Nóng bỏng ma túy và cạm bẫy buôn bán nữ sinh ở vùng biên xứ Nghệ

11/12/2015 08:19
Nhật Linh
(GDVN) - Sau nhiều năm “xóa sổ” cây thuốc phiện, cây cần sa nhưng giờ đây ở Nghệ An biết bao gia đình tiếp tục phải sống trong tình cảnh hệ quả của "cơn bão" ma túy.

Sau nhiều năm “xóa sổ” cây thuốc phiện, cây cần sa, những tưởng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An sẽ thoát khỏi cám dỗ của “ả phù dung.”

Nào ngờ, ở vùng biên heo hút ấy, biết bao gia đình giờ đây lại tiếp tục phải sống trong tình cảnh cùng cực, bởi hệ quả của “cơn bão” ma túy từ bên kia biên giới nước Lào tràn sâu vào các bản làng.

Tệ hơn là, sự xâm nhập của “cái chết trắng” đã khiến biết bao tổ ấm tan vỡ, hàng trăm trẻ em bỗng dưng lâm cảnh mồ côi vì bố mẹ bị sốc thuốc, nhiễm HIV.

Hệ quả của ma túy còn khiến nhiều phụ nữ, đặc biệt là những nữ sinh chưa đến tuổi “trăng tròn,” sớm trở thành nạn nhân của cạm bẫy buôn người, bị các đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc, phải sống kiếp khổ nhục trong các hang ổ mại dâm nơi đất khách.

Thông qua loạt bài “Nóng bỏng ma túy và cạm bẫy buôn bán nữ sinh ở vùng biên xứ Nghệ,” báo điện tử VietnamPlus mong muốn mang đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về tình hình ma túy, cũng như những cạm bẫy của nạn mua bán nữ sinh đã và đang hoành hành tại các điểm nóng ở miền Tây tỉnh Nghệ An.

Nóng bỏng ma túy và cạm bẫy buôn bán nữ sinh ở vùng biên xứ Nghệ ảnh 1
“Cơn lốc trắng” từ bên kia nước Lào len lỏi tràn sang các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An.

Với đường biên giới dài hơn 250km tiếp giáp với nước bạn Lào, từ lâu, hai huyện vùng núi cao Kỳ Sơn và Tương Dương đã trở thành “điểm nóng” về buôn bán ma túy “vượt biên giới” của tỉnh Nghệ An và cả nước.

Cho đến nay, vấn nạn ấy vẫn đang tiến diễn phức tạp, với nhiều “điểm nóng” khiến các cấp ủy, chính quyền địa phương phải đau đầu.

“Cơn lốc trắng”: Nỗi đau của dân bản

Tò mò với chủ ý muốn tìm gặp “con buôn,” tôi nhờ Du - cậu thanh niên vừa dứt khỏi “cái chết trắng” ở xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn dẫn vào “lãnh địa” ma túy của dân nghiện.

Trên đường đi, chốc chốc chúng tôi lại thấy một vài người Mông gùi trên lưng những túi hàng, bước thoăn thoắt hướng về phía bản Hồng Tiến. Hỏi ra mới biết, đó là những tốp người Mông (Lào) sang bán đồ cho người dân của bản. Nhưng, thực chất là bán ma túy.

Len lỏi vào bản Hồng Tiến, chúng tôi tận mắt thấy nhiều số phận là “nô lệ” của ma túy vẫn quằn quại trong nghiện ngập.

Trong câu chuyện với khách, ông Vi Văn Toàn, 67 tuổi bảo rằng, người dân trong bản trước đây chỉ quen với cây lúa trên rẫy, cây măng trên rừng, con cá dưới suối, chứ không biết đến cái gọi là heroin, hay chất ma túy. Cuộc sống ngày ấy tuy khó khăn nhưng bà con dân bản chăm chỉ lắm!

