Những mốc quan trọng của Hội nghị Pa-ri về Việt Nam tháng 1 năm 1973

27/01/2018 06:19
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Hiệp định Pa-ri về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ký kết ngày 27/1/1973 là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, thất bại của đế quốc Mỹ

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973- 27/1/2018), Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ về những mốc thời gian quan trọng của Hội nghị Pa-ri.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hiệp định Pa-ri về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết ngày 27/1/1973 là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Theo hiệp định, đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cam kết tôn trọng các quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ miền Nam Việt Nam…

Hội nghị Pa-ri về Việt Nam diễn ra tại Pa-ri, thủ đô nước Pháp, từ ngày 15/5/1968 và kết thúc vào ngày 27/1/1973, trải qua gần 5 năm với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 550 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam…

Giây phút ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn).
Giây phút ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn).

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chúng tôi xin điểm lại một số mốc quan trọng trong cuộc đàm phán này:

Năm 1968

Ngày 30-31/1: Quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân trên toàn miền Nam Việt Nam.

Ngày 31/3: Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố đơn phương ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, không tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai, chấp nhận đàm phán với ta.

Ngày 3/5: Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị nói chuyện Việt Mỹ tại Pa-ri. Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy được cử làm Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng ngày, tổng thống Mỹ Johnson họp báo công bố nhận đề nghị của Việt Nam.

Ngày 8/9: Gặp riêng giữa hai Trưởng đoàn: Xuân Thủy và Harriman. Bên Việt Nam còn có cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ.

Ngày 15/5: Hai đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ họp phiên đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber tại Pa-ri.

Ngày 13/10: Phía Việt Nam nêu hai điều kiện họp bốn bên: Mỹ phải nói chuyện với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn phải thay đổi chính sách.

Ngày 31/10: Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam từ ngày 1/11/1968.

Năm 1969

Ngày 25/1: Hội nghị bốn bên về Việt Nam khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ nhất.

Những mốc quan trọng của Hội nghị Pa-ri về Việt Nam tháng 1 năm 1973 ảnh 2Độc lập, tự do - khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt

Ngày 8/5: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp toàn bộ mười điểm, trong đó hai vấn đề chủ yếu là Mỹ rút quân và nội bộ giữa người Việt Nam tự giải quyết với nhau ở miền Nam.

Ngày 14/5: R.Nixon đưa ra đề nghị 8 điểm.

Ngày 6/6: Thực hiện nghị quyết của Hội nghị hiệp thương giữa hai đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã họp thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngày 10/6: Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định chuyển đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại Hội nghị Pa-ri thành đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Năm 1970

Ngày 21/2: Cuộc gặp riêng đầu tiên tại Pa-ri giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy với cố vấn H. Kissinger.

Ngày 17/9: Chính phủ Cách mạng lâm thời đưa ra giải pháp 8 điểm về Việt Nam trong đó có việc rút quân Mỹ và thả tù binh cùng một thời hạn.

Ngày 18/10: R.Nixon  đưa ra đề nghị 5 điểm mà không đòi quân đội miền Bắc rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Ngày 10/12: Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đưa ra ba điểm về ngừng bắn.

Năm 1971

Ngày 31/5: Tại cuộc họp riêng với Bộ trưởng Xuân Thủy, cố vấn Kissinger đưa ra đề nghị bảy điểm tách vấn đề quân sự và vấn đề chính trị.

Ngày 26/6: Trong cuộc gặp riêng Cố vấn Lê Đức Thọ - H.Kissinger, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra đề nghị chín điểm, tập trung đòi Mỹ thay Nguyễn Văn Thiệu.

Ngày 1/7: Tại Hội nghị bốn bên, Chính phủ Cách mạng lâm thời đưa ra bảy điểm đòi rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam trong năm 1971.

Năm 1972

Ngày 24/3: Tổng thống Nixon họp báo tuyên bố hoãn vô thời hạn các phiên họp công khai Hội nghị Pa-ri về Việt Nam.

Ngày 30/3: Mở màn cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta; tiến hành đồng thời các chiến dịch Đường 9 - Trị Thiên đến bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng Nam Bộ, đồng bằng Khu 5.

Những mốc quan trọng của Hội nghị Pa-ri về Việt Nam tháng 1 năm 1973 ảnh 3Hiệp định Paris, đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam

Ngày 6/4: Nixon tuyên bố chính thức đánh phá trở lại toàn miền Bắc Việt Nam. Ngày 16/4 máy bay B.52 của Mỹ ném bom Hải Phòng.

Ngày 1/8: Mỹ đưa ra 12 điểm. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra 10 điểm.

Ngày 14/8: Mỹ đưa ra đề nghị mới 10 điểm.

Ngày 8/10: Trong cuộc gặp riêng, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trao cho H.Kissinger Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ngày 20/10: Trong công hàm gửi Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tổng thống Mỹ nói: "Văn kiện Hiệp định xem như hoàn thành".

Ngày 22/10: Mỹ lật lọng lấy cớ Nguyễn Văn Thiệu bác bỏ Hiệp định để đòi bàn thêm và sửa đổi nhiều điều đã thỏa thuận, Mỹ lập cầu hàng không tiếp tế ồ ạt vũ khí cho Sài Gòn.

Ngày 2/11: Nixon ra lệnh máy bay chiến lược B.52 tiến công phía Bắc khu phi quân sự.

Ngày 20/11: Trong thương lượng lại, lấy cớ theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn, Mỹ đòi sửa đổi hầu hết các vấn đề thực chất trong các chương của văn bản Hiệp định.

Từ ngày 18-29/12: Quân và dân ta đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay chiến lược B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng... làm nên Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không".

Ngày 30/12: Mỹ chấm dứt ném bom trên vĩ tuyến 20.

Năm 1973

Ngày 8/1: Hội nghị Pa-ri họp lại. Mỹ phải bỏ thái độ "thương lượng trên thế mạnh".

Ngày 23/1: Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn H.Kissinger ký tắt Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ngày 27/1: Bộ trưởng Ngoại giao bốn bên dự Hội nghị Pa-ri chính thức ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cùng bốn nghị định thư liên quan, bao gồm:

+ Nghị định thư về tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá hủy mìn ở vùng biển, các cảng, sông ngòi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

+ Nghị định thư về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các Ban liên hợp quân sự.

+ Nghị định thư về việc trao trả nhân viên quân sự bị bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ.

+ Nghị định thư về ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát.

Ngày 29/3: Người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1.  Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ, "Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris", Nxb Công an nhân dân, H.1996.

2. Võ Văn Sung, "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris", Nxb Quân đội nhân dân, H.2005.

3. "Hiệp định Pa-ri - mốc son sáng chói không thể lãng quên", Nxb Hồng Đức, H. 2013.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY