Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Nữ soái gây khiếp đảm ở chợ đầu mối Long Biên kể về 'luật sinh tồn'

12/11/2012 11:00
Theo Gia đình & cuộc sống
Cô bé ấy là nữ soái của nhóm giang hồ nhí dưới gầm cầu Long Biên, từng gây khiếp đảm cho cánh dân buôn tại chợ đầu  mối này.

Tuổi chúng non nớt tựa như chồi xanh mới nhú. Thế nhưng, bây giờ, chúng là những đứa trẻ già nua, từng trải. Tôi sợ nhìn vào mắt chúng bởi nét thơ ngây đã tắt từ lâu, chỉ còn những cái nhìn đầy hận thù, hằn học, chán nản với cửa đời vừa hé...


Khi tôi dự định viết bài báo này, thì hàng loạt những vụ trọng án kinh hoàng mà hung thủ là trẻ vị thành niên vẫn còn hôi hổi nóng. Nguyên nhân của những vụ án đau lòng đó bắt nguồn từ đâu? Con đường nào đã biến những chú chim non nớt thành ác điểu hung tàn?

Cô bé ấy là nữ soái của nhóm giang hồ nhí dưới gầm cầu Long Biên, từng gây khiếp đảm cho cánh dân buôn tại chợ đầu  mối này.

Giang hồ từ thuở măng non

Cô bé ấy tên đầy đủ là Lê Thị Hoa. Trẻ đi bụi dặt dẹo kiếm sống ở quanh khu chợ trên bến dưới thuyền ấy thường gọi cô bé là Hoa "đen" bởi nước da cô đen nhẻm, kết quả của những tháng ngày phơi mặt ngoài đường. Sở dĩ tôi tìm gặp cô bé này bởi thời gian gần đây, dân buôn đường dài cùng các tiểu thương bán hàng tại chợ đầu mối này vô cùng bức xúc bởi liên tục bị đám choai choai nhảy hàng, chôm tiền, điện thoại... Nhiều vụ, biết rõ đối tượng là ai nhưng bởi đám tiểu yêu ấy có đến mấy chục đứa nên chẳng ai dám dây. Động vào bầy ong ấy, chắc chắn việc buôn bán của họ sẽ chẳng có một ngày yên ả.
Ảnh minh họa - Internet

Ảnh minh họa - Internet


Chưa gặp, tôi cứ nghĩ Hoa là đứa trẻ nanh nọc, khó gần. Thế nhưng, khi gặp rồi thì lại thấy cô bé dễ mến, thân thiện như bao đứa trẻ tuổi 13, 14 khác. Hoa kể, em sinh ra và lớn lên ở bãi nổi Phúc Xá. Nơi ấy, trên mái nhà bè xộc xệch, em chẳng còn ai thân thích ngoài bà mẹ kế mưu sinh bằng nghề gánh hàng thuê.

Bố Hoa quê ở Hải Dương. Mưu sinh, ông lên Hà Nội, sống dặt dẹo nơi bãi giữa sông Hồng. Như bao mảnh đời phiêu bạt cố bám trụ nơi xóm liều này, ông dính vào vòng xoáy tù tội. Một lần ra tù, muốn thành người tử tế, ông lấy vợ. Vợ cả của ông (mẹ của Hoa), cũng là một người coi "tù là nhà lệnh tha là phép". Hai người lấy nhau, có với nhau 2 mặt con rồi cứ thay nhau khăn gói vào tù. Hoa kể, mẹ em đi trại từ khi em còn bé xíu. Bởi thế, bây giờ, hình bóng người đã sinh ra mình với Hoa cũng mờ ảo, phập phù như chính cuộc đời mẹ vậy. Khi Hoa chập chững biết đi, cũng trên một chuyến "lên đường vào trại", bố Hoa có đưa cho em một tấm ảnh đã ố vàng và bảo đó là hình mẹ. Hoa bảo, bây giờ, nếu vô tình gặp lại, Hoa cũng chẳng thể nhận ra nổi người đã dứt ruột đẻ ra mình.

Thi nhau ở tù nên ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, Hoa đã được bố mẹ gửi về quê nội ở Hải Dương. Ở đó, học hết lớp 3, bố ra tù, về đón Hoa trở lại Hà Nội, bởi nhiều nguyên do, Hoa hết đường đến lớp. Tuổi thơ của Hoa từ đó gắn chặt với bãi nổi, với xóm liều, với những mảnh đời sống như sự tồn tại.

Hoa bắt đầu cuộc sống "sói hoang" khi bố đi thêm bước nữa. "Thêm một người thứ 3", ngôi nhà nổi đã chật chội càng thêm ngột ngạt. Hoa bảo, em thấy thiếu tình yêu từ chính những người thân yêu nhất của mình. Ra tù, bố em đổ bệnh, suốt ngày nằm một chỗ. Mẹ kế bởi bận mưu sinh nên em như bị bỏ rơi. Bởi sự hụt hẫng ấy, em thấy chán cuộc sống gia đình. Em đi bụi.

