Những ai đã tiếp tay, lên kế hoạch cho Dương Chí Dũng bỏ trốn sang Mỹ?

18/10/2013 08:11
Phong Vũ
(GDVN) - Khi bị cơ quan điều tra phát hiện hành vi phạm tội và ra lệnh bắt tạm giam, Dương Chí Dũng đã bỏ trốn khỏi địa phương với sự trợ giúp của người thân và cả các đối tượng giang hồ khét tiếng. Gần 4 tháng sau, Dũng bị bắt khi đang lẩn trốn ở nước ngoài.

Tại sao hành vi phạm tội của Dương Chí Dũng bị phát hiện?

Theo cơ quan điều tra, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có 65 đơn vị thành viên. Trong đó 19 Công ty con, 31 công ty liên kết, 11 đơn vị hạch toán phụ thuộc. Đến năm 2008, Vinalines thành lập thêm Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines (Công ty Vinalines). Đây là đơn vị thành viên do Vinalines góp vốn chi phối.

Công ty Vinalines được thành lập ngày 25/4/2008. Trong thời gian xảy ra các hành vi sai phạm trong vụ án, Vinalines có cơ cấu, quản lý điều hành: Hội đồng quản trị có 7 thành viên, trong đó, Dương Chí Dũng giữ chức vụ Chủ tịch từ tháng 1/2007 đến tháng 3/2012. Ban điều hành có Tổng Giám đốc, 5 Phó Tổng Giám đốc và 1 kế toán tưởng.

Trong đó, ông Mai Văn Phúc giữ chức Tổng Giám đốc từ tháng 4/2007 đến tháng 2/2009, Dương Chí Dũng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêmTổng Giám đốc từ tháng 2/2009 đến năm 2010, ông Trần Hữu Chiều giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam từ tháng 4/2007 đến tháng 5/2002.

Dương Chí Dũng. (Ảnh: Dân Việt)
Dương Chí Dũng. (Ảnh: Dân Việt)

Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 2/2006 Chủ tịch HĐQT Vinalines khi đó là ông Phạm Duy Anh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiêmChủ tịch HĐQT có chủ trương mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sửa chữa tàu biển nên đã ký Nghị quyết giao cho Tổng Giám đốc Vinalines khi đó triển khai đầu tư xây dựng 1 nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam.

Thực hiện Nghị quyết này, ngày 3/5/2007, Mai Văn Phúc đã ký quyết định thành lập Ban quản lý dự án nhà máy do Trần Hữu Chiều làm trưởng ban. Ban quản lý nhà máy có nhiệm vụ làm thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án khả thi, tổ chức thẩm định…trình để Tổng Giám đốc đề nghị HĐQT xem xét, phê duyệt.

Ngày 27/6/2007, Dương Chí Dũng với tư cách là Chủ tịch HĐQT đã ký quyết định phê duyệt chủ trương xây dượng dự án nhà máy với tổng mức đầu tư là 3.854 tỷ đồng. Trong đó có chủ trương cho phép mua, lắp đặt 1 ụ nổi để phục vụ sửa chữa tàu.

Trong quá trình triển khai mua ụ nổi, ngày 27/7, Mai Văn Phúc ký quyết định cử Đoàn khảo sát Vinalines do Trần Hữu Chiều làm trưởng đoàn cùng Lê Văn Dương, Đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam đi kiểm tra, khảo sát tình trạng kỹ thuật ụ nỏi 83M tại Nokhodka, Liên Bang Nga.

Sau khi khảo sát, Lê Văn Dương lập, ký biên bản kiểm tra giám định tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M. Dựa theo biên bản này, Chiều đã ký báo cáo kết quả kiểm tra khảo sát của đoàn Khảo sát theo hướng đề nghị Tổng Giám đốc và HĐQT mua ụ nổi 83M. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để Tổng Giám đốc, HĐQT xem xét, quyết định mua ụ nổi 83M.

Sau đó, Trần Hữu Chiều và Mai Trọng Phúc đã ký tờ trình đề nghị HĐQT phê duyệt chủ chương mua ụ nổi 83M. Căn cứ vào các tờ trình này, ngày 11/9/2007, HĐQT Vinalines đã họp ra quyết định thông qua. Ngày 8/10/2007, Dương Chí Dũng ký quyết định số 1003/QĐ-HĐQT phê duyệt đầu tư dự án mua ụ nổi 83M với tổng mức đầu tư là 14,136 triệu USD, phương thức mua sửa chữa tại Nga và lai dắt về Việt Nam.