Vậy mà, nhiều năm qua, “cơn lốc trắng” từ bên kia nước Lào len lỏi tràn sang đã khiến người dân trong bản mê muội, rồi xem nó như thứ “thần dược” của núi rừng.

Cấy ma túy ni đã dính vào là khó bỏ lắm. Ở bản này, trước đây, nhiều gia đình có thể đói ăn, chứ không thể thiếu thuốc phiện. Vì thế mà, rất nhiều người nghiện đã chết rồi!” - ông Toàn thở dài nói.

Là người gắn bó nhiều năm với việc chống ma túy, Thiếu tá Lô Văn Thao - Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn thảng thốt: “Vì là huyện miền núi có hơn 190 km đường biên tiếp giáp với nước Lào nên người dân hai nước qua lại với nhau dễ lắm.

Nơi đây, người Mông (Lào) có thể theo đường tiểu ngạch, vượt qua quả núi là đến các làng bản trên địa bàn. Cứ thế, họ qua lại mua con gà, bán cân gạo, rồi trao đổi cả thuốc phiện.”

Tẩn ngẩn một lúc rồi anh bảo, ở đây, các đối tượng mua bán ma túy không chỉ chọn địa hình rừng rú khó khăn để đi lại, hoạt động về đêm và có động thái theo dõi lực lượng chức năng, mà chúng còn mang theo súng, lựu đạn bên mình, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.

Vì thế mà, công tác đấu tranh, triệt phá các ổ “chợ” ma túy ở trong rừng chẳng bao giờ hết gian nan.

Không kém phần phức tạp, tại Tương Dương - huyện miền núi có gần 60km đường biên với nước Lào, theo nguồn tin của chúng tôi, tình hình buôn bán ma túy cũng đang diễn biến hết sức phức tạp, trong đó Pù Lôm thuộc khu vực giáp ranh giữa các xã Lượng Minh, Yên Na và xã Lượng được cơ quan công an địa phương ghi nhận là tụ điểm ma túy “nóng” nhất.

Có lẽ vì thế nên khi thấy người lạ vào khu vực “nóng,” người dân đã nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét. Dường như họ đang đoán định chúng tôi là lực lượng chức năng hoặc những kẻ tìm đến thiết lập cơ sở để trao đổi “hàng trắng” - thứ đã khiến biết báo người dân dính vào cái “ả phù dung,” bị sốc thuốc, chết và phải đi tù.

Điều đáng nói là, vì dính vào ma túy nên cuộc sống của bà con dân bản bị đảo lộn, nhiều người cũng không còn chăm lo đến cây lúa trên rẫy, cây ngô ngoài nương mà leo lên đỉnh Pù Lôm, len lỏi vào sâu trong rừng để phục dịch cho các “ông chủ” đến từ phía bên kia biên giới, khiến không ít gia đình phải chịu cảnh ly tan.

Muôn kiểu con nghiện

Không chỉ thiết lập các tụ điểm, hoạt động liều lĩnh ở trong rừng, theo đánh giá của cơ quan Công an huyện Kỳ Sơn, các đối tượng buôn bán ma túy còn lôi kéo người dân ở nhiều khu vực, địa bàn khác nhau vào con đường nghiện ngập.

Từ đó, dân nghiện mở rộng phạm vi hoạt động, rồi đưa “hàng” vào các khu vực nội địa, trung tâm thị trấn để tiêu thụ.

Lật giở báo cáo về tình hình ma túy, Thiếu tá Lô Văn Thao cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có gần 700 người nghiện có hồ sơ theo dõi. Một con số lạnh sống lưng, nhưng đó mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm,” bởi trên thực tế, số lượng người nghiện “đang tự do” ở ngoài còn lớn hơn rất nhiều.

Tình hình ma túy phức tạp, số lượng con nghiện đông có thể sẽ dễ hiểu ở huyện miền núi biên giới có dân trí thấp, nhưng điều đáng lo là, ở đây các đối tượng dính vào ma túy không hẳn là người nghèo kém hiểu biết, mà có cả các em học sinh.

