ĐBQH Lê Thanh Vân:

"Ở vị trí Bộ trưởng mà chỉ tư duy sự vụ thì cần phải xem xét lại..."

12/06/2013 13:32
Ngọc Quang
(GDVN) - "Điều quan trọng là các Bộ trưởng đã được trao quyền vậy thì phải đưa ra được giải pháp, mà muốn có giải pháp tốt thì phải tư duy về tầm nhìn, phải suy đoán những kịch bản có thể xảy ra và vận dụng tri thức của mình để đưa chính sách xoay chuyển theo tình huống có lợi, đó mới là tầm tư duy chiến lược. Còn nếu ai đó ngồi ở vị trí Bộ trưởng mà chỉ tư duy sự vụ thì tôi nghĩ là cần xem xét lại khả năng của họ, xem có thực sự xứng đáng với vị trí ấy hay không", ĐBQH Lê Thanh Vân (TP Hải Phòng).

“Nếu Bộ trưởng chỉ tư duy sự vụ thì cần xem xét lại…”

PV: Đã qua rất nhiều phiên chất vấn, có những Bộ trưởng đã khiến đông đảo cử tri đánh giá cao, nhưng bên cạnh đó cũng còn có Bộ trưởng trả lời chung chung, chưa chạm được đến những điều nhân dân thực sự mong đợi. Ông có hy vọng ở kỳ họp này sẽ không có Bộ trưởng nào trả lời “chung chung”?

ĐB Lê Thanh Vân: Tôi nghĩ rằng, mỗi ĐB Quốc hội và cử tri đều cần có cái nhìn thực sự khách quan, toàn diện về việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng. Nếu đặt mình vào cương vị của các Bộ trưởng, chúng ta sẽ thấy rằng có những vấn đề dài hơi, những vấn đề mang tính chiến lược đòi hỏi nhiều thời gian, thậm chí có những vấn đề tích tụ từ nhiều năm trước thì chúng ta không thể đòi hỏi trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm Bộ trưởng giải quyết được ngay.

Tôi xin lấy thí dụ về thị trường nông sản, bài toán tiêu thụ năm nay chúng ta nêu ra, nhưng nó lại phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, mà đó là một yếu tố khách quan. Nhà nước chỉ có thể đưa ra các chính sách để uốn nắn thị trường chứ không thể can thiệp trực tiếp vào thị trường.

Một thí dụ khác là về ngành giao thông thì ở chỗ nào chúng ta cũng có nhu cầu xây cầu, làm đường… nhưng lấy tiền đâu ra vào lúc này? Nợ công của chúng ta thì cũng đang gần đến mức báo động rồi. Vậy thì tìm đâu ra nguồn đầu tư là một bài toán khó. Các Bộ trưởng dù hết sức nỗ lực nhưng họ không phải là "ông thánh" để tạo ra phép màu nào đó, cho nên rất cần sự chia sẻ của cả xã hội.

Điều quan trọng là các Bộ trưởng đã được trao quyền vậy thì phải đưa ra được giải pháp, mà muốn có giải pháp tốt thì phải tư duy về tầm nhìn, phải suy đoán những kịch bản có thể xảy ra và vận dụng tri thức của mình để đưa chính sách xoay chuyển theo tình huống có lợi, đó mới là tầm tư duy chiến lược. Còn nếu ai đó ngồi ở vị trí Bộ trưởng mà chỉ tư duy sự vụ thì tôi nghĩ là cần xem xét lại khả năng của họ, xem có thực sự xứng đáng với vị trí ấy hay không.

ĐB Quốc hội Lê Thanh Vân (TP Hải Phòng). Ảnh: Ngọc Quang
ĐB Quốc hội Lê Thanh Vân (TP Hải Phòng). Ảnh: Ngọc Quang

Vậy ông có đánh giá gì về việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng?

ĐB Lê Thanh Vân: Trước khi  trả lời chất vấn thì các Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời khá đầy đủ về việc thực hiện các lời hứa của mình, trong đó mỗi Bộ có nêu ra những thuận lợi và khó khăn của ngành, đồng thời nêu ra hướng giải quyết những yêu cầu của ĐB Quốc hội, lời hứa mà Bộ trưởng đã cam kết trước Quốc hội. Tôi cho rằng, trước tình hình khó khăn có nhiều yếu tố khách quan thời gian vừa qua thì sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ rất cần được ghi nhận.

Tuy nhiên, nếu là yếu tố chủ quan thì tôi cho rằng những gì thuộc về thể chế, bộ máy cần phải tiếp tục chấn chỉnh. Việc ban hành chính sách thời gian vừa qua có nhiều vấn đề chưa ổn, dư luận xã hội đã lên tiếng nhiều lần về chính sách “trên trời” của các Bộ. Có thể, Bộ trưởng không đủ thời gian để mà kiểm soát hết, nhưng cái Bộ đó không thể quan liêu.

Đội ngũ giúp việc cho Bộ trưởng làm các dự thảo không thể hàng ngày đến cơ quan ngồi phòng máy lạnh, hết giờ là lại về nhà ngồi phòng máy lạnh, mà phải tiếp cận với đời sống thường nhật của người dân. Và khi ký quyết định ban hành một văn bản nào đó mà Bộ trưởng quá tin tưởng vào cấp dưới, không kiểm tra gì thì sẽ mất điểm trước nhân dân, trước Quốc hội.

