“Nhiều ĐBQH chưa hài lòng với trả lời chất vấn của một số Bộ trưởng”

10/07/2013 13:45
Ngọc Quang
(GDVN) - Đây là nhận định của ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng nay.

Tại phiên làm việc của UBTVQH hội sáng nay, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, nhiều ĐB Quốc hội không hài lòng với chất lượng tại các phiên chất vấn – trả lời chất vấn của một số Bộ trưởng.

“Về cơ bản các Bộ trưởng đã trả lời hết các câu hỏi, nhưng trả lời thực sự đi sâu vào nội dung thì chưa đạt yêu cầu, và nhiều khi phải dẫn vào các văn bản này, văn bản khác. Tôi nghe có cảm giác là hai bên không hiểu ý nhau, ĐBQH hỏi một ý nhưng người trả lời chất vấn cứ trả lời sang ý khác. Do đó, tôi đề nghị về công tác trả lời chất vấn phải có sự chuẩn bị tốt hơn nữa”, ông Lý nói.

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Đối với công tác lấy phiếu tín nhiệm, ông Phan Trung Lý cho rằng, việc tổng kết “công tác lấy phiếu tín nhiệm phản ánh chân thực thực trạng nền kinh tế đất nước” là không chính xác.

“Lấy phiếu tín nhiệm không phải để đánh giá thực trạng của nền kinh tế, mà đây là sự cố gắng của từng người thực hiện nhiệm vụ của họ, chứ nếu đánh giá như thế này thì quá rộng”, ông Lý bày tỏ.

Đối với nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, ông Phan Trung Lý đề nghị thời gian họp phải nhiều hơn vì có nhiều nội dung quan trọng. Và để đảm bảo chất lượng của kỳ họp tốt hơn, ông Lý đề nghị giữa hai kỳ họp thứ 5 và thứ 6 Quốc hội khóa 13, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ chuẩn bị tài liệu các dự án thật tốt, tránh tình trạng tới tháng chuẩn bị kỳ họp Quốc hội mới gửi tài liệu.

Đối với nội dung thảo luận và thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Phan Trung Lý đề nghị nâng số ngày như dự kiến (2,5 ngày) lên 5 ngày, để các ĐBQH có nhiều thời gian trao đổi, thảo luận, cân nhắc trước khi bỏ phiếu thông qua.

“Tôi đề nghị thảo luận về Hiến pháp phải đưa lên đầu kỳ họp để có thời gian dài hơn giúp đại biểu xem xét tới cuối kỳ họp thông qua”, ông Lý đề nghị.

“Không để nước đến chân mới nhảy”

Bày tỏ về các chính sách nhằm ổn định nền kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế cho biết, vừa qua có rất nhiều vấn đề nổi cộm trong đời sống mà nhân dân đang rất mong đợi có các chính sách giải quyết thỏa đáng, mà một trong số đó là câu chuyện giá lúa ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

“Theo tôi, trước kỳ họp thì Quốc hội cần phải có Nghị quyết ngay, phải có sự chuẩn bị tốt nhất để các chính sách đi vào đời sống, còn như hiện nay là chưa ổn”, ông Giàu bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ họp Quốc hội thứ 6, ông Giàu đề nghị phải có đánh giá kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế xã hội 5 năm, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và đặc biệt là các giải pháp đột phá chiến lược thực hiện đến đâu?

Ông Giàu bày tỏ quan điểm:“Tôi đề nghị Chủ tịch Quốc hội và các Bí thư làm việc với Ban cán sự Chính phủ hoặc Thường trực Chính phủ, còn cứ để nước đến chân mới nhảy thì rõ ràng là chất lượng trả lời chất vấn không đạt yêu cầu”.

Cần thiết lập trật tự ưu tiên các nội dung họp Quốc hội

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội đánh giá, việc sắp xếp thời gian thảo luận thông qua các dự án luật chưa thật hợp lý.

“Tôi xin đơn cử về dự án Luật đất đai sửa đổi đưa ra thảo luận gần cuối kỳ họp là sát quá, ngay cả việc lấy ý kiến trước khi đưa vào kỳ họp vừa qua cũng là gấp gáp. Vì vậy, theo tôi có lẽ phải thiết lập trật tự ưu tiên, cái gì quan trọng phải đưa lên hàng đầu để ĐBQH có thời gian thảo luận, suy nghĩ, xem xét cân nhắc”.

Bà Mai cho rằng, nhìn vào chương trình kỳ họp thứ 6 thì có thể thấy rằng có nhiều dự án luật quan trọng cần phải tổ chức hội nghị chuyên trách hoặc hội nghị trực tuyến như dự thảo sửa đổi Luật đất đai, Luật tiết kiệm chống lãng phí, Luật bảo vệ môi trường, Luật đầu tư công… cần xác định luôn trách nhiệm của các ủy ban và các đại biểu chuyên trách để phối hợp kiểm tra, giám sát, để kết quả đạt được tốt nhất.

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Bên cạnh đó, bà Mai cũng đề nghị UBTVQH tập trung chỉ đạo quyết liệt hai vấn đề với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban Dân tộc:

Thứ nhất là phải giám sát việc thực hiện Nghị quyết do UBTVQH và Quốc hội ban hành, thí dụ như Nghị quyết chất vấn, Nghị quyết sử dụng ngân sách quốc gia…đề nghị những vấn đề như vậy các ủy ban phải có báo cáo đồng loạt gửi tới Quốc hội tại kỳ họp, vì các vấn đề thuộc về an sinh xã hội muốn làm tốt thì phải có thời gian, và phải kiên trì giám sát, chứ không phải ủy ban nào làm thì gửi, không làm thì thôi.

Thứ hai là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, đề nghị UBTVQH kiên trì thúc đẩy để các chính sách được thực thi khẩn trương, nếu không thì vẫn xảy ra tình trạng “dập dình” cái sớm cái trễ, không hiệu quả.

Ngọc Quang