Nhọc nhằn gom góp “quà” của biển

14/06/2014 06:38
Hà Triệu
(GDVN) - Không thể thiếu trong bếp của mỗi nhà, muối-món quà của biển cả, nhưng để có được hạt muối trắng tinh, là mồ hôi, là sự vất vả đêm ngày của diêm dân miền biển.

Một ngày của diêm dân bắt đầu lúc 4h, khi mặt trời còn xa tít tắp ngoài biển. Gió thổi mang hơi mặn bám vào da thịt dinh dính. Người vác xêu, người mang ủng, người đạp xe í ới trên những con đường dẫn vào đồng muối còn đẫm sương đêm.

4h30 phút, chúng tôi có mặt trên đồng muối Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định ngày giữa hè 2014. Đồng muối đã đen kín người. Tiếng côn trùng kêu rỉ rả trong đất. Tiếng vãi cát xoàn xoạt xen lẫn tiếng sóng biển xì xào ngoài đê. Mọi người nhanh chóng bắt tay làm các công việc buổi sớm để có thể tranh thủ tối đa thời gian nắng trong ngày. Không khí lao động ở vùng đất ven biển vào buổi sớm đẹp và sinh động, nhộn nhịp.

Công việc đầu tiên của diêm dân là vãi cát đã lọc ngày hôm qua. Cát được phơi trên những khoảng sân đất rộng. Nước biển được dẫn qua những con kênh ngấm vào đất. Qua cái nắng mặn chát dường như cảm nhận được trên đầu lưỡi, nước bốc hơi, các tinh thể muối được giữ lại trong cát.

Phơi cát để giữ lại tinh thể muối biển khi nước bốc hơi
Phơi cát để giữ lại tinh thể muối biển khi nước bốc hơi

Những cái xêu to,dài và mỏng hơn cái xẻng, người diêm dân cứ thóp bụng, thóp cả ngực lấy hết sức mà xúc mà vãi cát, càng đều càng tốt. Mới sáng sớm mà gió biển đã phả vào mặt những hơi thở mằn mặn, liếm đều trên da thịt chúng tôi thứ mùi riêng của biển.

Những con kênh chằng chịt bao quanh đồng muối như đường phân chia ranh giới giữa ruộng muối, khu muối của mỗi gia đình. Cát sau khi được phơi nắng một ngày sẽ đưa vào bể lọc. Diêm dân múc nước biển ngay trong những con kênh, qua hệ thống dẫn nước đổ vào bể lọc cát lấy thứ nước mặn nồng độ cao để đưa lên ruộng muối.

Những người đàn bà mặn mòi của biển cả

Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi trên cánh đồng muối buổi sớm dường như chỉ có bóng dáng của những người phụ nữ. Con người Hải Hậu cả đời chỉ biết gắn liền với biển. Trong nhà, những người đàn ông đi biển, phụ nữ, trẻ nhỏ và cả những người già thì ở nhà làm muối. Sự phân chia lao động đó vô tình hiện ngay trên những ruộng muối.

Diêm dân múc nước từ bể lọc lên ruộng phơi
Diêm dân múc nước từ bể lọc lên ruộng phơi

Nhìn thấy người lạ, những người phụ nữ chẳng những không e dè mà niềm nở mời chúng tôi ghé thăm kho muối của họ. Họ không biết nghề muối có từ bao giờ nhưng chỉ biết từ lúc sinh ra cho tới lúc lấy chồng, sinh con đẻ cái nhiều thế hệ vẫn gắn mình với đồng muối dù biết nó vất vả, cơ cực trông chờ vào thời tiết.

Hai mẹ con cô Thặng – chị Phương là hai thế hệ của một gia đình đang làm trên ruộng muối, chưa kể chúng tôi còn nhìn thấy những ông cụ râu tóc bạc trắng, đẹp lão, những em bé chắc tầm 7-8 tuổi đen nhẻm đang vãi cát, tưới nước trên những ô nền bên cạnh.

