Những bài học sâu sắc cho cách mạng từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

01/01/2016 08:29
Phạm Văn Dương
(GDVN) - Ngày 6/1/1946, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam của thầy giáo Phạm Văn Dương hiện đang công tác tại Khoa Xây dựng Đảng, trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.

Cuộc Tổng tuyển cử đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên độc lập dân tộc, nhân dân được quyền làm chủ vận mệnh quốc gia, đồng thời khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.  


Cách mạng tháng 8/1945 thành công và sự kiện Tổng tuyển cử diễn ra trong cả nước vào ngày 6/1/1946 để bầu ra Quốc hội đầu tiên đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son xác lập rõ ràng và thuyết phục về quyền làm chủ của nhân dân ta sau một thế kỷ bị mất tự do.

Ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. 

Quốc hội đó là cơ quan có quyền lực tối cao của nhân dân sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ [1]. 

Đây một trong những nhiệm vụ hàng đầu là củng cố và tăng cường chính quyền, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 đã khai sinh ra Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.  

Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong bầu cử ở nước ta là bảo đảm phát huy dân chủ, sức mạnh trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong quá trình giới thiệu, lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tham gia Quốc hội. 

Thể lệ bầu cử và tên tuổi người ứng cử được ghi rõ và công bố công khai trên Báo Cứu Quốc cả tuần trước ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử lịch sử. 

Những ngày bầu cử không chỉ diễn ra trong không khí đầy thuận lợi, nhiều hành động dọa nạt cử tri, ám sát các ứng cử viên do Việt Minh giới thiệu hòng phá hoại ngày bầu cử đã được các thế lực tiến hành tại nhiều địa phương trong cả nước.

Ngày 5/1/1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu:

"Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ", "là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình... 

Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn
". 

Vì thế mà "Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do"[2].

Những bài học sâu sắc cho cách mạng từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ảnh 1
Hàng vạn người dân đóng mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ngày 5/1/1946. Ảnh tư liệu

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. 

Trong những vùng bị địch tạm chiếm đóng, nhân dân tập trung bỏ phiếu, quân Pháp kéo đến khủng bố, nhân dân phải mang thùng phiếu chạy đến một nơi khác và tiếp tục bỏ phiếu. 

Như ở xã Mỹ Hòa tỉnh Cần Thơ, trong ngày bầu cử, nhân dân phải di chuyển 4 lần đến 4 địa điểm khác nhau để hoàn thành việc bỏ phiếu.

Hay như ở Buôn Krông tỉnh Đắk Lắk, nhân dân tập trung ở nhà già làng để bỏ phiếu, địch tới bao vây, nhân dân chạy sâu vào rừng, địch lại tấn công vào rừng, nhân dân đi sâu vào khe suối, mang theo cả gạo ăn để bỏ phiếu [3]. 

Ở tỉnh Phú Thọ, có cụ già hơn 80 tuổi đi bộ từ sáng đến tối, vượt qua cả cánh rừng để đến điểm bầu. Khi đến nơi cụ xòe tay ra, tờ thẻ cử tri nhàu nát vì cụ giữ nó quá chặt. 

Những bài học sâu sắc cho cách mạng từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ảnh 2
Nhân dân trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Ảnh tư liệu

Ở nhiều nơi, sau khi công khai kiểm tra thùng phiếu, hàng loạt thùng phiếu được khoan lỗ để bắt vít dính chặt xuống mặt bàn nhằm bảo vệ thùng phiếu, đề phòng kẻ gian cướp thùng phiếu [4]...      

Để bảo vệ quyền làm chủ của mình trong cuộc Tổng tuyển cử này đã có không ít những lá phiếu nhuốm máu cả người đi bầu, cả người tổ chức bầu cử.

Ở Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Tân An, Tây Nguyên... quân đội Pháp đã ném bom, bắn phá, làm một số người chết và bị thương. Chỉ riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã có 42 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử[5].

Thể lệ cần 1/4 cử tri tham gia bỏ phiếu nhưng thực tế với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Nhà nước dân chủ cộng hòa, toàn thể nhân dân từ Nam chí Bắc đã tham gia bỏ phiếu. Hồ Chủ tịch trúng cử với tỷ lệ cao nhất 98,4% số phiếu bầu…

Những bài học sâu sắc cho cách mạng từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ảnh 3

70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Quốc hội trong lòng nhân dân

(GDVN) - Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngay từ đầu Đảng ta đã rất tôn trọng, đề cao các gía trị dân chủ để từ đó xây dựng thể chế dân chủ cho Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, có Quốc hội hợp pháp do dân bầu lên, có Chính phủ chính thức do Quốc hội bầu ra, có bộ máy Nhà nước hợp pháp, hợp thức và hoàn thiện từ Trung ương đến cơ sở đáp ứng được yêu cầu cấp bách của việc xây dựng và hoàn thiện một Nhà nước cách mạng.

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I ngày 2/3/1946, Quốc hội đã thông qua tuyên ngôn của Quốc hội, tuyên ngôn của Quốc hội đã tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới rằng:

Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam, Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ Cộng hòa có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu cầu hạnh phúc cho mọi tần lớp nhân dân”.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử lịch sử được ghi nhận trên nhiều phương diện và đặc biệt, cùng với sự ra đời của Bản Hiến pháp đầu tiên được chính Quốc hội thống nhất thông qua chỉ vài tháng sau khi thành lập đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. 

Việc xây dựng một bản Hiến Pháp ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cùng với cuộc tổng tuyển cử tự do ngày 6/1/1946 là những việc làm hết sức cần thiết, phản ánh được tinh thần dân chủ của Nhà nước Việt Nam mới, phản ánh được thể chế mà Đảng và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu để đạt được. 

Những bài học sâu sắc cho cách mạng từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ảnh 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng người tài trong hoạt động của Quốc hội

(GDVN) - Theo tư tưởng của Người, nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia.

Đây chính là nền tảng hết sức quan trọng mà ngày nay cũng như sau này chúng ta tiếp tục kế thừa và phát triển trong những điều kiện mới, nhằm phát huy ngày càng đầy đủ hơn nữa quyền dân chủ của nhân dân.

Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 không chỉ là cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của dân tộc mà còn là lần đầu khẳng định quyền làm chủ, cũng như xác lập trách nhiệm và danh dự của người dân một nước độc lập, tự do. 

Thực tế, nhân dân ta đã bầu ra những đại biểu Quốc hội xứng đáng, một Quốc hội xứng đáng của mình, để từ đó chính Quốc hội dân chủ ấy đã thành lập một Chính phủ hợp pháp để chăm lo đời sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân.

Ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử và đã trải qua 70 năm các kỳ bầu cử Quốc hội tiếp theo luôn thể hiện quyết tâm và ý chí độc lập tự do, giữ vững chủ quyền dân tộc của nhân dân ta.

Các bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, bài học về đại đoàn kết, bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức bầu cử, vận động tranh cử, vận động người dân tham gia bầu cử trong kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị thời đại.


Tài liệu tham khảo: 

[1] Xem: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.4, tr. 8, tr. 133; Sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 về Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội.

[2] Hồ Chí Minh, Sđd, T.4, tr. 145

[3] Xem: Lâm Quang Thự , Sđd, tr. 180.

[4] Xem Hồi ức của ông Nguyễn Thiện Ngữ..., Báo Tuổi Trẻ, ngày7/01/2006.

[5] Trích Bài phát biểu của ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM tại buổi họp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội kỷ niệm 60 năm Quốc hội VN tổ chức ngày 3/1/2006 tại TP.Hồ Chí Minh

Phạm Văn Dương