Mặt khác, các Bộ trưởng là "tư lệnh ngành" thì trong phạm vi của mình thấy bất cập gì phải lập tức xử lý thật thấu đáo. Thí dụ như ban hành chính sách trên trời, không trả lời được bài toán thực tiễn đặt ra thì đấy là trách nhiệm của Bộ trưởng, đó là thể hiện năng lực và tầm nhìn của Bộ trưởng và đại biểu có quyền xét nét chuyện ấy.

Hay là bộ máy nhũng nhiễu, tha hóa thì trong phạm vi quyền hạn, Bộ trưởng phải dẹp bỏ ngay. Nếu không làm được tức là Bộ trưởng yếu kém. Tất cả những vấn đề ấy, ĐB Quốc hội có nhiều kênh thu thập thông tin để đánh giá.

“Chính phủ là 'nhạc trưởng' của cả dàn nhạc”

Như chúng ta biết, trong tình hình còn nhiều khó hiện nay khăn thì nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nông nghiệp cũng đang gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, đó là chuyện sản lượng thu hoạch cao nhưng lại bị rớt giá và tiêu thụ không được như mọi năm. Ông có cho rằng đây sẽ là một vấn đề “nóng” đang chờ đợi Bộ trưởng Cao Đức Phát?

ĐB Lê Thanh Vân: Tôi nghĩ rằng các vị ĐB đại diện cho tiếng nói của nông dân sẽ xoay quanh mấy vấn đề:

Thứ nhất là điều kiện bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay sẽ thế nào? Thí dụ như khả năng hỗ trợ, định hướng thị trường, định hướng kỹ thuật… như thế nào?

Thứ hai là vấn đề chế biến nông sản, thủy sản. Với vai trò là người đứng đầu ngành nông nghiệp thì Bộ trưởng đã có những chính sách gì triển khai hỗ trợ nông dân và đã có lời hứa gì giúp cải thiện tình hình khó khăn hiện nay?

Thứ ba là không chỉ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp mà còn có cả trách nhiệm của Bộ Công thương, nhằm tìm đầu ra cho nông sản ở thị trường trong và ngoài nước. Nhà nước dẫn dắt thị trường thế nào, thông tin về thị trường thế nào để nông dân yên tâm sản xuất? Quan trọng là hỗ trợ cho nông dân không bị tiểu thương ép giá. Đây là một vấn đề tưởng như nhỏ bé, nhưng lại rất thời sự trong bối cảnh hiện nay.

Chúng ta có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhưng một dàn nhạc thì phải có nhạc trưởng, đó là Chính phủ, và như vậy thì Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng sẽ bổ sung thông tin giúp cho Bộ trưởng. Mỗi một ngành mà chưa đến mức cần sự can thiệp của lãnh đạo Chính phủ, thì các bộ ngành theo ranh giới của mình phải có phát biểu bổ sung.

Tôi xin lấy thí dụ như khi nói đến tiêu thụ nông sản thì không chỉ có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp mà còn có Bộ Công thương. Còn chất lượng sản phẩm nông sản liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng thì lại cần sự phối hợp của Bộ Y tế. Trong trường hợp chính sách tác động đến tất cả các ngành thì đấy là trách nhiệm của Chính phủ. Đây là việc làm có tính thông lệ ở các kỳ trả lời chất vấn.

Thưa ông, việc làm mang tính thông lệ ấy có nên đưa thành một quy định bắt buộc không? Bởi vì lời hứa của một Bộ trưởng thì chỉ ở trong một lĩnh vực, như vậy có lẽ cử tri cả nước cần một lời hứa ở tầm cao hơn...?

ĐB Lê Thanh Vân: Chúng ta đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm quy trình hoạt động ở Quốc hội. Ở nhiều nước đã có một bộ quy tắc ứng xử với mỗi hành vi trong kỳ họp, còn ở nước ta thì chưa có. Chúng ta có nội quy kỳ họp Quốc hội và trong từng vấn đề, từng hoạt động thì Quốc hội đang xây dựng quy chế. Thí dụ như việc lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi Quốc hội ban hành một văn bản riêng, bởi vì trong luật chưa có cho nên Quốc hội phải đưa ra một biện pháp tức thời để giải quyết tốt tình huống.

Tương tự như vậy thì chất vấn và trả lời chất vấn tuy đã được quy định ở Hiến pháp, luật tổ chức Quốc hội, nội quy kỳ họp Quốc hội, nhưng những điểm mới trong mỗi kỳ họp đang dần dần được tổng kết và trong tương lai không xa có thể sẽ phải đưa nó vào một quy tắc xử sự bằng một đạo luật hoặc một nội quy. Như vậy, sẽ có khuôn khổ pháp lý để xác định trách nhiệm của những người được chất vấn.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà hiện tại chúng ta không có cơ sở xác định, bởi hai kỳ họp gần đây thì Quốc hội đã ra Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng, trách nhiệm xử lý các công việc mà Bộ trưởng đã nêu, đã cam kết trước Quốc hội. Tôi cho rằng, điều này đang dần đi đến một bộ quy tắc chuẩn mực về ứng xử của ĐB Quốc hội và Bộ trưởng tại mỗi phiên chất vấn.

Ngọc Quang