Nỗi thất vọng về cô giáo hiền "giết" học sinh bằng những lời nhục mạ

24/01/2012 07:31
Công Tâm - Uyên Nhã/Pháp luật & Thời đại
Trước những lời lăng mạ khó nghe của cô giáo, Oanh bất ngờ bật dậy lao ra khỏi lớp: "Từ nay cô không phải nhìn mặt em nữa" và chạy ra lan can gieo mình tự vẫn...
“Giết người” bằng… chửi mắng Buổi sáng ngày 7/1/2012 cũng như bao ngày bình thường khác, nữ sinh Nguyễn Thị Kiều Oanh (học sinh lớp 12A7, Trường THPT Đông Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) chào cha mẹ đi học rồi hứa sẽ về nhà sớm nấu cơm giúp gia đình. Không ai ngờ đó là lần cuối cùng cha mẹ cô được nhìn thấy mặt con. Càng không ai có thể ngờ trong buổi học hôm ấy, xấu hổ vì những lời nhục mạ vô cớ của cô giáo mà em đã tự vẫn. Oanh không về nhà nữa mà giờ cha mẹ chỉ còn nhìn thấy em trong di ảnh. Căn nhà nằm tại thôn Phấn Dũng (xã Đông Sơn cùng huyện) không có vật dụng gì đáng giá nay càng xơ xác hơn với chiếc bàn thờ đơn sơ chỏng chơ nải chuối xanh, quyển học bạ, hai tấm giấy khen cùng dăm quyển sách vở.
Nỗi thất vọng về “cô giáo hiền” “giết” học sinh bằng những lời lẽ nhục mạ. Hiện trường xảy ra vụ việc
Nỗi thất vọng về “cô giáo hiền” “giết” học sinh bằng những lời lẽ nhục mạ. Hiện trường xảy ra vụ việc
Ngước lên nhìn khuôn mặt bầu bĩnh xinh xắn của con trong di ảnh, người cha Nguyễn Văn Tuyến (47 tuổi) và người mẹ Nguyễn Thị Tươi (41 tuổi) lại bật khóc nhớ con. Là những nông dân ngày ngày cần mẫn cóp nhặt từng xu lẻ, ông bà nhịn ăn nhịn tiêu cho đứa con thứ hai đi học những mong con gặp điều tốt đẹp, ai ngờ con mình lại phải mất mạng vì những lời sỉ nhục của cô giáo. Ông Tuyến đưa cho chúng tôi xem tin nhắn của nhà trường gửi cho phụ huynh học sinh ngày 01/01/2012 vào lúc 19h 21’42s (gần một tuần trước khi xảy ra sự việc - PV): “ Tuần qua em đi học đầy đủ, kết quả học tập khá; ngoan, lễ phép”. Được biết theo quy định giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, hàng tuần nhà trường đều thông báo cho phụ huynh qua tin nhắn điện thoại di động về kết quả học tập của các em ở trường. “Nếu con tôi hỗn hào hay trước đây từng là “nữ quái” thì còn đỡ, nay nhà trường cũng xác nhận con tôi là học sinh ngoan, vậy mà cháu nó lại chết thảm như thế vì bị cô giáo chửi mắng nên vợ chồng tôi mới càng đau đớn”, ông Tuyến tiếp lời. Theo nhân chứng là những học sinh đang học tại lớp 12A7, sự việc xảy ra như sau: Vào tiết 1 buổi học sáng ngày 7/01/2012, cô giáo Tô Thị Thanh Huyền (39 tuổi, giáo viên môn toán) vào lớp đề nghị lớp trưởng kiểm tra bài chép phạt cho cô. Lý do học sinh phải chép phạt vì trong kỳ thi học kỳ 1 của lớp, có đến hơn 10 học sinh bị điểm 5 trở xuống. Có lẽ do bị bức xúc về việc học sinh của mình học kém nên giáo viên này đã bắt phạt học sinh chép lại bài thi với “hình phạt” “thi trượt kỳ 1 thì phải chép đến giữa kỳ 2”. Thế nhưng sau khi kiểm tra việc “thi hành án” của các học sinh, giáo viên này nhận thấy có hai học sinh không chịu “tuân thủ quy tắc” là Oanh và một học sinh khác. Khi được giáo viên hỏi tại sao không chép phạt, nữ sinh Oanh đứng dậy thẳng thắn: “Thưa cô em không chép. Theo em chép phạt như vậy là vô bổ, thay vào đó cô nên cho chép các công thức”. Vị giáo viên tỏ ra cay nghiệt trước cô nữ sinh dám “phản ứng”: “Giờ cô còn ra lệnh cho cả tôi nữa à? Có thể sau này cô lên thay chức cả hiệu trưởng để giáo dục chúng tôi nữa”. Thấy học sinh trả lời: “Thưa cô em không có ý đó”, nữ giáo viên tiếp tục cay nghiệt: “Cô đừng có thái độ vô lễ như thế, cô không đứng dậy thì cô cút ra ngoài cho tôi. Tôi nói cho cô biết thích thì tôi cho cô ở trong lớp, không thích thì tôi cho cô biến khỏi mắt tôi”. Lớp học tiếp tục “mang màu sắc”… cái chợ khi vị giáo viên này tỏ ý “đì đọt” học sinh với những ngôn từ chì chiết: “Cô thích chép công thức thì tôi chiều. Cô về chép hết