chứng là đã có những hành động cụ thể như đề xuất cụ thể thay đổi giờ làm, tới đây sẽ còn nhiều việc khác nữa. Điều quan trọng ở đây là quyết định của Bộ trưởng Thăng có tác động tới cả một hệ thống và việc làm ấy lại mang tính tích cực, động cơ hoàn toàn trong sáng nên rất đáng hoan nghênh.

Tôi cũng biết rằng sau một quyết định của Bộ trưởng Thăng về vấn đề thay đổi chỉ huy ở dự án Nhà ga sân bay Đà Nẵng, một loạt các đơn vị khác trong Bộ phải tự chấn chỉnh lại hoạt động của mình, như vậy là tích cực đấy chứ. Tôi ủng hộ quan điểm khi đã ra trận thì một vị tướng có quyền tiền trảm hậu tấu.

Bộ trưởng Thăng làm được như vậy cũng không phải bình thường đâu, điều đó thể hiện tinh thần “dám làm và dám chịu trách nhiệm”, chứ nếu là người khác (thậm chí là có những vấn đề ở Bộ khác) thì chưa chắc đã dám thẳng tay như vậy.

Và chính cái sự dám nói, dám làm ấy đã tạo nên sự khác biệt của "hiện tượng" Đinh La Thăng?

Ông Thang Văn Phúc: Điều đó thì đúng quá rồi còn gì, Bộ trưởng Thăng đã tự khẳng định mình. Cách làm ấy của Bộ trưởng Thăng cũng là tạo ra một tinh thần mới có ý nghĩa quan trọng với đất nước, với thời cuộc.

Tôi nói thí dụ như bây giờ không thể cứ nói đi nói lại chuyện cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém được. Ai cũng biết là không có giao thông thì phát triển sẽ chậm, ấy thế mà có những con đường vẫn chậm tiến độ tới vài năm, như thế thì làm sao mà tạo đà phát triển được. Thí dụ như việc làm đại lộ Thăng Long đã mất hàng chục năm cũng là quá chậm chạp, kéo theo chuyện di chuyển Đại học Quốc gia ra vùng ngoại ô cũng chưa thể tiến hành.

Do vậy thì họ cứ ở lại nội thành (cả những tổ chức khác cũng vậy), chứ chẳng ai muốn di chuyển, vì đường xá có ra gì đâu mà đi. Việc không đẩy nhanh được tốc độ các dự án, tình trạng tiến độ dự án chậm cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông tại hai đô thị lớn nhất cả nước.

Nhưng nếu đánh giá một cách sòng phẳng, Bộ trưởng Thăng không phải người của ngành giao thông thì khó mà làm tốt ngay được, thưa ông?

Ông Thang Văn Phúc: Tôi không nghĩ vậy. Bộ trưởng Đinh La Thăng vốn trưởng thành từ Tổng Công ty Sông Đà – đó là một đơn vị rất mạnh về xây dựng. Từ hồi đó, ông Thăng đã là người có thái độ quyết liệt với tiến độ và chất lượng của mỗi công trình rồi, mà từ ngành xây dựng sang giao thông thì rất gần nhau nên sẽ không quá khó khăn.

Sau thời gian rất thành công ở Tổng Công ty Sông Đà, ông còn làm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Quốc gia, cũng đã thành công. Ở cả hai vị trí quan trọng ấy, ông Thăng đã chứng tỏ được phẩm chất năng lực điều hành của mình, quan trọng hơn nữa là cả quãng thời gian ấy còn đem lại tri thức, kinh nghiệm cần thiết cho một người đứng đầu Bộ GTVT.
Ngoài ra, ở vị trí lãnh đạo càng cao thì chỉ đạo, điều hành càng phải mang tính chiến lược, lời nói chính là công cụ để thuyết phục mọi người, chứ không phải là đi làm những việc chi tiết. Ngay như việc chống ùn tắc cũng vậy, cần phải có sự tham gia của nhiều cơ quan, nhiều cá nhân thì mới thành công được, cho nên uy tín của người lãnh đạo đứng đầu để xử lý một vấn đề nào đó là vô cùng quan trọng.

Dự án thuộc Hà Nội và TP.HCM chậm: Bộ trưởng Thăng có quyền kiến nghị Chính phủ

Ông đã từng nhắc đến chuyện các mối quan hệ có ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động công vụ, trong trường hợp này. Dường như Bộ trưởng Thăng không bị “ràng buộc” bởi các mối quan hệ trong ngành giao thông, nên đã mạnh tay thời gian qua, không chỉ là chuyện “trảm tướng”, mà còn cấm cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Bộ chơi golf?

Ông Thang Văn Phúc: Vụ việc tại Đà Nẵng thì quá rõ ràng rồi, xử lý dứt điểm sớm bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, vì rõ ràng là công trình chậm đưa vào khai thác thì thiệt hại đã là quá lớn rồi. Ở các nước phát triển người ta sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị (tất nhiên là lương thưởng cũng xứng đáng), còn ở ta thì không phải vụ việc nào cũng làm đến nơi đến trốn.

Về việc cấm chơi golf thì quan điểm của tôi là không nên, làm như vậy là không phù hợp trong quản lý hành chính và có phần cực đoan, vì thực ra chúng ta có nhiều cách để vừa kiểm soát được năng lực của cán bộ bằng kết quả công việc mà không cần phải ra một văn bản cấm làm gì cả.