Hoa có đông bạn. Chúng sàn sàn tuổi như em và đến từ khắp nơi. Đứa không gia đình. Đứa thì có nhà cao cửa rộng trong phố nhưng cũng như Hoa, không thích thì bỏ nhà mà đi. Đứa thì ở mãi một tỉnh miền núi xa tít tắp, chẳng biết giận dỗi gì mà ngơ ngác tìm về Hà Nội. Như có hẹn từ trước, chúng tụ tập hết ở khu cầu Long Biên. Hoa bảo, em chính thức thành "công dân lang thang" ở khu gầm cầu ấy từ năm 2005. Khi ấy, em mới hơn 10 tuổi. Đồng đảng của Hoa lúc đông nhất lên tới gần 50 đứa. Chúng sinh tồn bằng nghề móc túi và cướp giật.

"Luật sinh tồn"

Đã có một thời gian, những người đi qua cầu Chương Dương, Long Biên khi vắng vẻ đã vô cùng sợ hãi bởi sự hoạt động liều lĩnh của nhóm tội phạm nhí nơi đây. Qua cầu, nếu xơ xảy là ngay lập tức điện thoại, ví tiền bị đám tiểu yêu không biết từ đâu bổ nhào ra giật mất. Khi mọi người còn chưa kịp định thần thì chúng đã vọt lên thành cầu rồi nhảy tõm xuống sông và mất hút. Các xe hàng về chợ đầu mối Long Biên cũng vậy. Xe vừa đỗ ở bến thì cả chục đứa choai choai như ong chẳng biết từ đâu nhào ra, lao lên thùng xe, lên ca bin. Đứa nào vồ được thứ gì thì vồ, rồi chuyền tay nhau, ù té chạy. Chủ hàng, lái xe đuổi được đứa này thì đứa kia ập đến, xâu xé cho kỳ được.

Lấy được thứ gì thì chúng đem bán rẻ cho mấy hiệu cầm đồ hay mấy bà buôn hàng ngay tại chợ. Có tiền, chúng chia nhau ăn chơi. Thú ăn chơi của bọn tiểu yêu ấy cũng đơn giản lắm. Hoa kể, trong băng tinh tinh của Hoa chỉ có mấy đứa lớn chơi ma tuý. Số còn lại cứ có tiền là ngồi thiền ở mấy quán game gần đó. Ngồi suốt sáng thâu đêm. Ngồi đến bao giờ trong túi không còn một xu mới rời quán. Hoa cũng thích điện tử, cũng có nick để chát chít nhưng không ham. Có tiền, việc đầu tiên là cô nàng đầu tư vào việc mua coca uống hoặc ăn bim bim.
Ảnh minh họa - Internet

Ảnh minh họa - Internet


Hoa bảo, tuy nhóm đông, nhưng đoàn kết lắm. Và, luật bất thành văn, nếu còn tham gia hội vô gia cư thì không được ăn mảnh, không được chành choẹ, đánh nhau vì tiền. Bởi thế, dù ai đó ốm, nằm bẹp ở một xó nào đó nơi gầm cầu, các chiến hữu đi "kiếm ăn" được, dù không tham gia nhưng vẫn được chia phần. Ai về nhà, được gia đình cho tiền hay "thiết kế" được ở đâu, khi về lại với nhóm, số tiền ấy được dùng chung. Khi nào hết, đứa khác có tiền lại bao, không phải nghĩ ngợi. Nguyên tắc thương yêu đùm bọc được Hoa và các chiến hữu đặt lên hàng đầu, ai vi phạm thì một là tự động rời khỏi nhóm, hoặc không sẽ bị "xử" theo đúng "luật giang hồ".

Không dùng vũ lực với các thành viên trong nhóm nhưng băng khác, hoặc một kẻ từ đâu đến muốn xâm lấn lãnh địa thì cả bọn ra tay không khoan nhượng. Hoa kể, đã vài lần em chỉ huy mấy đứa "tập kích" một nhóm khác khi bọn chúng dám kéo đến "đất" của nhóm kiếm ăn. Mỗi lần vào trận là đánh đấm quên mình. Giọng như cụ non, Hoa bảo, đấu tranh để sinh tồn nên phải thế!

Băng "Hồng Hài Nhi" của Hoa tác yêu tác quái ở khu vực cầu Long Biên suốt mấy năm trời. Cuối năm 2007, đầu năm 2008, mấy đứa thủ lĩnh, trong đó có Hoa lần lượt bị công an bắt. Đứa tội nặng thì đi trại giam, đứa tội nhẹ, ít tuổi thì vào trường giáo dưỡng. Đứa lọt sổ thì ù té đi nơi khác, hoặc tìm đường trở về với gia đình. Hoa đi Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình.