Thậm chí, những người giáo viên đang dạy học ở ngay trung tâm huyện cũng dính vào ma túy, phải đi cai nghiện bắt buộc,” Thiếu tá Thao trăn trở.

Trong buổi làm việc với Công an huyện Tương Dương, tôi cũng không khỏi sửng sốt khi hay tin “toàn huyện hiện có hơn 850 con nghiện.”

Một con số đủ “sốc,” nhưng đó cũng chỉ là một góc nhỏ của hiện trạng buôn bán ma túy trên địa bàn. Bởi nói như lời Thượng tá Lô Văn Liên - Phó Trưởng Công an huyện thì ở đây người dân đã "gắn bó" với ma túy từ hàng chục năm rồi.

“Điều đáng nói là, trong số các con nghiện đã được ghi nhận, có những gia đình cả nhà bị nghiện rồi kéo nhau đi buôn ma túy, khi đội hình sự bắt được chồng thì vợ làm, bắt hết cha mẹ thì con làm. Cứ thế, xét về tình mà nói, thì để bắt hết cả gia đình cũng là điều cần phải nghĩ,” Thượng tá Liên chia sẻ.

Có mặt ở huyện Tương Dương trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua, tôi cũng đã tận thấy phần nào về hoạt động của các con nghiện, khi bắt gặp các đối tượng buôn bán ma túy vận chuyển “hàng” bằng xe máy từ các xã “điểm nóng” ở sâu trong rừng ra dọc đường quốc lộ, đoạn qua trung tâm thị trấn Hòa Bình và các xã lân cận để bán cho các con nghiện. Thực tế này cũng đã khiến người dân sinh sống dọc Quốc lộ 7A hết sức lo lắng.

“Cảnh mua bán đó diễn ra thường xuyên, có gì lạ đâu. Chú đứng đó mà xem, cứ tầm chập tối trở về đêm sẽ có một số người đi xe máy đỗ ở ven đường giao ‘hàng,’ sau đó rẽ ra đường bờ sông để tránh lực lượng chức năng đi tuần tra.

Nói không ngoa chứ ở đây mua thuốc phiện còn dễ hơn mua khoai,” ông chủ của một cửa hàng bán chuối rừng ở ngay trung tâm thị trấn Hòa Bình mở lời chao chát.

Nhìn nhận thực tế trên, Trung tá Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện Tương Dương cho hay: “Không chỉ ở thị trấn Hòa Bình, mà tình hình ma túy tại 17 xã trên địa bàn đều rất phức tạp.

Vì con nghiện thường ở trong tối và luôn theo dõi công an, nên để phát hiện là rất khó. Còn người dân thì con nghiện không cảnh giác, nên việc thấy các con nghiện trao đổi ‘hàng’ cũng là điều dễ hiểu.”

Điều đáng lo ngại là công tác cai nghiện hiện nay tựa như tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” khiến việc bắt giữ con nghiện thường bị “bỏ sót.”

Vì thế mới có chuyện, nhiều đối tượng bị bắt vào trung tâm cai nghiện được vài tháng thả ra rồi lại bị bắt vào. Không ít trường hợp cai nghiện được một thời gian rồi lại tái, điệp khúc ấy như bài toán nan giải đối với các cấp ủy, chính quyền địa phương.

“Cơn bão” ma túy từ Lào tràn vào các các huyện miền Tây xứ Nghệ không chỉ khiến những người dân bản hiền lành đổi tính, dính vào cạm bẫy của “ả phù dung,” mà nó còn khiến cho hàng trăm gia đình bỗng chốc lâm cảnh chia ly. Không ít người sau một thời gian làm bạn với “cái chết trắng” đã bị sốc thuốc, để lại muôn vàn nỗi đau cho những đứa trẻ mồ côi.

Nhật Linh