Nhọc nhằn những mảnh đời nhặt rác xuyên đêm

30/05/2014 12:21
Triệu Thị Thu Hà
(GDVN) - Giữa Hà Nội xa hoa bậc nhất cả nước, vẫn có những góc khuất sâu thẳm của những người nhặt rác nghèo khổ khiến ta phải xót xa.

Góc tối đêm khuya

Đi giữa đường phố Hà Nội tấp nập xe cộ, rực rỡ ánh sáng của đèn điện, chúng ta không đủ dũng cảm để nhận ra đằng sau lớp sống hiện đại, giàu sang của thủ đô vẫn có những con người đang vất vả hàng ngày, hàng giờ với gánh nặng mưu sinh.

Góc khuất ấy không phải tìm đâu xa, lùng sục ngóc ngách nào mà nó ở ngay giữa lòng thành phố. Những xóm trọ nghèo trong các con hẻm khuất đang rên xiết trước sự vật lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Từ những miền quê nghèo của Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định… những người nông dân ra thành phố với ước mong có một công việc có thể trang trải cuộc sống. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng chung nhất ở những số phận lầm lũi ấy đều là sự nghèo nàn, khốn nhọc và gánh nặng cơm áo đang đè trên đôi vai gắn liền với những bãi rác.

Những con người đó đã quy tụ lên các xóm trọ đặc trưng của rác như những căn nhà lụp xụp bên bãi rác Hoàng Cầu (phường Ô chợ Dừa- Đống Đa), các khu ổ chuột ở chân cầu Long Biên (Phường Phúc Xá – Ba Đình)... Những con xóm nhỏ ấy đều mang tên “xóm nhặt rác” như công việc hàng ngày họ đang gắn bó.

Con đường dẫn vào "xóm nhặt rác" trên phố Hoàng Cầu
Con đường dẫn vào "xóm nhặt rác" trên phố Hoàng Cầu

Căn nhà của những người nhặt rác tối tăm, chật chội, thỉnh thoảng họ phải gia cố lại bằng những tấm ván, tấm ngói xi măng. Không gian sống chỉ gói gọn trong vài m2 với giá 500 nghìn đồng/tháng cho cả chục con người, ấy vậy mà chỗ nào cũng ngập đồ phế thải. Không khí trong những căn lều ấy lúc nào cũng một mùi nồng nồng ngai ngái của rác theo cả vào những bữa cơm tạm bợ, những giấc ngủ chưa bao giờ trọn vẹn.

Căn nhà chật chội tối tăm của người nhặt rác
Căn nhà chật chội tối tăm của người nhặt rác

Cô Lành – cư dân của một xóm trọ nghèo trên phố Hoàng Cầu cho biết: “chúng tôi thường đi nhặt rác vào buổi tối có khi tận đêm nên ban ngày nhàn hơn có thể ngồi phân loại rác chở đến nơi thu mua, tập trung lại chờ xe của công ty đến, hay tranh thủ làm bất cứ việc gì để thêm được đồng nào hay đồng ấy, nói chung là ngày nào cũng phải làm, cũng phải ngửi cái mùi rác thum thủm này”.

Đi đêm nhặt rác

Bắt đầu một buổi làm việc trên đôi quang gánh thô sơ hay chiếc xe đạp cà tàng cọc cạch kèm thêm cái móc sắt han rỉ, “những con người của rác” rong ruổi khắp các con phố lớn nhỏ, khắp các hang cùng ngõ hẻm nhặt những thứ người ta vứt đi để nuôi sống gia đình. Họ mong có thứ gì để nhặt, để lượm, nếu không ngày mai cả gia đình sẽ không biết sống bằng gì.

Phương tiện đi lại của những người nhặt rác
Phương tiện đi lại của những người nhặt rác

Bất kể trời mưa gió rét mướt hay tạnh ráo, vẫn cần mẫn làm việc, bới rác để duy trì cuộc sống. Với nhiều người, rác là một thứ khủng khiếp chỉ muốn tống đi, nhưng với họ, rác là miếng cơm, manh áo, là cuộc sống mà nhiều gia đình đang trông chờ vào nó.

