Ông Hà Tuấn Trung: Người ta chống tham nhũng không phải vì tiền!

08/04/2014 13:59
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Tôi tin rằng khi người ta đứng ra tố cáo tham nhũng không phải vì tiền, mà vì lẽ phải, vì muốn vạch mặt những kẻ cướp đội lốt cán bộ...".

LTS: Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng để lấy ý kiến với nhiều mức thưởng khác nhau, trong đó đặc biệt chú ý trường hợp người nhận Huân chương Dũng cảm được trích thưởng thêm 20% tổng số tiền thu hồi được, nhưng không vượt quá 10 tỷ đồng. Nhưng liệu những mức thưởng cao ngất ngưởng ấy có thể thúc đẩy công tác chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt hơn? Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hà Tuấn Trung – nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Thưa ông, việc Thanh tra Chính phủ đưa ra dự thảo quy định về mức thưởng lớn chưa từng có từ trước tới nay có thể giúp thúc đẩy công tác chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt hơn?

Ông Hà Tuấn Trung: Tôi nghĩ đó cũng là một chính sách tốt nhằm khuyến khích động viên những ai tích cực tham gia chống tham nhũng. Nhưng liệu chính sách này có thể trở thành hiện thực không, và có nhiều người tham gia không thì cũng chưa thể nói gì vào lúc này, bởi vì trong đấu tranh chống tham nhũng thì quan trọng nhất là tố cáo, sau đó cơ quan điều tra mới vào cuộc tìm ra các manh mối.

Tuy nhiên, việc tố cáo lâu nay bị vướng bởi vì chúng ta chưa có các chính sách tốt để bảo vệ người tố cáo một cách thật sự hiệu quả, do vậy nhiều người sợ “đấu tranh thì tránh đâu”. Đã nói tới chống tham nhũng thì cũng có nghĩa không phải tố cáo người bình thường, mà là tố cáo quan chức, những người có thể đang là thủ trưởng, cấp trên của mình. Vậy thì mình liệu có được yên ổn không? Con cháu mình, người thân của mình có bị trả thù không? Đó là những điều khiến cho người muốn tố cáo day dứt, băn khoăn.

Ông Hà Tuấn Trung - nguyên Ủy viên Ủy ban KTTƯ. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Hà Tuấn Trung - nguyên Ủy viên Ủy ban KTTƯ. Ảnh: Ngọc Quang.

Điều đó có nghĩa là những người đã và sẽ đứng ra tố cáo tham nhũng thực ra không phải vì tiền, thưa ông?

Ông Hà Tuấn Trung: Phần thưởng chỉ là một khía cạnh thôi, nhưng điều quan trọng là phải có các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, còn nếu bản thân mình không được đảm bảo an toàn thì rất khó để mà nghĩ đến đấu tranh. Tôi cũng tin rằng khi người ta đứng ra tố cáo tham nhũng không phải vì tiền, mà vì lẽ phải, vì muốn vạch mặt những kẻ cướp đội lốt cán bộ, đang bòn rút những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt của hàng triệu người dân.

Thưa ông, sau cả một quá trình dài đấu tranh phòng chống tham nhũng, kết quả thu được chưa thực sự đạt được sự kỳ vọng của nhân dân. Theo ông thì vì sao?

Ông Hà Tuấn Trung: Khi tổng kết 5 năm công tác, Ban phòng chống tham nhũng cũng đã đề cập tới vấn đề này. Họ nói là “đạt yêu cầu chưa cao”, nhưng theo tôi thì nói cho đúng phải là “chưa đạt yêu cầu”. Từ khi tổng kết đến bây giờ đã được 2 năm rồi, tôi thấy tình hình vẫn chưa thay đổi gì.

Tình trạng tham nhũng lan rộng ra nhiều lĩnh vực, trong đó có cả giáo dục, y tế, tình trạng sách nhiễu dân vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Ở đâu người dân cũng than phiền về cán bộ, nhưng kết quả chống tham nhũng chỉ tìm ra được các vụ nhỏ là không thỏa đáng. Vì vậy, có lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt thẳng câu hỏi: Có tham nhũng trong lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng không?

