Những bước đột phá ngoạn mục của ngành điện Việt Nam

04/07/2018 09:09
Trúc Diệp
(GDVN) - Vượt qua muôn vàn khó khăn, ngành điện đã đi trước một bước tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội sau ngày giải phóng thống nhất đất nước.

LTS: Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, nhân dân ta được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Ngành Điện được tiếp thêm sinh khí mới, nguồn lực mới và có những nét rất mới trong hoạt động. Mặc dù vậy ngành Điện vẫn luôn phải đối diện với vô vàn khó khăn.

Kỳ 2: Vượt qua khó khăn, cùng đất nước bước vào thời kỳ đổi mới

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976 tại Thủ đô Hà Nội đặc biệt quan tâm phát triển ngành Điện theo phương châm: “Điện đi trước một bước”.

Đại hội đã đưa ra quan điểm chỉ đạo về phát triển điện lực, vừa mang tính kế thừa, vừa có những nội dung mới phù hợp thực tiễn: “Phát triển sớm năng lượng, đón trước nhu cầu. Xúc tiến nghiên cứu để khai thác và sử dụng được nhiều dạng năng lượng. Về điện lực, phương hướng cơ bản là kết hợp thủy điện với nhiệt điện; hết sức coi trọng thủy điện, kết hợp quy mô lớn với quy mô vừa và nhỏ. Xây dựng lưới điện cân đối với nguồn điện. Trong kế hoạch 5 năm này sẽ mở rộng một số nhà máy điện cũ và xây dựng một số nhà máy mới, chú trọng xây dựng nhiều trạm thủy điện nhỏ ở trung du và miền núi, nhất là ở Tây Nguyên”.

Đại hội đã đặt ra phương hướng, mục tiêu đến năm 1980 phấn đấu sản lượng điện toàn quốc sẽ đạt 5 tỉ kWh.

Giai đoạn này ở miền Bắc một số nhà máy điện, cả nhiệt điện và thủy điện được tập trung đầu tư xây dựng mới, có công suất lớn và trung bình (Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình).

Với tinh thần vì miền Nam thân yêu khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật miền Bắc được điều động vào chi viện đã hoàn thành xuất sắc việc khôi phục Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, đảm bảo 34% công suất cho toàn miền, đóng góp thêm sản lượng 1.280 triệu kWh/năm từ cuối năm 1976.

Lễ ra quân sửa chữa đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn (sau giải phóng).
Lễ ra quân sửa chữa đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn (sau giải phóng).

Mấy năm tiếp theo, ngành Điện đã xây dựng, mở rộng đường dây 230kV từ Cần Thơ về Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cấp lưới truyền tải từ 15kV lên 66kV và tiếp đến là 110kV để phục vụ các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, các nhà máy điện sau một thời gian vận hành trở lại bắt đầu gặp sự cố hỏng hóc, nguồn tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn eo hẹp, thiếu thốn, trong khi các phụ tùng, trang thiết bị dự phòng không còn. Việc nhập khẩu phụ tùng, trang thiết bị với nhiều nước không triển khai được do chính sách cấm vận của Mỹ. Thiếu dầu, thiếu vốn nên tình trạng thiếu điện ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài trên phạm vi cả nước.

Để khắc phục tình trạng ấy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 252-TTg (năm 1977) và Chỉ thị số 241-TTg (1978) để thực hiện chỉ đạo tiết kiệm điện.

Trong điều kiện nguồn điện thiếu trầm trọng, các Sở Quản lý và phân phối điện của các khu vực tiến hành xây dựng định mức cụ thể cho các hộ dân sử dụng điện, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất để ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm trong quá trình sử dụng điện của các hộ dân và các đơn vị.

