"Nhiều nước chưa có Luật báo chí kể cả Mỹ và Trung Quốc"

15/11/2015 09:56
Ngọc Quang
(GDVN) - Thực tế, hiện nay chúng ta thấy chỉ có 20 nước có luật báo chí. Nhiều nước chưa có Luật báo chí kể cả Mỹ và Trung Quốc.

 Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 10, chiều 14/11, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật tiếp cận thông tin và Dự án Luật báo chí (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: “Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng và quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Không có thương mại hóa báo chí, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng, không để lợi ích nhóm chi phối báo chí.

Báo chí không cần nhiều, nhưng phải cần tinh gọn, phát huy được sức mạnh. Quản lý báo chí làm sao phải phát triển mạnh hơn nhưng số lượng phải phù hợp”.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "Không để tư nhân núp bóng, không để lợi ích nhóm chi phối báo chí". ảnh: Ngọc Quang.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "Không để tư nhân núp bóng, không để lợi ích nhóm chi phối báo chí". ảnh: Ngọc Quang.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết, việc sửa đổi Luật Báo chí rất khó khăn và phức tạp. Luật báo chí lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1989, sau đó 10 năm, sửa đổi lần thứ nhất, năm 1999.

Tới Quốc hội khóa XIII, Luật Báo chí tiếp tục được sửa đổi, đã có 17 lần điều chỉnh, nhưng sau đó dừng lại do chương trình thay đổi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển sang một thời điểm khác thích hợp trình Quốc hội thông qua.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: “Những điều cấm nào đã nằm trong bộ luật Hình sự thì không cần quy định lại ở luật Báo chí nữa. Trong trường hợp các hành vi cấm riêng cho báo chí thì cần cụ thể hóa nếu không sẽ biến thành một bộ luật Hình sự thu nhỏ nằm trong luật Báo chí.

Thí dụ như cấm báo chí xuyên tạc lịch sử thì anh phải làm rõ thế nào là xuyên tạc? Đơn cử việc các nhà khảo cổ họ có những phát hiện mới, khác với những gì từng biết, báo chí đưa tin về chuyện đó có bị coi là xuyên tạc lịch sử hay không? Những điều này phải làm rõ nếu không lúc nào cũng có những bản án treo lơ lửng trên đầu các nhà báo”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tiếp tục khẳng định về tự do báo chí: “Đây là luật lớn, cũng thể hiện quan điểm của Nhà nước ta về tự do báo chí, chứ không phải đến bây giờ có Hiến pháp mới chúng ta mới nói đến tự do báo chí.

Ngay lúc đó, chúng ta đã có quyền tự do báo chí được chế định trong luật. Đây là sự tiến bộ, sự ưu việt của Nhà nước ta.

Thực tế, hiện nay chúng ta thấy chỉ có 20 nước có luật báo chí. Nhiều nước chưa có Luật báo chí kể cả Mỹ và Trung Quốc. Những nước lớn như vậy cũng chưa có Luật báo chí”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Luật Báo chí sau 16 năm có hiệu lực đã xuất hiện nhiều bất cập. Trong tình hình hiện nay, công nghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống báo chí, phương thức hoạt động của báo chí cũng thay đổi, loại hình báo chí cũng tăng lên, mà Luật Báo chí hiện nay không bắt kịp với những thay đổi của đời sống báo chí.

"Nhiều nước chưa có Luật báo chí kể cả Mỹ và Trung Quốc" ảnh 2

Cử tri xem một lúc rồi tắt tivi vì biết ngay Đại biểu Quốc hội nói gì

“Khi chúng tôi soạn dự thảo Nghị định 72, có nhiều thông tin trên trang mạng, đối tác nước ngoài cũng cho rằng tại sao Việt Nam không tự do ngôn luận, không tự do báo chí.

Chúng tôi nói rằng, hiện nay, ít có nước nào có nhiều đài phát thanh truyền hình như Việt Nam. Chúng ta có tất cả các tỉnh thành đều có đài phát thanh, truyền hình. Có 3 đài phát thanh, truyền hình trung ương, 63 đài phát thanh, truyền hình địa phương.

Chúng ta có nhiều cơ quan báo chí, từ người cao tuổi đến thiếu niên, nhi đồng, thanh niên, phụ nữ đều có báo, kể cả hội làm vườn cũng có báo. Các thành phần trong xã hội, cơ bản đều có báo. Ít nước nào có được đông đảo báo chí như vậy, không có nước nào có báo của các bộ, ngành”, ông Son nêu quan điểm.

Trước những băn khoăn của Đại biểu Quốc hội: Tại sao Luật Báo chí không quy định về quản lý những trang tin và truyền thông xã hội? Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, khi soạn thảo luật lần đầu cũng đã đưa vào một số chế tài đối với trang tin điện tử, hoặc truyền thông xã hội. Nhưng thảo luận mãi, chúng ta cũng thấy rõ nhiều vấn đề và hiện nay không có cụm từ nào nói đến truyền thông xã hội.

Trang tin điện tử đã được định nghĩa trong Điều 20 Nghị định 72. Chính vì vậy, nếu Luật báo chí chế định cả trang thông tin điện tử thì vô hình chung chấp nhận có báo tư nhân. Đấy hoàn toàn là hoạt động tư nhân. Đối tượng điều chỉnh này có thể chế định bằng luật khác. Cụ thể, sau này có thể nâng Nghị định 72 lên thành luật để chế tài các loại hình khác báo chí, cơ quan báo chí.

Ngọc Quang