công thức ở quyển sách giáo khoa đại và hình từ đầu năm đến giờ”. Đỉnh điểm của “ngôn ngữ sư phạm” là khi thấy nữ sinh vẫn có thái độ “bất trị”, cô giáo đã “tung chiêu ngôn ngữ”: “Là con gái phải giữ lấy tí duyên, cái mặt cô không đáng cho người ta nhổ bọt… Thôi tiết này cô tạm thời cút ra khỏi lớp cho khuất mắt tôi”. Trước những lời lăng mạ khó nghe đó, nữ sinh bất ngờ đứng bật dậy lao ra khỏi lớp vừa chạy vừa nói: “ Từ nay cô không phải nhìn mặt em nữa” và đưa chân qua lan can rồi gieo mình xuống đất.Trẻ thơ thất vọng Sự việc xảy ra bất ngờ trước hàng chục cặp mắt khiến không ai kịp trở tay. Khi gieo mình xuống đất, cô bé tội nghiệp vẫn còn thở nhưng mê man bất tỉnh. Được mọi người vào bệnh viện huyện, sau khi sơ cứu lại chuyển nạn nhân lên bệnh viện tỉnh cùng ngày nhưng rạng sáng ngày 8/1, cô bé đã ngừng thở. Cái chết bất ngờ của nữ sinh Oanh không chỉ gây đau đớn cho những người thân của em, mà hàng chục bạn học cùng lớp cũng chịu một cú sốc giáng mạnh vào tâm hồn non trẻ. Một tuần sau ngày sự việc xảy ra, những khuôn mặt thánh thiện của các học sinh vẫn còn hằn vẻ sợ hãi. Một bạn học của Oanh buồn bã: “Trước cái chết của bạn chúng em rất đau lòng. Em rất thất vọng khi cô giáo đã lăng mạ học sinh và cách giáo dục học sinh thiếu tính khoa học, thiếu tính sư phạm. Cô cho chép phạt như vậy là không sai nhưng mức độ chép phạt thì quá nhiều, làm cho cô trò ngày càng xa cách”. Những bạn thân của nạn nhân tâm sự, có lẽ từ trước tới nay vì chưa bao giờ bị xúc phạm trước mọi người nên Oanh đã có hành động dại dột thiếu suy nghĩ như vậy. “Từ trước tới giờ Oanh ở trên lớp là một học sinh ngoan, có lực học tiên tiến và ít khi bạn bị các thầy cô nhắc nhở. Chúng em cũng thông cảm và hiểu với bạn ấy vì nếu bị chửi mắng té tát như thế, có lẽ chẳng ai mà… sống được vì còn các bạn xung quanh nhìn vào nữa. Em rất buồn khi thấy cô giáo lại nỡ nặng lời với bạn ấy như thế, không tin là cô lại có thể “dữ” đến vậy”, một nữ sinh khác nói. Nhưng tình tiết phát sinh sau cái chết của nữ sinh xấu số khiến người ta còn buồn hơn nữa: Bản tường trình của cô giáo sau khi bị đình chỉ công tác cho rằng mình đã rất “nhẹ nhàng” và hoàn toàn không có một từ nào mang tính dữ dằn, thô bỉ như những lời của các nhân chứng thuật lại; Nhận 50 triệu của nhà trường mang đến trong ngày làm tang cho con, ông Tuyến – bà Tươi chẳng rõ có áy náy điều gì sau 18 năm sinh và nuôi con? Về nguyên nhân của việc cô giáo “đì đọt” con mình, cha mẹ nạn nhân cho rằng khởi nguồn phải từ sự việc con gái của ông bà không chịu đi học thêm tại nhà cô giáo từ đầu năm; Rồi lại còn lời đồn thổi cho rằng nữ sinh Oanh chết vì… ma ám do trước đó một người bạn của em cũng đã từng tự sát… Câu chuyện buồn và những tình tiết buồn làm hoen bẩn một vùng quê. Truyền thống “tôn sư, trọng đạo” đã ăn sâu trong tiềm thức của người Việt từ ngàn đời nay; khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn giăng giăng trong mỗi lớp học, mỗi nhà trường, sao cả cô và trò lại lỡ quên những nguyên tắc làm người, làm thầy như thế?
Một giáo viên ngành Tâm lý giáo dục: “Nếu cô giáo có lời xúc phạm đến học sinh đó thì cô đã vi phạm quy tắc giáo dục, không tôn trọng nhân phẩm của học sinh. Trong nghiệp vụ sư phạm, nếu gặp những trường hợp học sinh phản đối yêu cầu hoặc chỉ ra cái sai của mình trước lớp học, giáo viên cũng phải khéo léo, nhẹ nhàng và lắng nghe ý kiến của học sinh. Thậm chí, trong những trường hợp bị học sinh xúc phạm, giáo viên không được phép xúc phạm lại. Lúc đó thái độ giáo viên cũng không được quá mềm, nhưng phải cứng rắn. Có thể phân tán không khí lớp học bằng cách cho phép học sinh ra ngoài nghỉ ngơi, rửa mặt để bình tĩnh lại và trở về ổn định cùng các bạn rồi trao đổi lại với học sinh khi bài giảng kết thúc”.
Công Tâm - Uyên Nhã/Pháp luật & Thời đại