Thực hiện chính sách của Đảng về xây dựng các vùng kinh tế mới và để có điện cho sản xuất và sinh hoạt tại khu kinh tế mới Mộc Châu (Sơn La), Sao Đỏ (Hải Dương), sau một thời gian xây dựng, tháng 4/1977 mạng lưới điện cao áp phục vụ cho hai nông trường Mộc Châu và Sao Đỏ đã được hoàn thành với toàn bộ lưới điện gồm 16 trạm biến áp có tổng dung lượng 1.340kVA và 477km đường dây 220kV. Sang năm 1978, ngành Điện tiếp tục đưa vào sử dụng công trình đường dây và trạm Đồng Bảng (Phong Vân), công trình này cung cấp điện cho 20 máy bơm lớn, đảm bảo nước tưới cho 7.500ha lúa, dâu, thuốc lá và dứa...

Về phụ tải, công suất sử dụng của công nghiệp trung ương tăng hơn 1,6 lần, công nghiệp địa phương tăng hơn 1,4 lần, công suất sử dụng cho thủy lợi tăng 1,2 lần. Các biện pháp đó biểu hiện sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công nhân viên ngành Điện đã ngày đêm lao động hăng say, cần cù, sáng tạo, đảm bảo điện sản xuất và phấn đấu từng bước cung cấp điện, giảm sự mất điện sinh hoạt trên các vùng, miền cho nhân dân.

Vượt qua chiến tranh biên giới khốc liệt ngày 17/ 2/1979 đến đầu những năm 1980, chúng ta đã xây dựng lại nhiều cơ sở điện lực các tỉnh biên giới phía Bắc bị quân địch phá hủy nặng nề: Nhà máy Điện Lào Cai (8MW) bị phá hủy hoàn toàn; các trạm thủy điện vùng Hà Tuyên (nay là các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang); nhiều trạm điện, đường dây truyền tải và lưới điện trung, cao áp ở Lạng Sơn, Cao Bằng bị tàn phá, hư hỏng nặng...

Ngành Điện phải mất nhiều thời gian và công sức sửa chữa, khắc phục, bổ sung, hoàn thiện lại những cơ sở ấy, cố gắng giảm đến mức tối thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc cung ứng điện ở các vùng biên giới. Ngành Điện các tỉnh biên giới còn có thêm nhiệm vụ duy trì nguồn điện thông qua việc xây dựng các trạm biến áp, thủy điện nhỏ, các tổ máy phát điện lưu động, để cung cấp điện cho các đơn vị quân đội, giúp tăng cường khả năng chủ động phòng thủ biên giới.

Tháng 3/1979, ngành Điện đã xây dựng mới đường dây 220kV Hà Đông - Hòa Bình, đây là tuyến đường dây truyền tải điện 220kV đầu tiên ở miền Bắc nhằm nâng cao năng lực truyền tải, cung cấp điện, đồng thời tạo cơ sở kỹ thuật cho việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV sau này; sửa chữa, khôi phục hoàn chỉnh các trạm truyền tải điện áp 110kV.

Do trong thời kỳ chiến tranh, Hà Nội và một số thành phố lớn khác là trọng điểm ném bom “hủy diệt” của máy bay giặc Mỹ nên nhiều cơ sở vật chất - kỹ thuật bị phá hoại nghiêm trọng, trong đó các cơ sở sản xuất và công trình điện bị phá hủy nặng nề.

Tuy vậy, ngành Điện cả nước đã cùng nhau đoàn kết vượt mọi khó khăn, chung tay sửa chữa, phục hồi hoàn chỉnh hệ thống điện cũ, tiếp tục mở rộng lưới điện phân phối, cải tạo lưới điện hạ áp của các thành phố lớn, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội, nâng tổng chiều dài lưới điện truyền tải 110kV lên 846km, tổng chiều dài lưới điện 35kV là 3.000km.

Được sự chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của Đảng và Nhà nước, ngày 6/11/1979 ngành Điện đã tổ chức khởi công xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình có quy mô lớn nhất nước ta do Liên Xô giúp xây dựng với 8 tổ máy có công suất 1.920MW.

Đồng thời với các công trình nguồn điện, tháng 3/1980 các chuyên gia Liên Xô đã giúp chúng ta hoàn thành thiết kế sơ đồ lưới điện toàn quốc (theo quy hoạch) phát triển đến năm 1991.