Những bà, những cô gồng tay múc nước trong bể lọc, tưới đều lên mặt ruộng. Tùy vào độ nắng trong ngày mà tưới đều hay ít. Sản lượng muối thu được cũng tùy thuộc vào nắng, nắng càng to thì thu được càng nhiều muối. Nếu trời mưa thì diêm dân chỉ biết ngồi nhà hay theo chồng ra biển đón tàu cá.

Công việc của buổi sớm kết thúc khoảng 8h. Cánh đồng muối vắng tanh không còn ai chỉ còn một màu đen của cát, lố nhố những chạt, những ô nề, những thống, những nhà kho im lìm trong nắng.

Bát cơm trông chờ vào hạt nắng

Diêm dân trở lại cánh đồng lúc 1h chiều, khi mặt trời gay gắt nhất. Nhìn chúng tôi nhăn nhó trước các kho muối trú nắng, cô Thặng cười: “Sinh viên thành phố sao mà chịu được nghề này, vất vả lắm các cháu ạ, một bát mồ hôi đổi lấy một bát muối, chịu ơn trời, nắng còn được chứ mưa thì làm gì có cái ăn”.

Cát sau khi phơi chuẩn bị đưa vào bể lọc vào buổi xế chiều
Cát sau khi phơi chuẩn bị đưa vào bể lọc vào buổi xế chiều

Chúng tôi xung phong chang cát, và cạo muối cho cô. Lúc này muối đã kết tinh trắng lấm tấm trên mặt ruộng như những bông tuyết nhỏ li ti. Những chiếc xe cút kít bằng gỗ có cái phiên nứa ở trên cứ ì ạch, bốn đứa chúng tôi hết sức mà đẩy. Lúc này mới thấy nhọc bởi cát nặng gấp mấy lần những xe rùa chở lúa có bánh hơi ở vùng đồng bằng.

Do thời tiết nên ngày hôm nay lượng muối thu được không được nhiều
Do thời tiết nên ngày hôm nay lượng muối thu được không được nhiều

Đợi đến 16h chúng tôi mới xem cảnh diêm dân cạo muối. Dường như ở đây chỉ có hai thứ âm thanh đặc trưng, một là tiếng sóng biển không lẫn vào đâu được, hai là tiếng xêu chạm vào cát, vào muối cứ xoàn xoạt nghe thật thích. Những đống muối trắng xóa đồng, đều tăm tắp trên các ruộng là thành quả của một ngày vất vả từ sáng sớm.

Muối sẽ được bán theo phương, nếu ngày nắng to diêm dân có thể làm được từ 6 đến 10 phương muối
Muối sẽ được bán theo phương, nếu ngày nắng to diêm dân có thể làm được từ 6 đến 10 phương muối 
Muối theo thuyền đến điểm tập kết ở UBND xã
Muối theo thuyền đến điểm tập kết ở UBND xã

Chúng tôi tranh thủ quay lại những cảnh muối trắng muốt lên xe về kho, cảnh bán muối của diêm dân, hay muối theo thuyền về bãi tập kết ở UBND xã Hải Chính. Vừa cạo muối xoàn xoạt trên mặt ruộng, cô Nguyên vừa nói: “ Một phương muối khoảng 22kg cũng chỉ được có 30.000 đồng, ngày nắng to có thể thu được khoảng 6 đến 10 phương, râm râm như hôm nay được có 1/3 là gần trăm nghìn thôi.”

Mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo bạc màu của diêm dân, những khuôn mặt đen sạm dưới vành nón cũ kỹ, những nụ cười cay xè vì mồ hôi chảy vào mắt mà chưa kịp lau là bằng chứng rõ rệt nhất về nỗi vất vả của “những người gom món quà biển”. Chia tay đồng muối vào xế chiều, chúng tôi hí hửng trên tay với quà biển của diêm dân tặng, nhấm nháp hạt muối biển một nắng sao mà có cái mặn chát nặng lòng đến như vậy.

Hà Triệu