Phiên họp thứ 21 của UBTVQH:

Nhiều quan điểm trái chiều về hôn nhân đồng giới

11/09/2013 07:30
Diệu Linh
(GDVN) - Chiều 10/9, thảo luận về vấn đề hôn nhân đồng giới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình, đã xuất hiện các quan điểm khác nhau của thành viên UBTVQH.

Bộ Tư pháp đề nghị: Không thừa nhận kết hôn đồng giới

Theo đề xuất của Bộ Tư pháp, vấn đề đồng tính và chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Mặc dù pháp luật hiện hành đã lựa chọn giải pháp cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính vẫn diễn ra.

Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và trào lưu thế giới hiện nay thì việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành là không còn phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý nhà nước về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao. Do đó, việc thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau với lộ trình, bước đi phù hợp.

Trong hoàn cảnh ở nước ta hiện nay, Chính phủ cho rằng Nhà nước và pháp luật không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng Nhà nước cũng không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục; cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, trên thế giới đã có nhiều nước giải quyết vấn đề này một cách có lộ trình, đầu tiên Nhà nước thừa nhận việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính sau đó mới thừa nhận hôn nhân giữa những người này.

“Trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng còn có ý kiến cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân, cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta”. Bộ trưởng Cường cho biết.

Nhiều quan điểm trái chiều tại Thường vụ Quốc hội

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Thường trực Ủy ban tán thành với quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính và thấy rằng, thời điểm này trong xã hội vẫn còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo cần tổng kết việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính, tiến hành khảo sát thực trạng người đồng tính tại Việt Nam”.

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Tuy nhiên, bà Mai cũng cho biết, các thành viên trong Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đang tồn tại hai hướng ý kiến khác nhau. Một hướng thống nhất với quy định như dự thảo Luật, vì quan niệm và nhận thức của xã hội về vấn đề đồng tính đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

Nhưng ở chiều ngược lại, các ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì cho rằng kết hôn đồng giới không phù hợp với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam và quy luật sinh học cũng như không đảm bảo chức năng của gia đình về duy trì nòi giống.

Đồng quan điểm với bà Mai, Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu quan điểm: “Vấn đề đồng tính có thể điều chỉnh trong luật này và cần phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nếu thích thì có thể về ở với nhau, nghĩa là nhà nước không cấm nhưng cũng không thừa nhận”.

Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội lại không đồng tình với quy định mập mờ như vậy.

Ông Lý nói: “Luật hôn nhân trước đây cấm, giờ ta lờ đi, như thế là không rõ ràng, trong khi đã là luật pháp thì phải rõ ràng chứ không nửa chừng. Vấn đề quyền con người phải được tôn trọng, vì vậy nên công nhận hôn nhân đồng giới chứ không nên lờ đi, về mặt nguyên tắc nếu đã không cấm thì được làm”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đều nêu đặt ra câu hỏi: Khi người ta đã chuyển giới, “nam ra nam, nữ ra nữ” rồi thì có công nhận không?

Tuy nhiên, những thắc mắc của hai Phó Chủ tịch Quốc hội chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Diệu Linh