Nhờ vả, xin xỏ, gửi gắm là nỗi khổ của người coi thi, chấm thi!

24/05/2015 07:38
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Ai bảo, nghề dạy học là nhàn, ít va chạm? Nỗi khổ của người thầy về nạn xin xỏ, gửi gắm ấy bao giờ vơi và không còn nữa giữa thời cuộc phức tạp, nhiều cám dỗ?

LTS: Năm nay, thi cử có nhiều đổi mới, tuy nhiên công tác c coi thi, chấm thi thì vẫn là khâu quan trọng bậc nhất.

Đã có nhiều ý kiến về việc này, khen chê đủ cả, nhưng mấy ai tự hỏi, người đi coi thi, chấm thi có nỗi khổ gì?

Bài viết dưới đây cảu thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc nói lên điều này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Phát ốm vì nhờ vả

Thầy N.V.H, bạn tôi, một giáo viên THPT của trường huyện ở tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Cứ mỗi lần đến mùa coi thi, chấm thi Tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10, nhà tôi có nhiều người bà con, bạn bè đến đặt vấn đề nhờ gửi cháu con.

Họ nghĩ người trong ngành, trong trường, việc lo lót, chạy chọt cho đỗ tốt nghiệp, vào được lớp 10 như mong muốn thì có khó gì đâu, đều nằm trong tầm tay.

Để khỏi mất lòng họ, tôi thường nhận lời đại khái hoặc nói “nước đôi” nếu gặp được những đồng nghiệp quen biết về coi thi, chấm thi trường đó, phòng kia sẽ “giúp đỡ” cho. Đến mùa thi, tôi rất mệt mỏi, khổ tâm về chuyện bà con, bạn bè nhờ, gửi... thi cử”. 

Nhờ vả, xin xỏ, gửi gắm là nỗi khổ của người coi thi, chấm thi! ảnh 1

Kỳ thi quốc gia 2015: Mong ước "thấu tình đạt lý" của người trong cuộc

(GDVN) - Việc đánh giá, cho điểm học sinh lớp 12, nhiều cán bộ quản lý giáo dục và thầy, cô giáo đang đứng lớp có chung những băn khoăn, lo ngại...

Trong khi đó, thầy L.T, hiệu trưởng một trường THPT nổi tiếng nghiêm túc khác, không bao giờ chấp nhận chuyện gửi gắm “gà”...

Trước và trong mấy ngày thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10, thầy thường trốn biệt, không về nhà, điện thoại luôn ở chế độ tắt nguồn, không nghe.

Nếu bà con, người nhà cố tình gặp nhờ cậy, thầy cũng thẳng thừng chối từ.

Nhờ tính thẳng thắn, nghiêm túc của thầy nên các kỳ thi diễn ra ở Hội đồng thi trường thầy rất nghiêm túc, không có chuyện gửi gắm, “gà”, thí sinh nào vi phạm quy chế thì lập biên bản ngay lập tức.

Thầy từng chia sẻ: “Cũng chính vì nghiêm túc, con cháu chẳng được nhờ vả gì nên nhiều người bà con hiếm khi tới chơi nhà trong những ngày lễ Tết.

Về quê ăn giỗ, thấy tôi, bà con cứ lơ lơ, tránh mặt. Có người anh trong họ, trong người có ít men vào, nói thẳng vào mặt tôi: làm đến chức hiệu trưởng mà con cháu, bà con chẳng cầu cạnh, nhờ vả được cái gì, thật vô tích sự, đừng về đây ăn giỗ nữa... Lắm lúc tôi cảm thấy rất buồn về “nạn” nhờ vả của bà con, người thân của mình”.

Mọi người biết vẫn còn...ít lắm

Song cũng có diện một số cán bộ quản lý, thầy cô giáo, tới mùa thi lại thích người ta tới lui, nên rất nhiệt tình, sốt sắng với chuyện gửi gắm cháu, con, “gà”...

Mấy ngày thi, liên tục gọi điện thoại, mời rủ, í ới đồng nghiệp đi uống nước, nhậu nhẹt... Thấy số điện thoại reo lên vào thời điểm thi cử, biết ngay là có chuyện... giúp con, giúp cháu.

