Nhìn lại Tổng khởi nghĩa năm 1945 tại Sài Gòn – Gia Định sau 71 năm

24/08/2016 08:01
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Chỉ trong vòng 3-4 tháng, hàng triệu người dân thành thị và nông thôn được Đảng tuyên truyền và tổ chức, sẵn sàng đứng lên.

Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) trước Cách mạng 8/1945 được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" - một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Thực dân Pháp rồi quân phiệt Nhật đã đặt các cơ quan hành chính quan trọng, lực lượng hùng hậu ở đây.

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại (tháng 11/1940), lực lượng cách mạng ở Nam Kỳ nói chung, Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn nói riêng bị đàn áp nặng nề, tổn thất vô cùng to lớn.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Thường vụ Trung ương Đảng đã họp nhận định và ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta".

Tổng khởi nghĩa ở Sài gòn (Ảnh: congluan.vn).
Tổng khởi nghĩa ở Sài gòn (Ảnh: congluan.vn).

Đảng cho rằng đây là thời kỳ bước vào cao trào kháng Nhật trong cả nước và đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng là "phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, lãnh đạo toàn dân gấp rút chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa trong cả nước".

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, một cao trào kháng Nhật, cứu nước dâng lên mạnh mẽ. Tháng 6/1945, Khu giải phóng nằm trên 6 tỉnh ở Việt Bắc đã xây dựng chính quyền cách mạng, đem lại quyền làm chủ cho nhân dân. Hàng loạt chiến khu khác đã ra đời.

Khởi nghĩa từng phần ở nhiều địa phương đã nổ ra, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ở Quảng Ngãi (11/3/1945), ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp.

Tại Sài Gòn - Gia Định, càng gần đến tháng 8, không khí của thời kỳ tiền khởi nghĩa càng rõ nét với các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa đa dạng của các giới đồng bào yêu nước do cá nhân, tổ chức tiến bộ hướng dẫn hoặc do Đảng Cộng Sản trực tiếp lãnh đạo.

Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định chuyển mình khá mạnh mẽ. Cán bộ, đảng viên từ các nhà tù, trại giam đã khẩn trương tìm mọi cách trở về thành phố, chắp nối liên lạc. Nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng ẩn tránh địch trong thời gian trước cũng dần dần trở lại hoạt động.

Xứ ủy và Đảng bộ Sài Gòn đẩy mạnh chăm lo công tác quần chúng, xây dựng và phát triển mạnh các đoàn thể cứu quốc....

Dựa trên sự phân tích tình hình thế giới và trong nước, trước sự thất trận của quân Đức ở châu Âu và quân Nhật ở châu Á, Xứ ủy Nam Kỳ nhận định thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã chín muồi. Vì vậy ở Nam Kỳ nói chung và Sài Gòn nói riêng, phải khẩn trương làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, gây dựng phong trào quần chúng rộng rãi hướng tới Tổng khởi nghĩa.

Chỉ trong vòng 3-4 tháng, hàng triệu người dân thành thị và nông thôn được Đảng tuyên truyền và tổ chức, sẵn sàng đứng lên. Riêng nội thành Sài Gòn lúc này có 324 công đoàn cơ sở với 120 ngàn đoàn viên; Thanh nhiên Tiền phong có 80 ngàn đoàn viên, hoạt động công khai và hợp pháp.

Ngày 15/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ họp, xác định thời cơ khởi nghĩa đã tới, Nam Kỳ phải kịp thời hòa vào dòng thác Tổng khởi nghĩa của cả nước. Cần thành lập ngay một Ủy ban khởi nghĩa và bắt tay vào hành động ngay.

Nhưng khi bàn về thời điểm phát lệnh khởi nghĩa, dự kiến vào đêm 17 hoặc đêm 18/8/1945, có một số ý kiến tuy thuộc phe thiểu số nhưng phản bác rất gay gắt. Đó là ý kiến sợ "khởi nghĩa non" như những năm trước, là ý kiến không cần khởi nghĩa, không cần bạo động mà đấu tranh chính trị cũng có thể đi đến độc lập dân chủ.

Nhìn lại Tổng khởi nghĩa năm 1945 tại Sài Gòn – Gia Định sau 71 năm ảnh 2

Chuyện "tiền nong" năm 1945 được Chính phủ khi đó giải quyết như thế nào?

Trong vòng bảy ngày, Hội nghị Xứ ủy phải họp tới ba lần (tại Chợ Đệm, Trung Quận).

