Những bí ẩn cuối cùng ca cấp cứu bé 8 tuổi vụ thảm sát

09/09/2011 06:28
Tuệ Minh
(GDVN) - ThS, BS Trần Hoàng Tùng (Bệnh viện Việt - Đức) đã chia sẻ với PV báo Giáo dục Việt Nam nhiều điều còn ít người biết về ca phẫu thuật cho cháu Bích.
Bên lề chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, PV báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi tiếp xúc với ThS, BS. Trần Hoàng Tùng – người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật kéo dài gần 11h đồng hồ cho cháu Bích. BS Tùng đã tiết lộ những thông tin ít người biết, lý giải phần nào sự sống sót kỳ diệu của nạn nhân Trịnh Thị Bích (8 tuổi) nhân chứng sống sót duy nhất vụ thảm sát cướp tiệm vàng tại Bắc Giang.

BS Tùng kể lại: “Hôm đó tôi được giao trực chính chấn thương chỉnh hình. Khi tôi đang mổ 1 ca khác thì BS. Nguyễn Quang Trung (đã có hơn 20 năm trong nghề) ở bệnh viện Bắc Giang điện về cho tôi. 

ThS, BS .Trần Hoàng Tùng đang trao đổi với PV tại BV Việt - Đức (ảnh trái)
ThS, BS .Trần Hoàng Tùng đang trao đổi với PV  tại BV  Việt - Đức (ảnh trái)

Đó là một bác sỹ của bệnh viện Việt Đức nhưng đang đi tăng cường cho bệnh viện tỉnh Bắc Giang theo đề án 1816 của Bộ Y tế. Anh Trung đã hướng dẫn bảo quản phần tay bị đứt rời của cháu Bích. 

Nếu là một người chỉ có ít kiến thức sơ cứu mà đem phần bàn tay cho vào xô đá thì nó sẽ bị hoại tử, chuyên môn gọi là “bỏng lạnh”. Trong điều kiện bị "bỏng lạnh", phần tay đứt rời của nạn nhân bị lạnh quá mức, làm cho các mô bị chết và hoại tử thì khi mổ sẽ không nối được nữa. 

Bác sỹ Trung kể lại rằng, khi người nhà đưa cháu vào viện thì được bác sỹ giải thích nên đã quay trở lại tìm bàn tay đã bị đứt rời của cháu bé.

BS Tùng cho biết: “Khi chúng tôi tiếp nhận cháu Bích đã thấy cháu được truyền dịch, được băng bó. Riêng bàn tay đã được bảo quản và rửa sạch, được đựng trong túi đã tiệt trùng, cách ly với cả đá. 

Trong trường hợp này, bàn tay của cháu Bích đã được để trong túi nilon có nước muối sinh lý bảo quản. Sau đó mới cho trong hộp đá và để đá xung quanh đó. Như vậy vẫn giữ được độ lạnh nhất định để bảo quản mô mà tay lại không bị bỏng lạnh. 

Việc nối bàn tay cho cháu Bích không hẳn là trường hợp đặc biệt nhất bởi trước đó, tại BV Việt - Đức còn những ca nối ngón tay phức tạp hơn. Tuy nhiên, trường hợp của cháu Bích có điểm phải thận trọng là: cháu bị đa chấn thương”.

Theo lời BS Tùng: Lúc sơ cứu, cháu Bích vẫn tỉnh táo hoàn toàn. Khi được hỏi, Bích bảo rằng cháu chỉ nhìn thấy lờ mờ có hai người thanh niên, không rõ mặt.

Sau phẫu thuật, bàn tay của cháu Bích đã cử động được
Sau phẫu thuật, bàn tay của cháu Bích đã cử động được

“Sự thành công của việc cứu sống cháu Bích trước hết phải kể đến kỹ thuật sơ cứu rất tốt. Sau đó là sự góp sức của các ê kíp phẫu thuật. Ngoài ê kíp của chúng tôi còn các ê kíp khác nữa. Ê - kíp về chấn thương chỉnh hình chuyên mổ về gân xương. Ê - kíp phẫu thuật về thần kinh mổ sọ não cho cháu. Ê - kíp thứ 3 phẫu thuật hàm mặt và tạo hình chuyên mổ vi phẫu nối các mạch máu nhỏ. 

Ê - kíp gây mê hồi sức cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu không gây mê, không hồi sức được tốt thì một bệnh nhân bị chém mất nhiều máu và để lâu như thế có thể ngừng tim và tử vong bất cứ lúc nào. 

Ê – kíp của tôi mổ tay bên phải (tay có bàn tay bi đứt rời- PV): nối toàn bộ hệ thống gân xương và nối dây nhánh vận động của thần kinh quay bị đứt bên tay trái rồi khâu các tổ chức cơ.

Điều ảnh hưởng nhất đến sự hồi phục của cháu Bích là vết thương bị đứt thành nhiều đoạn. Vì lẽ đó, chúng tôi phải mời cả PGS Thùy là trưởng khoa chấn thương chỉnh hình 2 vào hỗ trợ thêm về chuyên khoa. Trực tiếp Giám đốc Quyết và PGĐ Sơn chỉ đạo nối gân tay cho cháu Bích”. BS Tùng nói về sự thành công của ca phẫu thuật.

Theo BS Tùng: Các ca cấp cứu như thế này ở BV Việt - Đức gặp thường xuyên nhưng do tính chất đặc biệt của vụ việc nên được nhiều người quan tâm hơn. Việc sơ cứu đúng cách là đặc biệt quan trọng. Nếu sơ cứu tốt thì việc mổ mới có thể thành công. 

"Điều chúng tôi lo ngại nhất là vì lý do nào đó, bệnh nhân được chuyển đến muộn hoặc phần thi thể bị đứt rời đã bị ướp vào đá (bỏng lạnh). Ngay trước khi tiến hành mổ, chúng tôi đã nhìn nhận khả năng thành công của ca phẫu thuật đối với cháu Bích là khoảng 95 – 96%".

Cháu Bích trong phòng phẫu thuật
Cháu Bích trong phòng phẫu thuật

Nói về thông tin báo chi đã đưa: cháu Bích sống sót vì máu của cháu có cơ chế đông máu đặc biệt, BS Tùng khẳng định: “Không phải cháu Bích có cơ chế đông máu đặc biệt như báo chí đã đưa tin. 

"Cơ chế đông máu của người bình thường là “đông bảy chảy ba” có nghĩa là đông máu sau 7 phút và chảy máu sau 3 phút. Đây là cơ chế đông máu bình thường. 

Tất cả các xét nghiệm về máu của cháu Bích cho thấy máu của cháu Bích thuộc dạng bình thường như những người khác. Nhưng điều đặc biệt đây là khả năng chịu đựng của cháu Bích là rất tốt chứ không phải là nhờ máu đông đặc biệt mà không chết. Tôi biết nhiều bệnh nhân bị chém nhiều quá, đau quá mà chết”.

Một lần nữa, BS Tùng khẳng định: “Điều quan trọng của một phần thi thể bị đứt rời trong thời gian chuyển bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới lên bệnh viện tuyến trên là phải được sơ cứu và bảo quản thật tốt”.

Tuệ Minh