Người này gửi người kia, người kia gửi người khác, thành một đường dây chuyền rất dài.

Anh, chị em là chỗ đồng nghiệp, thân quen, thường xuyên gặp mặt nhau, chẳng lẽ chối từ được ư? Khó lắm.

Lần này, trường hợp đó, mình giúp họ, lần sau, đến con cháu mình, mình gửi, họ phải giúp lại mình.

Kể cũng lạ, có người, năm nào cũng có năm bảy trường hợp con cháu cần giúp đỡ. Cháu con đâu mà đông thế không biết?

Có nhiều người lợi dụng quan hệ đồng nghiệp, lòng tốt của anh chị em giáo viên để đạt mục đích riêng cho mình...

Trong một phòng thi, có con cháu, có “ gửi gắm” thì không thể nào có khái niệm nghiêm túc, công bằng.

Giúp đỡ, chỉ bài, dễ dãi cho thí sinh A, thí sinh B, tất nhiên phải lo chỉ bài, dễ dãi cho cả phòng thi.

Nếu không biết cách xử lý cho êm đẹp, thí sinh khác không làm bài được, nổi đóa lên kiện tụng, tố cáo giám thị thì rách việc...

Không chỉ phổ thông, đến bậc đại học, cao đẳng bây giờ cũng đâu thiếu chuyện gửi gắm, nhờ cậy. Bao nhiêu vụ, đường dây chạy điểm, chạy vào đại học... bị phát giác, chẳng qua chỉ là một phần nổi của tảng băng.

Nhờ vả, xin xỏ, gửi gắm là nỗi khổ của người coi thi, chấm thi! ảnh 2

Thầy nghiêm, trò trung thực và tự trọng thì lo gì tiêu cực thi cử

(GDVN) - Tiêu cực trong thi tốt nghiệp ngày càng khủng khiếp, tràn lan, vượt ra mọi rào chắn, quy định, khiến nhiều thầy cô giáo tâm huyết với nghề chán nản, xót xa.

Ngoài việc thi cử, nhiều đồng nghiệp, nặng tình bà con... còn phải cáng đáng chuyện điểm số, lên lớp cho đám con cháu phía nội, phía ngoại, phía vợ, phía chồng...

Trước vấn nạn xin xỏ, gửi gắm của phụ huynh, bà con, nhiều đồng nghiệp, giáo viên chúng tôi chỉ còn cách mong sao đến mùa thi được cấp trên điều động đi làm công tác coi thi, chấm thi thật xa, trường lớp mình dạy không có thành phần con cháu, bà con học hành quá tệ...

Phụ huynh nào sinh con ra và nuôi con lớn khôn, đều trông mong con cái mình ngoan ngoãn, học hành tấn tới, thành đạt. Song, thực tế, đâu phải ai cũng được toại nguyện về con cái. Bởi lẽ, con đường học vấn đầy gian lao, vất vả, có em học được, có em học không được, có em thi hỏng, có em đỗ đạt rất cao. Đấy là lẽ thường tình.

Nhưng thật khổ, cho nhiều ông bố, bà mẹ, tuy biết rất rõ con mình học dở, học yếu, không điều kiện lên lớp, không thi được tốt nghiệp, không thể thi tuyển sinh vào lớp 10 ở trường điểm được mà vẫn cố “níu kéo” bằng đủ cách, nào xin xỏ, nhờ vả thầy cô giáo, nhà trường.

Nếu chiếu cố cho lên lớp, cho đậu thì phấn khởi, hoan hỉ, nếu không được, không cho, thì phụ huynh quay lại nói xấu, tung tin, tố cáo thầy cô giáo đủ điều.

Cái thói xin xỏ, lo lót của phụ huynh lo cho con cái, cũng đang là thứ “bệnh dịch” nguy hiểm của ngành giáo dục. Ai bảo, nghề dạy học là nghề nhàn, ít va chạm?

Nỗi khổ của người thầy hôm nay về nạn xin xỏ, gửi gắm ấy bao giờ vơi và không còn nữa giữa thời cuộc phức tạp, có nhiều cám dỗ?

ĐỖ TẤN NGỌC