Nhiễm virus Ebola, tỷ lệ tử vong lên tới 90%

09/08/2014 17:15
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ Y tế cho biết, bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A, lây lan nhanh, hiện chưa có vắc-xin phòng trị đặc hiệu.

Chưa có vắc-xin phòng trị đặc hiệu

Virus gây bệnh năm 2014 là chủng Zaire ebolavirus, là loài gây bệnh nguy hiểm nhất trong 5 chủng virus Ebola.

Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên bệnh dịch có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

Trước tình hình dịch bệnh ở các nước Tây Phi, Tổng Giám đốc WHO đã gọi đây là vụ dịch lớn nhất của căn bệnh này trong lịch sử gần 4 thập kỷ qua. WHO cũng đã tuyên bố về tình trạng khẩn cấp, cần được cộng đồng quốc tế quan tâm và ưu tiên triển khai khẩn cấp ở cả cấp quốc gia và quốc tế.

Một bàn tay bị hoại tử sau khi nhiễm virus Ebola.
Một bàn tay bị hoại tử sau khi nhiễm virus Ebola.

Theo khuyến cáo của WHO, đối với các quốc gia chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh, cần có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và khả năng để phát hiện sớm, điều tra và quản lý những người nhiễm virus Ebola cũng như chuẩn bị các điều kiện để sơ tán và rút công dân đã bị phơi nhiễm với virus Ebola từ các quốc gia có dịch bệnh về nước.

Đối với các trường hợp đã xác định lây nhiễm virus Ebola cần được cách ly và điều trị kịp thời tại cơ sở y tế và không cho phép đi lại trong nước cũng như quốc tế đến khi xác định âm tính với virus Ebola sau 2 lần xét nghiệm. Đối với trường hợp tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh cũng cần được giám sát hàng ngày và hạn chế đi lại trong nước và quốc tế trong vòng 21 ngày.

Nhằm phòng chống dịch Ebola, chiều 8/8, UBND TP Hà Nội đã có công văn hỏa tốc gửi giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể thành phố; chủ tịch uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch sốt xuất huyết do virus Eblola.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế giám sát dịch bệnh với các đối tượng có nguy cơ, phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, giám sát chặt chẽ các trường hợp khách du lịch, người lao động về từ các vùng có dịch...; sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định.

Triển khai việc khai báo y tế tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài với người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch; kiểm soát, chỉ đạo xử lý dịch nhanh trên các chuyến bay.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố chủ động phối hợp với Sở Y tế giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời bệnh dịch trên địa bàn, chủ động thông tin và phối hợp với cơ quan y tế thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống, xử trí dịch sốt xuất huyết do virus Ebola.

Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thú y phối hợp với Cục Hải quan và các đơn vị liên quan tăng cường quản lý, tổ chức điều tra ngăn chặn và thực hiện thu giữ, xử lý nghiêm việc nhập lậu các loại động vật rừng nhiệt đới vào thành phố.

6 nhóm giải pháp chống dịch Ebola

Trước tình hình dịch Eboa có thể xâm nhập Việt Nam, Bộ Y tế đã triển khai 6 nhóm giải pháp chống dịch Ebola:

Thứ nhất, họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh mới nổi; ra công văn gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh; ban hành Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola tại Việt Nam; chỉ đạo tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh do virus Ebola; hạn chế cử cán bộ đi ra nước ngoài tới vùng đang có dịch bệnh; phối hợp và giám sát áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế; tăng cường kiểm dịch y tế biên giới; thực hiện công tác kiểm soát lây nhiễm chung tại các cơ sở khám chữa bệnh; các cơ sở y tế tổ chức thường trực phòng chống dịch bệnh 24/24 giờ.

Thứ hai, cập nhập thông tin và diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới; tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng về phòng chống lây nhiễm bệnh khi đi đến các nước có dịch; chủ động cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng và đăng tải khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh để người dân biết cách và chủ động phòng chống.

Thứ ba, duy trì giám sát thường xuyên các đối tượng kiểm dịch y tế nhập cảnh Việt Nam qua các cửa khẩu; các tỉnh, thành phố lớn phân tuyến và chỉ định các bệnh viện là nơi cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh xâm nhập; tăng cường giám sát tại cộng đồng; tổ chức giám sát trọng điểm.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân; chỉ định các bệnh viện làm nơi cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh xâm nhập và có phương án mở rộng khu cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng. Khi có trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu sẽ chuyển về cơ sở điều trị cách ly gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Đà Nẵng; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.

Thứ năm, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn: Ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh dịch virus Ebola; Hướng dẫn điều trị và chăm sóc bệnh nhân do virus Ebola; xây dựng tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh đến từ các nước vùng Tây phi trong vòng 21 ngày; vận hành văn phòng đáp ứng khẩn cấp.

Thứ sáu, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị; rà soát cơ sở cách ly, phương tiện cận chuyển cấp cứu, hóa chất chống dịch; có kế hoạch mua khẩn cấp 10.000 bộ trang phục phòng hộ cá nhân; tổ chức tập huấn, diễn tập phòng chống dịch cho cán bộ y tế và các cơ sở y tế.

Ngọc Quang