Công nhân dùng sào cách điện thực hiện thao tác đóng, cắt điện trong trạm biến điện trong những năm đầu mới giải phóng thống nhất đất nước.
Công nhân dùng sào cách điện thực hiện thao tác đóng, cắt điện trong trạm biến điện trong những năm đầu mới giải phóng thống nhất đất nước.

Trong sơ đồ lưới điện toàn quốc, các công trình thuộc lưới điện miền Bắc có các trạm biến áp, đường dây tải điện 110kV và cao hơn. Các công trình lúc ấy đã được xác định là các hạng mục trọng tâm, được chú trọng đầu tư xây dựng trong các kế hoạch nhà nước ở cả các giai đoạn 1980 - 1986 và 1986 - 1991.

Ở miền Trung, ngành Điện tập trung phục hồi các trạm điêzen, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng Nhà máy Điện điêzen Đồng Hới (14MW), hoàn thiện Nhà máy Nhiệt điện Bến Thủy, Nhà máy Nhiệt điện 3/2 và các trạm phát điện điêzen. Hệ thống lưới điện được cải tạo những vị trí cũ nát, xây dựng mới đường dây như đường dây 35kV Huế - Đồng Hới, phát triển lưới 15kV để phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Nhưng những biện pháp này cũng chỉ đáp ứng phần nào, vẫn còn tình trạng mất cân bằng lớn cung không đủ cầu.

Mặc dù công suất của nguồn lớn, song vì trang thiết bị các nhà máy nhiệt điện đã khai thác mấy chục năm, trải qua chiến tranh bị đánh phá, già cỗi, nguồn cung cấp than thiếu, chất lượng xấu; nguồn điêzen phân tán rải rác, phụ tùng thay thế không có, dầu chạy máy cũng thiếu.

Tuy ngành Điện đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vượt mọi khó khăn để cải thiện tình hình, nhưng tình hình cung cấp điện của cả nước vẫn tiếp tục căng thẳng, nhất là sau những năm 1980; sản lượng điện sản xuất không đáp ứng được nhu cầu phụ tải cả về lượng và chất; chu kỳ cắt điện luân phiên lại tiếp diễn ở cả 3 miền, thậm chí khi bão lũ, ngập úng phải cắt điện công nghiệp và điện sinh hoạt ở nhiều vùng dân cư.

Việc đáp ứng nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vẫn còn một khoảng cách dài và trở thành bài toán khó - vấn đề nổi cộm, day dứt, trăn trở ngày đêm trong các cấp lãnh đạo, trong ngành Điện và nhân dân.

Kinh tế chậm phát triển đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các ngành công nghiệp, trong đó có ngành Điện.

Trong Báo cáo tổng kết 25 năm ngành Điện Việt Nam (1955 - 1980), bên cạnh những kết quả và thành tựu, Bộ Điện và Than đã thẳng thắn chỉ ra và làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những yếu kém, bất cập của ngành, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích. Đó là bản chất của vấn đề điện khí hóa chưa được nghiên cứu đến nơi đến chốn.

Trong nhiều năm, chúng ta mới thực hiện được một phần cơ bản về cung cấp điện, trong khi vấn đề điện khí hóa còn liên quan trực tiếp đến cả các vấn đề về giáo dục nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức hiểu biết về điện lực; vấn đề học tập, vận dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất. Việc lập kế hoạch để triển khai điện khí hóa còn đơn giản, nhất là chưa xác định một cách cụ thể, khả thi nguồn vốn của điện khí hóa.

Cũng chưa tính toán đầy đủ và sát thực tế dẫn tới lúng túng trong khâu phân phối điện; chưa nắm chắc nhu cầu phụ tải cũng như chưa phân loại tốt phụ tải. Có nơi khi xảy ra tình huống xấu đã xử lý cắt điện không hợp lý, gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất và các hộ dân.

Báo cáo đã chỉ ra việc chưa nắm chắc định mức và sử dụng định mức đó như một công cụ sắc bén trong việc cung cấp điện. Ngành Điện cũng đã nhiều lần đặt vấn đề đo, ghi, lập định mức nhưng vào thời điểm đó vẫn chưa thực hiện được...