Bỏ nhà theo "lãng tử chơi bời" và dấn thân vào vòng tội lỗi

Tôi gặp Nguyễn Ngọc Ánh ở Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An). Cô bé sinh năm 1991 này gầy gò, dáng lòm còm như người chịu nhiều lam lũ. Ánh nhà ở Hà Nội, phố Minh Khai, vào trại giam này đã được hơn 1 năm, vì tội cướp tài sản. Ánh kể, em sinh ra trong một gia đình bất hạnh. Bố đi tù liên miên vì buôn bán ma tuý. Cứ ra được vài tháng là lại "lên đường". Gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai của mẹ với gánh hàng rau khi úa khi tươi. Cũng từ lúc bố khoác tấm áo sọc đen trắng lên người, đến lớp, bị bạn bè xa lánh, Ánh mặc cảm nên bỏ học.

Cám cảnh gia đình, Ánh trốn mình vào thế giới ảo. Ánh có nick chat rất teen: "Girlyeuboythattinh". Nick ấy, vào room, "ăn khách" lắm. Ánh có nhiều bạn trên mạng. Chát chít mãi thành ham, thành nghiện lúc nào không hay. Ánh bảo, em nghiện chát hệt như người nghiện hêroin. Một ngày không có vài giờ ngồi thiền trong quán net là em đứng ngồi không yên.

16 tuổi, Ánh có người yêu, một cậu thanh niên Ánh quen trên mạng. Và, từ khi có người yêu thì Ánh thay đổi hẳn. Cô bé không còn "cái gì cũng ngác ngơ" như trước nữa. Người khiến trái tim mới lớn của Ánh thổn thức là một kẻ lêu lổng. Hắn bỏ nhà, lang bạt kỳ hồ cùng đám bạn rạch giời rơi xuống. Từ khi yêu hắn, Ánh cũng gia nhập vào băng nhóm vô gia cư ấy. Em bỏ nhà đi, có khi cả tháng không thèm vác mặt về. Mọi thứ sinh hoạt đã có "ông xã", nói theo ngôn ngữ của 9X, lo trọn vẹn. "Ông xã" xoay tiền ở đâu thì Ánh không cần biết. Chỉ biết được ăn, được chơi, được thoát khỏi tiếng thở dài, tiếng cằn nhằn bố mẹ là "ok" rồi. Ánh đâu biết rằng, nguồn tiền để cả đám ăn chơi là phi pháp. Và, khi hết tiền thì chính Ánh cũng bị đẩy ra để làm mồi nhử để nhóm "lãng tử không nhà" kia ra tay thủ ác.

Lên mạng chát, Ánh và một bạn cũng dạt nhà tên Quỳnh có quen một bạn chát có cái nick cũng vô cùng gợi cảm. Anh này hám gái, cứ thấy bạn chát buông lời cợt nhả là xoành xoạch "đớp nhời". Chỉ ít phút ỡm ờ, 2 bên đòi gặp nhau để đi đến một... tình yêu đẹp. Không biết từ đâu, chỉ một loáng là anh chàng nọ đã xuất hiện ở quán nét gần chùa Hưng Ký (Minh Khai, Hà Nội) cùng chiếc xe máy đắt tiền. Anh chàng "dại gái" này đâu có biết rằng mình đang rơi vào một âm mưu đen tối đã được dàn dựng đến từng chi tiết.

Gặp nhau, theo kịch bản, Ánh mời anh bạn đó và Quỳnh về nhà mình chơi, sau đó đi tiếp... tăng 2. Thấy bạn chát có "nhã ý tốt đẹp", lòng hừng hực, anh chàng mê gái này vội vã gật đầu. Theo sự chỉ dẫn của Ánh, anh chàng chở cô đánh xe vòng vèo trong ngõ vắng. Đang đi, đến chỗ ngoặt, như ở trên trời rơi xuống, một đứa tóc tai bờm xờm xông ra túm lấy ghi đông xe rồi quát: "Ai cho mày dụ dỗ người yêu tao?". Nói chưa dứt lời, thằng có bộ tóc loè loẹt như lông vẹt ấy hô đám lâu la lôi hàng ra "chiến". Đánh chém không thương tiếc. Để hoàn thành nốt phần kịch bản, Ánh cũng phải ăn đòn. Không cầm cự được, anh chàng mê gái trên ôm tấm thân bê bết máu bỏ xe, bỏ cả bạn chát mà chạy.

Sau vụ ấy, Ánh và Quỳnh co cẳng bỏ trốn. Công an điều tra, phát hiện được vở kịch đó đã tầm nã ráo riết. Biết chẳng thoát được lưới trời, theo lời khuyên của gia đình, (qua chat), "girlyeuboythattinh" đã ra đầu thú...
Theo Gia đình & cuộc sống