Tôi hiểu rằng, trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này thì Bộ trưởng Thăng cũng rất sốt ruột và muốn cán bộ dưới quyền tập trung mọi tâm sức cho công việc, nhưng về lâu dài thì biện pháp này là không cần thiết. Tôi tin là Bộ trưởng Thăng cũng sẽ thay đổi “mệnh lệnh” khi những vấn đề khó khăn của giao thông đô thị được giải quyết.

Ông Thang Văn Phúc: Cần phải có những con người hành động quyết liệt như Bộ trưởng Thăng
Ông Thang Văn Phúc: Cần phải có những con người hành động quyết liệt như
Bộ trưởng Thăng

Khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Thăng đã “trảm tướng” rất dứt khoát, có lẽ điều đó được coi là hiếm với một tân Bộ trưởng. Nếu là Bộ trưởng Bộ GTVT, ông có làm vậy không?

Ông Thang Văn Phúc: Tôi và Bộ trưởng Thăng có một điểm tương đồng là rất thẳng thắn trong công việc, một khi mục tiêu đã được xác định thì phải tìm mọi cách hoàn thành. Việc Bộ trưởng Thăng thay chỉ huy ở dự án Nhà ga hành khách sân bay Đà Nẵng là hoàn toàn hợp lý, vì không thể để tình trạng dự án hơn 1000 tỷ đồng lại chậm tiến độ gần 2 năm trời được, làm việc như vậy là thể hiện quá rõ sự yếu kém trong quản lý.

Tình trạng các dự án giao thông ở Việt Nam hiện nay không chỉ có chậm tiến độ mà còn có cả vấn đề chất lượng, đường Pháp Vân là thí dụ điển hình, chỉ có ba chục cây số thôi mà làm mãi mới xong, khi xong rồi thì cứ phải sửa đi sửa lại. Đã thế, khi các dự án chậm, chất lượng không đảm bảo thì cũng chẳng rút ra được bài học gì, họp hành nói vài câu xin lỗi nhận khuyết điểm thế là xong thì năm sau lại chậm như năm trước là đúng thôi.

Vì vậy, cần phải có những con người của hành động, quyết liệt như Bộ trưởng Thăng và cũng cần những con người lý giải vấn đề một cách sâu sắc, tự tin như Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Tôi cho rằng, một Bộ trưởng quản lý ở tầm vĩ mô, quản lý chiến lược, mục tiêu, nhưng rõ ràng là phải có kiến thức chuyên môn tốt, thì mới liên hệ giữa các lĩnh vực với nhau để giải quyết vấn đề được.

Vậy theo ông một trong những nhiệm vụ quan trọng với Bộ trưởng Thăng trong thời gian tới là cần phải xử lý dứt điểm tình trạng dự án chậm tiến độ và không để tái diễn tình trạng này?

Ông Thang Văn Phúc: Chúng ta có quá nhiều dự án chậm tiến độ, báo chí nói ra rả, người dân cũng biết rồi. Tôi hoàn toàn ủng hộ nếu Bộ trưởng Thăng tích cực trong việc ngăn chặn tình trạng dự án chậm tiến độ, vì thời gian chẳng chờ đợi ai cả, nó chính là nguồn lực, là tiền bạc, chậm ngày nào chúng ta sẽ lỡ cơ hội ngày đó.

Nhưng với các dự án đầu tư xây dựng đường xá thuộc Hà Nội và TPHCM thì đều do hai địa phương này quản lý (cả về chất lượng và tiến độ), vậy rõ ràng là Bộ trưởng Thăng không thể “trảm tướng” với các dự án đó, trong khi chống ùn tắc hiện nay thì chỉ tập trung ở hai thành phố này. Ông có thấy một sự bất hợp lý nào đó ở đây không?

Ông Thang Văn Phúc: Tôi tin rằng việc Bộ trưởng Thăng tỏ thái độ thẳng thắn khi kiểm tra dự án Nhà ga hành khách sân bay Đà Nẵng sẽ có sức lan tỏa tốt đến các cơ quan khác. Các dự án thuộc Hà Nội và TP.HCM quản lý, cho dù Bộ trưởng Thăng không trực tiếp chỉ đạo, nhưng nếu một dự án nào đó làm cản trở kế hoạch phát triển giao thông đô thị theo định hướng đã được Chính phủ phê duyệt thì Bộ trưởng hoàn toàn có thể nêu quan điểm với thành phố đôn đốc để đảm bảo tiến độ, và nếu cần thiết thì Bộ trưởng cũng có quyền kiến nghị lên Chính phủ.

Theo ông những mốc thời gian nào là quan trọng nhất với Bộ trưởng Thăng: 100 ngày, 200 ngày hay nhiều hơn nữa?

Ông Thang Văn Phúc: Thế giới bao giờ cũng nhìn vào những hành động trong thời gian đầu tiên nhậm chức của một lãnh đạo nào đó để đánh giá về triển vọng. Bộ trưởng Thăng đã nhậm chức hơn 3 tháng và những gì đã nói và đã làm đang theo xu hướng tốt, nếu không tốt thì nhân dân sẽ chẳng ủng hộ ông ấy đến vậy.

Mời các bạn đón đọc kỳ 2 để biết Nguyên Thứ trưởng Thang Văn Phúc nói gì về quyền của các Bộ trưởng trong thời điểm hiện nay, thời thế tạo ra Đinh La Thăng và sức ép mà vị Bộ trưởng này đang phải đối diện.

Ngọc Quang