Công suất và sản lượng điện của miền Nam vẫn là lớn nhất, tiếp đến là miền Bắc và sau cùng là miền Trung, tương ứng với tốc độ phát triển kinh tế thực tế của 3 miền.

Lý giải về sự phát triển không tương ứng của hoạt động điện lực giai đoạn này có hai nguyên nhân chủ yếu trong những nguyên nhân sau:

1) Chiến tranh biên giới ngày 19/2/1979 kéo dài một số năm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, nghề; ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân khu vực miền Bắc và cả miền Trung, khiến sản lượng điện tiêu thụ giảm rõ rệt, cho dù công suất thiết kế, lắp đặt của các nhà máy điện ở miền Bắc có khá hơn.

2) Vấn đề tổn thất điện năng lớn, gây lãng phí chưa được kịp thời giải quyết, thậm chí có xu hướng ngày càng trầm trọng, cũng góp phần vào tình trạng thiếu điện liên miên trong những năm 1975 - 1980 và cả ở những giai đoạn sau.

Từ năm 1980 - 1985, ngành Điện vẫn phải chịu tác động từ những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng, nhất là sự trượt giá, lương, tiền cuối năm 1985, dẫn tới siêu lạm phát kéo dài bắt đầu trong năm 1985 đến năm 1988 từ 500% - 800%.

Các khoản đầu tư vật chất của Nhà nước cho ngành Điện vì thế cũng rất eo hẹp, hạn chế, đòi hỏi toàn ngành phải cố gắng, chật vật vượt lên mọi khó khăn trong việc phát triển nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Một trong những vấn đề cần tập trung giải quyết của Bộ Điện lực lúc đó là phải nắm rõ tình hình lãng phí nhiên liệu như than, điện, xăng dầu và các nguồn năng lượng khác, để từ đó triển khai tiến hành nhiều biện pháp căn bản và cấp bách nhằm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng năng lượng.

Trong lúc trăn trở tìm hướng đi tháo gỡ khó khăn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã họp tại Thủ đô Hà Nội và đề ra phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm 1981 - 1985 đặt ra mục tiêu, phương hướng: “Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển điện lực trong cả nước khoảng 15 - 20 năm và vạch kế hoạch cụ thể thực hiện quy hoạch đó trong 5 năm theo hướng kết hợp thủy điện với nhiệt điện, đẩy mạnh phát triển thủy điện, kết hợp quy mô lớn, vừa và nhỏ, bảo đảm cân đối giữa phát triển sản xuất điện với mạng lưới truyền tải điện và các công trình phục vụ cho ngành Điện, giữa nguồn phát điện với các cơ sở tiêu thụ điện, để khai thác năng lượng có hiệu quả nhất. Phấn đấu đưa sản lượng điện đến năm 1985 đạt 5,5 đến 6 tỉ kWh”.

Từ những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc rút từ thực tiễn phát triển điện lực, đồng thời với sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô nhiều kinh nghiệm và tài năng, ngành Điện lần đầu tiên xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực của cả nước. Đó là Tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn I (1981 - 1985) – Tổng sơ đồ phát triển điện lực đầu tiên của ngành Điện, với sự tham gia của nhiều cán bộ, kỹ sư, nhà khoa học, chuyên gia am hiểu điện năng.

Một số nội dung liên quan đến việc xây dựng Đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng với cấp điện áp 500kV, từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam cũng đã lần đầu tiên được nêu ra trong Tổng sơ đồ này.

Thêm một điều đáng chú ý là trong năm 1984, bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng một số nhà máy điện có công suất và quy mô lớn, để góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện của đất nước, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đề xuất của ngành Điện và tham khảo kinh nghiệm sản xuất điện của Liên Xô, Chính phủ đã có chủ trương linh hoạt và phù hợp với tình hình kinh tế đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn lúc ấy.