Vậy theo ông, để chống tham nhũng thực sự hiệu quả thì cần phải áp dụng các biện pháp gì?

Ông Hà Tuấn Trung: Có rất nhiều biện pháp phối hợp trong công tác chống tham nhũng, nhưng căn bản phải làm tốt hai vấn đề:

Thứ nhất, trong hệ thống luật, các văn bản từ trên xuống dưới phải tránh được sơ hở về đường lối, chính sách, cơ chế… không để bị lợi dụng. Mọi chính sách đưa ra phải công khai, minh bạch.

Thứ hai, nếu chính sách đã bị lợi dụng rồi mà phanh phui ra được thì phải xét xử thế nào? Điều này cũng rất quan trọng, vì qua đó sẽ giữ được uy tín của Đảng, của các cơ quan công quyền và có tính răn đe trực tiếp rất lớn.

Tuy nhiên, không ít trường hợp khi đã tìm ra kẻ tham nhũng thì lại xử nội bộ, hoặc có đưa ra tòa thì xử án treo. Trong khi đó, người dân có khi chỉ trộm vặt, giá trị tài sản vài ba triệu thì bị xử tù. Chuyện này đã được nhiều đồng chí đề cập tại các cuộc họp của Thường vụ Quốc hội và cả ở các kỳ họp Quốc hội. Hai thí dụ điển hình trên cũng lý giải vì sao người dân suy giảm niềm tin với bộ máy công quyền.

Ngoài ra, công tác chỉnh đốn Đảng cũng phải được thực hiện thường xuyên và quyết liệt hơn nữa. Chúng ta cũng biết rằng, Bác Hồ không coi chỉnh đốn Đảng là biện pháp tình thế mà là nhiệm vụ tất yếu và thường xuyên, để nhà nước ta thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Thưa ông, để chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt thì công khai và minh bạch là một trong những yếu tố cần thiết, nhưng lâu nay công tác kê khai tài sản lại chỉ làm chiếu lệ?

Ông Hà Tuấn Trung: Kê khai tài sản rồi thì phải công khai để nhân dân biết mà giám sát, chứ không phải kê ra cho có lệ rồi đút vào tủ. Kê khai rồi thì cơ quan phải có bộ phận kiểm tra xem có đúng không? Theo tôi, cơ quan phòng chống tham nhũng phải đưa tất cả các hồ sơ đó ra để xem xét có trung thực không, có cái nào là gian dối không? Làm được điều đó cũng có nghĩa là công tác phòng chống từ chính tổ chức sẽ phát huy hiệu quả, chứ không phải đợi đến khi báo chí chỉ rõ ra rồi thì mới vào cuộc. Tôi từng đề cập tới chuyện này trong một chương trình đối thoại về chính sách cách đây 2 năm rồi, nhưng người ta không tiếp thu đâu.

Hãy thử nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc để thấy họ đã xử lý tham nhũng rất mạnh, vừa rồi còn bắt cả cựu Bộ trưởng Bộ Công an và nhiều người thân của ông này, thu giữ tới hơn 14 tỷ USD. Tôi tin rằng phải làm mạnh tay như thế thì mới chống tham nhũng được.

Còn như bây giờ ở ta, ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - PV) lại bảo cái này của con, cái kia của bạn cho… rồi thì Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng bảo là tài sản đất đai của con, rồi chẳng việc gì, cũng không thấy cơ quan chức năng truy tới cùng vụ việc ấy.

Những quan chức nghỉ hưu có tài sản như ông Truyền cũng không phải ít, có lần ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã nói là cứ để ý mà xem, lãnh đạo nghỉ hưu là thấy có nhà to, xe hơi đẹp… nhưng có thấy truy xét đâu.

Nhiều người bảo là Ban phòng chống tham nhũng phải tích cực hơn nữa, còn tôi thì thấy các đồng chí hô khẩu hiệu mãi mà chưa thấy kết quả gì thật đáng kể.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)