Lên Hà Nội đã được ba năm, từ ngày con gái đầu đỗ đại học Kinh tế Quốc Dân, cô Quỳnh (Thái Thụy, Thái Bình) đã khăn gói theo con lên thành phố để kiếm tiền. Mảnh đất Thái Bình nghèo nàn không đủ sức có cơ hội việc làm đủ trang trải cho cuộc sống gia đình cũng như tiền học, chi phí đắt đỏ cho con ở thủ đô. Có lẽ vì thế, ba năm cũng là từng ấy thời gian, cô gắn bó với nghề nhặt rác.

Trở dậy từ sáng sớm cho kịp giờ các gia đình trước khi đi làm, cô đi buôn đồng nát cho tới tận xế chiều. Cô trở về khu trọ tồi tàn cũng gần 6h tối, ăn vội vàng bát cơm, vệ sinh cá nhân rồi lại cót két đạp xe khắp các phố nhặt rác đêm. Những con phố như Cầu Giấy, Xuân Thủy, Nguyễn Khang, Yên Hòa… là địa bàn quen thuộc mỗi tối của người đàn bà cực nhọc này. Cô kết thúc công việc cũng là lúc đèn đường vàng hiu hắt, chỉ còn tiếng bánh khúc rao đêm trên các con hẻm vắng.

Cô Quỳnh cặm cụi bới rác nuôi con học đại học
Cô Quỳnh cặm cụi bới rác nuôi con học đại học

Tâm sự với tôi, ánh mắt cô ngời lên niềm hạnh phúc: “Con gái thứ hai của cô cũng đỗ đại học rồi đấy, trường Ngoại Thương cháu ạ! Biết là vất vả hơn đấy nhưng cô thấy vui lắm! Mỗi ngày cô cố thêm một chút với lại con gái cô cũng đi làm thêm giúp cô nữa”. Tay bới, miệng nói, “người đàn bà rác” không giấu nổi niềm tự hào khi nghĩ về các con của mình, chắc chắn rằng hai tương lai đang hé mở từ chính những bãi rác mà cô Quỳnh đang hàng ngày hàng giờ bới tìm, nhặt nhạnh.

Khi được hỏi, cô không ngại ngần chia sẻ về những nguy hiểm rình rập khi đi đêm về hôm, cô kể có lần trời mưa to không về kịp phải đứng núp bên đường thì gặp ngay hai tên nghiện đang vật vờ đói thuốc, chúng gí kim tiêm vào tay cô dọa dẫm và lấy đi hơn trăm ngàn cùng chiếc điện thoại đen trắng, thậm chí có người hàng xóm của cô vì mải miết bới rác mà bị nghiện xách cả chiếc xe đạp cũ nát đi mất. “Công việc nghèo khổ đấy vậy mà chúng cũng có tha đâu!”, cô cười chua chát.

Chia tay cô Quỳnh, lần theo những con đường Hà Nội về đêm, ánh đèn vàng hiu hắt phả xuống mặt đường, bóng tối ngập úa khắp nơi, tôi vẫn bắt gặp những bà, những chị đang ra sức khều khều bới bới, nhanh chân chạy đến đống rác vừa có người đổ. Tiếng cót két của ghi đông xe đạp yếu ớt, tiếng run bần bật của bàn đạp khô dầu vang lên đều đều giữa không gian im ắng. Có lẽ khi tôi yên giấc trên giường họ mới trở về xóm trọ tồi tàn hoang nát, ngả lưng trên tấm giường chen chúc để chuẩn bị một chuỗi ngày vất vả mới.

Xã hội là những guồng quay và chúng ta phải biết tồn tại trong những guồng quay đó. Mỗi người tự chọn cho mình một cuộc sống, một cách mưu sinh. Những con người nhặt rác, từ người đàn ông khoèo chân đạp xe, người đàn bà khốn khó gánh rác trên phố,… tới cô Quỳnh, họ vẫn tươi cười lạc quan nhìn cuộc sống từ những lăng kính tươi đẹp nhất. Lựa chọn cuộc sống với rác, đó có lẽ là cách chọn lựa cuộc sống đơn giản và hạnh phúc nhất để tồn tại trong xã hội của họ.

Triệu Thị Thu Hà