Đó là chủ trương đẩy mạnh phát triển thủy điện vừa và nhỏ, nhằm khai thác tối đa tiềm năng sông ngòi Việt Nam làm thủy điện (cả nước có khoảng 3.450 sông, suối). Việc xây dựng các trạm thủy điện nhỏ và vừa ở các vùng nông thôn, phù hợp với khả năng hạn hẹp của từng đơn vị, địa phương và người dân đã đem lại lợi ích rất tốt. Trên những địa bàn vốn nhiều năm ảm đảm, tối tăm vì không có điện, nay đã có ánh điện bừng sáng khiến cho cuộc sống của người dân bước sang trang mới, sản xuất khấm khá hơn và đời sống tinh thần vui tươi hơn. Họ càng phấn khởi và tin tưởng vào sự tốt đẹp của chế độ ta, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Cũng trong giai đoạn 1980 - 1985, hàng loạt các công trình nguồn điện trên khắp mọi miền tổ quốc đã được xây dựng mới, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tổng kết công tác 5 năm giai đoạn 1980 - 1985, Bộ Điện lực đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm chủ yếu: Đó là nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự giác ngộ sâu sắc về điện năng trong nền kinh tế quốc dân; trên cơ sở xác định tiềm năng của đất nước trong giai đoạn 10 - 15 năm tới, đẩy mạnh phát triển thủy điện; phải củng cố và tăng cường công tác kinh doanh điện; vấn đề điện phục vụ nông nghiệp phải được đặt ở vị trí thích đáng; cần xem xét lại quan hệ trong tổ chức xây dựng lưới điện, để phát triển lưới truyền tải và phân phối điện phù hợp với tốc độ phát triển nguồn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết với các đối tác mới để phát triển ngành nhanh chóng.

Sửa chữa đường dây truyền tải 230kV để cấp điện cho Sài Gòn năm 1976.
Sửa chữa đường dây truyền tải 230kV để cấp điện cho Sài Gòn năm 1976.

Tiếp tục vượt qua khó khăn bước vào thời kỳ đổi mới

Sau năm 1986, dưới ánh sáng đường lối đổi mới toàn diện của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI và hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”, cả nước ta thực sự chuyển mình bước vào thời kỳ đổi mới, xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, hình thành cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ phương châm hành động “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội VI đã đề ra phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội của nước ta trong 5 năm 1986 - 1990.

Đại hội đã đánh giá kỹ và thấu đáo tình hình điện năng, đồng thời nhấn mạnh việc phát triển điện lực có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự phát triển của đất nước: “Trong những năm qua, chúng ta đã dành nhiều vốn đầu tư để xây dựng các công trình quan trọng về điện lực. Trong 5 năm tới, vẫn phải tiếp tục đầu tư mạnh để tạo ra một bước chuyển biến đáng kể trong cân đối năng lượng. Đối với miền Bắc, với việc hoàn thành xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại, lắp đặt một số tổ máy của Thủy điện Hòa Bình, nguồn điện sẽ đảm bảo đủ nhu cầu và có một phần dành cho các tỉnh miền Trung.

Ngoài nguồn điện từ miền Bắc vào, việc tìm biện pháp bổ sung để đảm bảo điện cho các tỉnh Khu V và Tây Nguyên là nhiệm vụ cấp bách của ngành Điện. Một mặt, đẩy nhanh xây dựng những cơ sở điện mới đã được xác định, mặt khác, tăng thêm dầu và phụ tùng để sử dụng tốt hơn những cơ sở điện hiện có. Ở miền Nam, tập trung các điều kiện vật chất để đảm bảo hoàn thành xây dựng Thủy điện Trị An và Thủy điện Dray H’linh”.

Không chỉ bằng sự đầu tư từ ngân sách của Nhà nước, Đảng ta đã lần đầu tiên chỉ ra việc phải kết hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong việc tập trung đầu tư xây dựng các công trình phát triển điện lực của đất nước. Có thể xem đây là chủ trương chính thức và cũng là tiền đề của phương thức “xã hội hóa” huy động tiềm năng, nguồn lực của nhân dân trong hoạt động xây dựng công trình cung cấp điện và sản xuất điện của Đảng và Nhà nước ta nhiều năm sau:

“Một hướng quan trọng khác là bằng khả năng của Trung ương và địa phương, Nhà nước và nhân dân, ra sức xây dựng nhiều trạm thủy điện nhỏ ở các vùng, nhất là Tây Nguyên và miền núi phía Bắc để giải quyết nguồn điện tại chỗ, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đồng bào các dân tộc. Đi đôi với nguồn, cần xây dựng kịp thời và đồng bộ các hệ thống lưới điện, từ cao thế đến trung thế và hạ thế.

