Nhiều người sẽ bị quy trách nhiệm trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn

07/11/2013 08:56
Đỗ Tuyết (tổng hợp)
(GDVN) - Trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, nếu điều tra viên cố tình ép cung, mớm cung, nhục hình thì phải xử lý về mặt hình sự.
Những lá đơn kêu oan không có hồi âm...

Tờ infonet dẫn lời phỏng vấn bà Nguyện Thị Chiến (48 tuổi - vợ ông Nguyễn Thanh Chấn vừa được trở về gia đình sau 10 năm tù, ở thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang), bà này kể, trong suốt 10 năm miệt mài đi gửi đơn kêu oan cho chồng chưa một lần nào bà nhận được phản hồi về việc tiếp nhận đơn để giải quyết việc kêu oan của bà cho chồng. Những lá đơn kêu oan cứ im lìm sau mỗi lần gửi, chỉ còn những cuống thư chuyển phát của những lần bà và con trai gửi qua đường bưu điện là vẫn còn.

Bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) vẫn còn mệt mỏi sau khi từ bệnh viện trở về. Ảnh Infonet
Bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) vẫn còn mệt mỏi sau khi từ bệnh viện trở về. Ảnh Infonet

Bà Chiến cho biết, quá trình bà cùng gia đình vừa gửi thư kêu oan và vừa đi tìm chứng cứ để chứng minh chồng không phạm tội và tìm ra thủ phạm thực sự của vụ án là nhờ vào sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Thân Ngọc Hoạt (SN 1958 – anh rể bà Chiến) ở thôn Yên Sơn, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang trong gần 10 năm qua.

Theo lời ông Hoạt kể lại, khi ông Chấn mới bị bắt và bị kết án tù chung thân về tội giết người thì ông cũng như mọi người thân khác trong gia đình vừa buồn, sợ và rất xấu hổ. Đến năm 2004 khi ông Hoạt lên thăm ông Chấn ở trại Kế (Bắc Giang) và nghe ông Chấn tâm sự về nỗi oan khuất thì lúc đó ông Hoạt bắt đầu đặt dấu hỏi nghi vấn về việc ông Chấn bị oan.

Để lưu giữ được những tình tiết trong các cuộc nói chuyện và để làm căn cứ sau này, ông Hoạt cũng như gia đình bà Chiến đã phải bán thóc, lợn gà để mua sắm máy ghi âm, rồi tiếp xúc với mọi người trong thôn mà gia đình ông nghi ngờ hoặc có thể là nhân chứng của vụ việc. Từ việc tiếp xúc với gia đình chị Hoan (nạn nhân vụ án), đến la cà quán nước, nhà hàng xóm cứ mỗi khi nghe ai nói chuyện liên quan đến "vụ án Chấn giết người" và ngày hôm đó ai trong làng đi đâu, làm gì gặp ai, ông Hoạt lại thu thập rồi tổng hợp xâu chuỗi lại với nhau.

Trong quá trình tìm hiểu, ông hoạt thấy nghi ngờ đối tượng Lý Nguyễn Chung (SN 1988) ở Lạng Sơn nhưng thỉnh thoảng lại về nhà bố đẻ đang sống cùng bà vợ hai ở thôn Me, Nghĩa Trung. Qua quá trình thu thập tìm hiểu, ông Hoạt phát hiện Chung rất nhiệt tình trong việc tự đi mua gà nấu ăn cho các cán bộ công an điều tra khi đến thôn để điều tra, mặc dù gia đình bố, dì của tên Chung chỉ bán hàng tạp hóa và chở xe ngựa. Chung còn rất nhiệt tình tự làm khi được nhờ tìm thuê người chở quan tài đến nhà nạn nhân.

“Khi tổng hợp được tương đối đầy đủ thông tin nghi vấn về tên Chung, tôi đã nhờ người đến nhà ông Chúc, bố tên Chung, để nói chuyện và ghi âm về những biểu hiện bất thường của đối tượng này, tuy nhiên khi mang máy ghi âm ra mở thì không được. Lúc này khi có niềm tin, tôi đã bảo trực tiếp vợ Chấn đến nhà ông Lý Văn Chúc (bố tên Chung) nói chuyện và bí mật ghi âm cuộc nói chuyện này. Và khi đã có đầy đủ thông tin tôi mới làm giấy cam kết để ông Chúc trực tiếp ký vào là ngày hôm đó Chung đi đâu, làm gì, ai nhìn thấy...”, ông Hoạt kể lại.