Tuy nhiên, sau đó Trần Hữu Triều lại ký tờ trình nêu lý do ụ nổi 83M đã cũ, điều kiện thời tiết tại Nga không thuận lợi (đóng băng) nên không thể lai dắt về Việt Nam được và để nghị thay đổi phương thức từ sửa chữa tại Nga, lai dắt về Việt Nam sang vận chuyển bằng tàu nâng nặng, tự tổ chức sửa chữa tại Việt Nam với tổng mức đầu tư là 19,5 triệu USD, trong đó chi phí mua là 9 triệu USD.

Ụ nổi 83M đã cũ được mua với giá 9 triệu USD. (Ảnh: Nhân Dân)
Ụ nổi 83M đã cũ được mua với giá 9 triệu USD. (Ảnh: Nhân Dân)

Ngày 15/2/2008, Dương Chí Dũng ký quyết định số 186/QĐ-HĐQT để phê duyệt đề nghị của Triều và Phúc. Trên cơ sở đó, ngày ngày 15/3/208, Mai Văn Phúc đã đại diện cho Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi 83M với Công ty Addpower Ventures, Singapore (Công tu AP), giá trị hợp đồng là 9 triệu USD.

Ngày 6/6/2008, ụ nổi 83M được đưa về Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu qua Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh hòa. Do chưa có mặt bằng dự án nhà máy nên hiệ ụ nổi 83 M đang được neo đậu tại cảng Gò Dầu B, tỉnh Đồng Nai.

Sau khi mua và nhập ụ nổi về Việt Nam và ở thời điểm Chính phủ chưa phê duyệt bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, trên cơ sở đề nghị của Trần Hữu Chiều và Mai Văn Phúc, ngày 3/10/2008, Dương Chí Dũng đã ký quyết định phê duyệt chính thức dự án, nâng tổng mức đầu tư từ 3.854 tỷ đồng lên 6.489 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 15/7/2012 (thời điểm khởi tố vụ án), Vinalines chỉ đầu tư mua, sửa chữa… ụ nổi 83M với tổng số tiền là 525.548.934.291 đồng. Dự án từ đó đến nay không triển khai được gì thêm. Đến ngày 4/3/2003, Chính phủ đã có quyết định thoái vốn tại Công ty Vinalines.

Ngày 29/8/2011, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận được đơn tố cáo hành vi tham nhũng xảy ra tại Vinalines. Sau khi xác minh thấy có đủ căn cứ, ngày 1/2/2012, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án tham ô tài sản, khỏi tố 4 bị can, trong đó có Trần Hải Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Vinalines, về tội Tham ô tài sản liên quan đến hành vi gửi giả, lập khống khối lượng sửa chữa ụ nổi 83M để rút 3,313 tỷ đồng chiếm hưởng cá nhân.

Sau khi mở rộng điều tra, đến ngày 17/5/2012, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng dối với 10 bị can, bao gồm: Dương Chí Dũng; Mai Văn Phúc – nguyên Tổng Giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều – nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban Quản lý dự án của Vinalines; Trần Hải Sơn – nguyên Phó ban Quản lý dự án; Mai Văn Khang – nguyên thành viên Ban Quản lý dự án; Bùi Thị Bích Loan – nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán; Lê Văn Dương – nguyên cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng - đều nguyên là cán bộ Hải quan Vân Phong.

Ngày 30/1/2013, Cơ quan điều tra kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố.

Vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng được Cơ quan điều tra tách ra để điều tra thành vụ án riêng theo quyết định số 01/C48(P2) ngày 28/1/2013.

Ngày 25/9/2013, Cơ quan điều tra ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án số 01/C48(P2) về tội tam ô tài sản, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều về tội tham ô tài sản.

Ngày 14/10/2013, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) – Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án,  chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố.

Ai đã trợ giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn?


Vào thời điểm ngày 17/5/2012, ngay khi Cơ quan CSĐT  Bộ Công an ra lệnh bắt tạm giam, Dương Chí Dũng đã bỏ trốn. Ngay lập tức, Cơ quan CSĐT  đã phối hợp với Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục hàng không, các hãng hàng không, bến cảng, hải cảng để… để phong tỏa và truy bắt đối tượng.