Hoàn thành việc cải tạo lưới điện Hà Nội, Hải Phòng; tăng thêm nguồn điện và lưới điện cho đồng bằng sông Cửu Long; tiến hành chuẩn bị cải tạo lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác khi có điều kiện.

Cải tiến việc phân phối và sử dụng điện, nhằm trước hết đảm bảo một cách ổn định nhu cầu các trọng điểm về kinh tế và xã hội. Đồng thời phải tích cực chuẩn bị cho thời kỳ sau năm 1990 xây dựng những công trình đã được quy hoạch như: Yaly, Sông Hinh, Thác Mơ, Đắc Nga 3...”.

Với những nội dung tư tưởng chỉ đạo rất mới, sáng suốt và đúng đắn của Đảng ta, nền kinh tế đất nước từng bước khởi sắc, ngành Điện nhận được sự đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất và tinh thần của Nhà nước và nhân dân.

Khi nguồn điện ngày càng được bổ sung, sản lượng điện tăng mạnh trong những năm giữa thập niên 1980, thì vấn đề hệ thống lưới điện và các trạm biến áp ở các vùng, miền, tỉnh, thành phố lại bộc lộ sự yếu kém và bất hợp lý. Phần lớn các trạm phân phối điện chỉ có một nguồn trung áp, các mạch vòng tiết diện dây điện nhỏ, khi một đường dây có sự cố, đường dây thứ hai không bảo đảm việc cấp điện, do đó hạn chế đến công suất.

Để khắc phục tình hình ấy, được sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, ngành Điện đã xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 110kV Thái Nguyên - Cao Bằng, Trạm 110kV Tuyên Quang (1990). Các đường dây Mộc Châu - Mai Châu, Cẩm Phả - Tiên Yên và Trạm 110kV Tiên Yên... đều được đưa vào khai thác, sử dụng.

Trong năm 1986, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc được nâng cấp và hoàn thiện với nhiều trang thiết bị tiên tiến của thời kỳ đó, có nhiệm vụ chỉ huy, điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng khu vực miền Bắc, nhằm đạt kết quả tối ưu về kỹ thuật và kinh tế, góp phần vào việc đảm bảo hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, liên tục, tin cậy.

Bộ Điện lực đã chỉ đạo các Sở Điện lực, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn phải xây dựng định mức tiêu thụ điện cho các nhà máy điện, có thể sử dụng cách yêu cầu các nhà máy phát bù bằng điêzen để giảm sản lượng điện (khoảng 30%); mở các đợt tuyên truyền sâu rộng về tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành hàng nghìn tờ rơi, mở các hội nghị, hội thảo về tiết kiệm điện; ngành Điện ở các thành phố lớn tiến hành tách công tơ, lắp đặt đồng hồ điện ở những khu đông dân cư, xóa bỏ tình trạng bán điện khoán theo hộ...

Nước ta là một nước nông nghiệp, sản xuất và năng suất lúa gạo phụ thuộc vào các nguồn điện chạy máy bơm nước cho thủy lợi tưới và tiêu nước, chạy các loại máy xay xát lúa gạo, ngũ cốc và hoa màu. Với sự nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành Điện, điện lưới quốc gia đã đến và thắp sáng tại nhiều địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba năm 1989, 1990, 1991 là ba năm rất đặc biệt và nhiều ý nghĩa không những đối với ngành Điện mà còn đối với cả nước.

Đó là ba năm “thu hoạch” của quá trình “gieo trồng” từ ít nhất là 5 năm trước. Các kết quả, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đã được hoàn thành một cách tốt đẹp. Cả ba chương trình phát triển chủ yếu là lương thực, thực phẩm, hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng đều thành công.