Sáng 21/8/1945, đồng chí Trần Văn Giàu, người chủ trì cả ba cuộc họp trên, đưa ra đề nghị cuối cùng được tất cả đại biểu tán thành: giao cho Đảng bộ tỉnh Tân An làm khởi nghĩa thí điểm, sáng 23/8/1945 trở lại báo cáo kết quả với Xứ ủy.

Tân An là cửa ngõ quan trọng phía tây nam Sài Gòn, có phong trào quần chúng sôi nổi và được chuẩn bị khá chu đáo. Ngay trong đêm 21/8/1945, Tỉnh ủy khẩn trương họp, ra "Nghị quyết đỏ", tổ chức may cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, tập trung các đội cận vệ đỏ từ các địa phương về thị xã.

Trong ngày 22/8, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Trọng và Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Lê Minh Xuân trực tiếp chỉ huy lực lượng đến tước vũ khí của lính bảo an tỉnh, thu 140 súng. Thanh niên Tiền phong thiết lập trật tự chung toàn thị xã. Tên tỉnh trưởng Thạch trên đường từ Sài Gòn về bị ta đón lõng bắt.

Rạng sáng ngày 23/8/1945, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh ra mắt đồng bào. Cùng lúc, một xe ô tô chở đoàn cán bộ của tỉnh lên Chợ Đệm báo cáo thắng lợi với Xứ ủy.

Xứ ủy quyết định Sài Gòn, trọng điểm của toàn Nam Kỳ, sẽ khởi ngĩa vào ngày 25/8/1945.

Từ sẩm tối 24/8 đến 0 giờ ngày 25/8, các đội xung phong công nhân và thanh niên đã hoàn tất việc chiếm tất cả các cơ quan trong nội ô thành phố, không gặp trở ngại gì: từ Nhà đèn Chợ Quán, Sở mật thám, bót cảnh sát đến Đài phát thanh, dinh Đốc lý...

Khâm sai Nam Kỳ Nguyễn Văn Sâm và Đổng lý văn phòng Phủ Khâm sai Hồ Văn Ngà bị giữ tại buồng ngủ của họ tại dinh Khâm sai. Riêng Ngân hàng Đông Dương do có nhiều quân Nhật nên không chiếm được, vì có chủ trương không xung đột với chúng lúc này nên anh em được lệnh rút lui.

Ngay trong đêm, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và mấy chục công nhân gấp rút xây dựng xong một kỳ đài cao bằng gỗ tại ngã tư hai đại lộ Charner - Bonard (nay là Nguyễn Huệ - Lê Lợi).

Từ nửa đêm đến rạng sáng, công nhân, viên chức, nhân dân nội thành và ngoại ô bắt đầu tập hợp theo đoàn, theo giới; trương cờ, băng khẩu hiệu, trang bị vũ khí thô sơ tiến dần vào trung tâm thành phố.

Ủy ban khởi nghĩa đứng trước một vấn đề không đơn giản là số người tham gia khởi nghĩa có thể lên đến một triệu và nhiều hơn thế (bà con ở các tỉnh lân cận xa 30-40km cũng đi xe đò, xe ngựa đến). Vì vậy phải có kế hoạch giữ trật tự thật chu đáo, không cho địch lợi dụng để phá phách, khiêu khích.

Ngay từ sáng sớm ngày 25/8/1945, cả triệu người dân Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận hừng hực khí thế cách mạng, ào ạt kéo vào thành phố, quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền.

Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: "Việt Nam hoàn toàn độc lập", "Tất cả về tay Việt Minh", "Mặt trận Việt Minh muôn năm!", "Đảng Cộng sản Đông Dương  muôn năm!", "Độc lập hay là chết!".

Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, bay phấp phới hiên ngang trên các công sở.

Quần chúng như một biển người kéo về dự mít tinh, hoan nghênh Ủy ban Nhân dân Nam Kỳ. Đoàn người xếp thành hàng ngũ suốt từ đại lộ Norodom đến Sở thú, từ sau nhà thờ Đức Bà đến bót Giếng Nước, trung tâm là lễ đài đã dựng xong từ đêm 24/8.

Lễ đài được trang hoàng bằng các khẩu hiệu cách mạng. Ông Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa báo cáo sự hoàn thành chiếm lĩnh các cơ quan chính quyền trong đêm vừa qua, nói về ý nghĩa quan trọng của cuộc biểu tình tuần hành vũ trang ngày hôm nay và ý nghĩa của cách mạng đã nổ ra thắng lợi không những ở Sài Gòn mà cả ở Hà Nội, Huế và các địa phương khác trên cả nước.

Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa cũng không quên nhắc lại những hy sinh to lớn, anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước để có được ngày hôm nay. Ban nhạc binh cử lên bài Quốc tế ca (Sài Gòn lúc này chưa được phổ biến bài Tiến quân ca).