Để tìm hiểu kỹ hơn, ông Hoạt đã xác định rõ chỗ ở của tên Chung hiện nay trong Đắk Lắk thuộc km bao nhiêu, vợ, con tên là gì, hiện có mấy con... Đến khi đầy đủ thông tin gia đình ông mới đi xuống Hà Nội gửi trực tiếp những chứng cứ này cho Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và được thụ lý.

“Trong hành trình minh oan cho Chấn, tôi có vai trò như một "nhà đạo diễn", còn các thành viên trong gia đình do tôi phân vai, ai vào vai nào, khi ai thu thập được bất cứ chứng cứ nào liên quan đều đưa cho tôi và tôi sẽ bày thế cờ để tiếp tục tính bước đi tiếp theo. Ví dụ như để tìm hiểu tên Chung thì tôi sẽ đi tìm những người thân của Chung và những người hay chơi với đối tượng này để thu thập chứng cứ”, ông Hoạt kể.


“Thú thực trong khi gửi đơn cùng những chứng cứ cho cơ quan chức năng để minh oan cho Chấn, tôi rất lo sợ điều bất thường sẽ xảy ra với Chấn vì việc Chấn bị tù oan sẽ liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị cá nhân, nếu vậy cả quá trình xác minh, thu thập chứng cứ của gia đình sẽ công cốc. Tuy nhiên, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã vào cuộc và ra quyết định kháng nghị và tạm đình chỉ thi hành án tù cho Chấn. Tôi hy vọng các cơ quan sẽ công tâm để minh oan cho em tôi. Việc của tôi làm từ trước đến nay chỉ mong gột rửa nỗi nhục nhã cho Chấn và gia đình”, ông Hoạt nói.
Nhiều người sẽ bị quy trách nhiệm trong vụ Nguyễn Thanh Chấn
Trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông  Nguyễn Bá Thuyền- Từng là Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng cho biết trên tờ Vnexpress: để khắc phục những sai lầm trong vụ án oan 10 năm của ông Chấn phải quy trách nhiệm những người trước đây từng tham gia từ việc điều tra, truy tố đến xét xử chứ không phải một ngành. Bây giờ sai thì ngành tòa án phải đứng ra bồi thường, xin lỗi.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "Các cơ quan nội chính đã hết sức dũng cảm, thấy sai dám nhìn thẳng vào cái sai, giải quyết cái sai". Ảnh: Vnexpress
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "Các cơ quan nội chính đã hết sức dũng cảm, thấy sai dám nhìn thẳng vào cái sai, giải quyết cái sai". Ảnh: Vnexpress

Trước thông tin ông Chấn nói bị ép cung, thậm chí nhục hình trong quá trình điều tra, ông Thuyền cho rằng vụ việc này là bất thường và cần phải xác minh làm rõ. Nếu điều tra viên cố tình ép cung, mớm cung, nhục hình để người ta nhận tội thì phải xử lý về mặt hình sự. Với cơ quan khác như công tố, tòa án, do cũng căn cứ vào hồ sơ nên có thể họ nhận thức sai thì tùy theo mức độ xử lý.

Lời khai của ông Chấn thì cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tối cao sẽ làm rõ. Nếu có đủ căn cứ hình sự thì phải xử lý hình sự bởi cái sai đã rõ.

Liên quan đến vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chân,  có một số ý kiến phân tích vụ việc này cần theo thủ tục giám đốc thẩm chứ không phải là tái thẩm, ông Thuyền đưa ra ý kiến Tái thẩm là đúng vì có tình tiết mới. Trình tự tái thẩm là phải điều tra, xác minh còn giám đốc chỉ có hủy án để xét xử lại. Tái thẩm là để minh oan.

Trường hợp ông Chấn, nếu không phải gia đình liệt sĩ thì đã bị xử tử hình. Rõ ràng người dân gặp phải những rủi ro rất lớn, về vấn đề này theo ông Thuyền  nguyên nhân chính dẫn đến oan sai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử kể cả quá trình sơ thẩm, phúc thẩm đều hết sức chủ quan, phiến diện; chỉ tin vào chứng cứ thu thập chứ không tin vào lời khai của bị can, bị cáo chứng minh người ta ngoại phạm, vì vậy đã làm sai. Nếu đã dũng cảm nhận sai thì phải bồi thường, Viện kiểm sát đã hết sức dũng cảm./.

Đỗ Tuyết (tổng hợp)