Từ chỗ phải nhập khẩu lương thực, nước ta đã sản xuất đủ tự cung, tự cấp, có dự trữ và còn xuất khẩu gạo; khoán 10 được triển khai từ năm 1988 trên quy mô toàn quốc càng khuyến khích nông dân sản xuất lúa gạo; hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng nhiều hơn, đa dạng hơn; xuất khẩu sang các nước tư bản tăng mạnh (năm 1988 tăng gấp 3 lần năm 1986), thâm hụt thương mại giảm.

Từ năm 1989, nước ta bắt đầu xuất khẩu dầu thô đem lại nguồn thu xuất khẩu lớn; lạm phát được kiềm chế dần. Đến năm 1990, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12 - 14%, GDP tăng 5,1%, bình quân đầu người đạt mức 98USD.

Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng VI về phát triển kinh tế, xã hội đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII tổ chức tại thủ đô Hà Nội tháng 6/1991 nhận định: “Hơn bốn năm đưa Nghị quyết Đại hội VI vào cuộc sống là quá trình thể nghiệm, tìm tòi, từng bước cụ thể hóa, phát triển và tổ chức thực hiện những định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội. Đảng và Nhà nước vừa tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội cấp bách, giữ vững ổn định chính trị, vừa thực hiện đổi mới các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nước ta do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIII ngày 18/12/1989 ghi nhận: “Sản lượng công nghiệp năm 1989 ước tăng khoảng 3% so với năm 1988. Một số ngành sản xuất quan trọng tăng khá như điện, dầu thô, xi măng, máy biến thế, pin, gạch xây, rau quả đông lạnh, hàng gia công xuất khẩu và chế biến nông sản”.

Như vậy, kinh tế đất nước mấy năm liền liên tục khởi sắc đương nhiên là nền tảng vững chắc cho các ngành công nghiệp và kinh tế - kỹ thuật phát triển, trong đó có Điện lực. Và đến lượt các ngành công nghiệp và kinh tế - kỹ thuật với vai trò hết sức quan trọng, vừa là nền tảng vững chắc, vừa là mục tiêu của nền kinh tế, đã tác động trở lại nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy, bồi đắp, cung cấp, sản xuất ra các sản phẩm phục vụ nền kinh tế.

Sự phát triển và mối liên hệ gắn bó hữu cơ hai chiều của Điện lực với các ngành, nghề trong nền kinh tế quốc dân là tất yếu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa - nòng cốt của công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

Tính chất đặc biệt còn thể hiện ở chỗ hầu hết các mục tiêu kế hoạch đặt ra của ngành Điện lần đầu tiên đã được hoàn thành, làm thay đổi căn bản về chất lượng điện của cả nước. Trong ba năm đó, nguồn điện bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ là do các công trình nguồn điện lớn được tập trung đầu tư mọi nguồn lực để thi công từ những năm trước, đã hoàn thành theo tiến độ và nhanh chóng được đưa vào khai thác sử dụng.

Cuối năm 1989, các mục tiêu trong Tổng sơ đồ phát triển điện II đã được gấp rút cơ bản hoàn thành. Ngày 15/11/1989, trạm phát điện tuabin khí đầu tiên ở Quảng Nam - Đà Nẵng bước vào hoạt động. Từ thời điểm ấy, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có thêm 8.000kW bổ sung cho nguồn điện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh.

Không có những cố gắng vô bờ bến thì ngành Điện không thể nào làm nên những kết quả và thành tựu về điện lực trong suốt mấy chục năm qua. Đó là niềm vinh dự, tự hào, là trí tuệ, mồ hôi và cả máu xương của các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành Điện đã đổ xuống và họ xứng đáng được nhận những phần thưởng cao quý là hàng chục, hàng trăm huân chương, bằng khen của Đảng và Nhà nước trao tặng, xứng đáng được lưu giữ hình ảnh cao quý trong trái tim của mọi người dân Việt Nam.

Trúc Diệp