Gần 4 tháng sau đó, lực lượng chức năng đã bắt được Dương Chí Dũng. Theo điều tra, trong quá trình bỏ trốn, Dũng đã được hỗ trợ đắc lực từ 7 đối tượng sau đây: Dương Tự Trọng - nguyên đại tá, Phó GĐ Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (em trai Dương Chí Dũng); Vũ Tiến Sơn - nguyên thượng tá, Phó phòng PC45, Công an Hải Phòng; Hoàng Văn Thắng - nguyên trung tá, Đội trưởng Đội 3 Phòng CSMT, Công an Hải Phòng; Nguyễn Trọng Ánh - nguyên thiếu úy Phòng PC45, Công an Hải Phòng; Trần Văn Dũng (Dũng Bắc Kạn- một đối tượng giang hồ ''cộm cán''); Phạm Minh Tuấn - GĐ Xí nghiệp Bạch Đằng; Đồng Xuân Phong - nguyên cán bộ Đội chống buôn lậu, Cục Hải quan Hải Phòng.

Nguyên Đại tá Dương Tự Trọng đã giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn (Ảnh: ANHP)
Nguyên Đại tá Dương Tự Trọng đã giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn (Ảnh: ANHP)

Liên quan đến hành vi giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố đối với 7 bị can nói trên. Hiện hồ sơ vụ án cũng đã được hoàn tất và chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố.

Trong các đối tượng giúp sức Dương Chí Dũng bỏ trốn, bị can Nguyễn Hồng Vinh (em vợ Dương Tự Trọng), đã được cơ quan điều tra ra Quyết định đình chỉ điều tra. Quyết định này được ban hành dựa trên tính chất, mức độ phạm tộ, động cơ phạm tội của đối tượng. Được biết, trong quá trình hợp tác với cơ quan điều tra, đối tượng Vinh cũng đã có thái độ khai báo thành khẩn.

Theo điều tra ban đầu, khi biết cơ quan điều tra có lệnh bắt anh trai mình, Dương Tự Trọng đã hướng dẫn Dương Chí Dũng đến trốn tại nhà bạn gái là Hoàng Kim N. ở tổ 43, phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội). Tiếp đó, Trọng đã bàn bạc với Vũ Tiến Sơn, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Phạm Minh Tuấn lên kế hoạch đưa Dũng đi trốn.

Theo sự phân công, Hoàng Văn Thắng và Phạm Minh Tuấn đã đưa Dương Chí Dũng từ Hà Nội xuống nhà bố của chị Hoàng Kim N. ở trị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, Quảng Ninh nhằm vượt biên sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó các đối tượng đã quyết định chuyển hướng xuống phía Nam sang Campuchia, để bay sang Mỹ.

Để đảm bảo kế hoạch được thực hiện chặt chẽ, các đối tượng trên đã mua nhiều điện thoại và sim rác để liên tục giữ liên lạc với nhau. Chúng thống nhất gọi Dương Chí Dũng là “Đồng”; Đồng Xuân Phong là “Gió”; Trần Văn Dũng là “Cạn”.

Các đối tượng đã chọn ngày 21/5/2012 là thời điểm đưa Dương Chí Dũng từ Quảng Ninh vào TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Hoàng Văn Thắng và Nguyễn Trọng Ánh nhận nhiệm vụ chở Dương Chí Dũng đi, còn Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn bay vào trước 1 ngày. Quá trình đưa Dương Chí Dũng đi, các đối tượng liên tục thay đổi xe để tránh bị phát hiện. Vào đến nơi, tối ngày 23/5/2012, Dương Chí Dũng được xe ôm chở theo đường tiểu ngạch trốn sang Campuchia. Còn Đồng Xuân Phong và Trần Văn Dũng đi qua cửa khẩu.

Trưa 24/5/2012, Đồng Xuân Phong mua vé máy bay và cùng Dương Chí Dũng từ Campuchia bay sang Singapore để Dũng làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Tuy nhiên, do Văn phòng Interpol Việt Nam đã trao đổi thông tin về vụ án và lệnh truy nã quốc tế với Dương Chí Dũng đối với Văn phòng Interpol của Mỹ nên đối tượng này đã không được phép nhập cảnh Mỹ và ngày 27/5/2012, Dương Chí Dũng buộc phải trở về Campuchia. Đến ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị bắt.

Còn nữa...


Phong Vũ