Sau đó, cuộc biểu tình vũ trang bắt đầu. Đi đầu là lá cờ mặt trận và cờ Đảng. Đoàn biểu tình đi theo đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) về trước dinh Đốc lý.

Nhìn lại Tổng khởi nghĩa năm 1945 tại Sài Gòn – Gia Định sau 71 năm ảnh 3

Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 ở các địa phương trong cả nước

Tại đây, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tuyên đọc danh sách Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ.

Ông Nguyễn Lưu, Ủy viên Ban chấp hành Tổng công đoàn Nam Bộ đọc bản hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh.

Ông Nguyễn Văn Nguyễn đọc lời hiệu triệu của Xứ ủy Nam Bộ, kêu gọi đồng bào hết lòng ủng hộ chính quyền cách mạng, dân chủ của mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập vừa giành được.

Cuộc biểu tình kết thúc trong tiếng nhạc Lên đàngThanh niên hành khúc.

Cuộc khởi nghĩa đã thành công nhanh chóng, trọn vẹn và không đổ máu. Báo chí tại Sài Gòn nhất loạt đăng bài tường thuật và bình luận sự kiện lịch sử này với tất cả niềm hân hoan tự hào của một dân tộc đứng lên làm cuộc cách mạng đổi đời, thể hiện ý chí và sức mạnh của quần chúng nhân dân.

Trong ngày 25 và 26/8, sau khi giành được chính quyền ở nội thành, nhân dân vùng ven thuộc Gia Định và Chợ Lớn tiếp tục hoàn thành khởi nghĩa ở địa phương và thành lập chính quyền cách mạng.

Tại Sài Gòn, Ủy ban Hành chính được thành lập, do các ông Kha Vạn Cân làm Chủ tịch và Phạm Văn Chương làm Phó Chủ tịch. Trụ sở chính quyền đặt tại dinh Đốc lý (tức trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố ngày nay).

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn - Gia Định có một vị trí quan trọng trong thắng lợi chung của tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Sài Gòn - Gia Định là một thành phố lớn, và trước Tổng khởi nghĩa cũng là trung tâm của các lực lượng phản cách mạng.

Quân đội Nhật Bản dù đã mất hết tinh thần, ý chí chiến đấu, nhưng còn đóng ở đây rất đông.

Với bản chất quân phiệt, quen coi khinh người bản xứ nên chúng có thể can thiệp bằng vũ trang đối với quần chúng cách mạng. Điều này sẽ gây tổn thất không nhỏ cho ta. Tuy nhiên, trước khí thế hừng hực cách mạng của quần chúng nhân dân, có tổ chức, quyết tâm đấu tranh, lại có đường lối giải pháp đúng đắn của Đảng bộ, nên quân Nhật phải giữ thái độ "trung lập" có lợi cho cách mạng.

Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, sau tổn thất nặng nề của Nam Kỳ khởi nghĩa, xa sự chỉ đạo của Trung ương nên cũng gặp những khó khăn nhất định, nhưng với quyết tâm cách mạng của quần chúng và sự lãnh đạo linh hoạt, kịp thời của Đảng bộ các cấp nên đã giành được thắng lợi.

Thắng lợi của Cách mạng 8/1945 đã trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Bộ. "Nó như phát súng lệnh", đồng thời là trường học thực tiễn, cung cấp kinh nghiệm khởi nghĩa sinh động cho các địa phương ở Nam Bộ giành chính quyền kịp thời, không đổ máu.

Nếu như cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội mở đầu và quyết định trong việc triển khai và thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc thì cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn quyết định thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ, đưa Tổng khởi nghĩa tháng Tám của nhân dân ta đến thành công rực rỡ.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn - Gia Định đã đặt dấu chấm hết cho chế độ phát xít, bù nhìn ở nước ta, đồng thời tạo điều kiện cho việc bảo vệ thành quả cách mạng vĩ đại của nhân dân ta trước âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp với các thế lực khác.

Gần như đồng thời với cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn - Gia Định, nhân dân các tỉnh Nam Bộ, miền Đông cũng như miền Tây đã vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, kết thúc thắng lợi cuộc Cách mạng 8/1945 ở nước ta.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định:

"Cách mạng tháng Tám là một cuộc Tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt ở cả thành thị lẫn nông thôn mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn" (Lê Duẩn, Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tập II, Nxb Sự Thật, H.1976, trang 649).

* Tài liệu tham khảo:

- "Cách mạng tháng Tám 1945 - Toàn cảnh", Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội - 2005.

- "Năm 1945 - Những sự kiện lịch sử trọng đại", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

Đại tá Đặng Việt Thủy