Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Ông Nguyễn Bá Thanh: "Ai thiết tha đến Đà Nẵng thì cứ ở ngoại thành"

31/10/2012 11:57
Minh Anh
(GDVN) -Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 31-10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã phản ứng đối với những ý kiến trái chiều về sự “siết” người nhập cư vào nội đô Đà Nẵng. 
Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, vấn đề nhập cư, nhân dân có quyền tự do cư trú theo Hiến pháp là đúng nhưng phải còn có quyền tự do học hành, đi lại, khám chữa bệnh phải được đảm bảo. Việc tập trung quá nhiều người dân không có việc làm ổn định tại nội đô sẽ gây mất an ninh trật tự, tạo áp lực lớn lên hạ tầng… “Không thể để mấy hộ gia đình ở trong 24m2. Đà Nẵng chỉ hạn chế nhập cư vào nội thành chứ có hạn chế vào cả thành phố đâu. Người dân nào thiết tha đến với Đà Nẵng thì cứ ở ngoại thành. Luật chưa phù hợp thì sửa chứ cứ soi vào nghị quyết HĐND TP Đà Nẵng vậy”, ông Thanh nói.
Về kinh doanh xăng dầu, vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thẳng thắn nêu quan điểm: “Thấy dân la, báo chí phản ánh, Quốc hội kêu quá nhiều nhưng đến nay vẫn vậy. Vấn đề tạm nhập tái xuất xăng dầu có lợi cho đất nước thì làm mà dẫn đến buôn lậu tràn lan, lợi ích nhóm là không nên cho thực hiện. Cần chặn tạm nhập tái xuất….”.

Ông Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh


"Có trời mà biết"
Góp ý về quản lý điều hành xăng dầu, ông Thanh chia sẻ là rất khó, đặc biệt là hạn chế tiêu cực. “Việc cần làm ngay là chia nhỏ thị phần đầu mối cung cấp xăng dầu, không để tình trạng độc quyền quá lớn hiện nay. Đồng thời giảm thời gian lưu thông từ 30 ngày xuống 15 ngày. Dù Bộ Tài chính có binh hùng tướng mạnh thì cũng không có cách gì giám sát nổi họ dự trữ chính xác bao nhiêu ngày, có trời mà biết. Đây là cử tri nói rất nhiều, ảnh hưởng mấy chục triệu người”, ông Thanh nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói thẳng về vấn nạn nợ xấu: “Từ năm 2011, tôi đã phát biểu việc tái cơ cấu ngân hàng cần chú ý 2 vấn đề là lợi ích nhóm và nợ xấu. Đất nước đổi mới, phát triển cũng là từ ngân hàng và đất nước đổ vỡ, gây nên cảnh hỗn loạn cũng từ ngân hàng”. 
Bí thư Nguyễn Bá Thanh đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương “mổ xẻ”, bóc tách từng khoản của nợ xấu vì muốn xử lý cho được nợ xấu thì phải phân loại, làm rõ các doanh nghiệp nợ xấu bao nhiêu, tập đoàn, tổng công ty nợ xấu bao nhiêu. Nợ xấu bắt nguồn từ thị trường bất động sản “đóng băng” cũng xuất hiện từ chính nạn “hóa phép” tài sản, nâng khống tài sản lên nhiều lần để vay vốn ngân hàng gấp 5-10 lần nhưng thực tế khu đất được thế chấp chẳng ai mua và ngân hàng mất đứt tiền. Nhưng đương nhiên người đi vay và người xét hồ sơ cho vay cùng nhau đút túi chục tỷ đồng. 

Ông Thanh cho rằng, thực tế có nợ xấu và nợ quá xấu không bao giờ có thể xử lý nổi, thậm chí có nợ xấu nằm ở ngay các tập đoàn nhà nước. Dẫn ví dụ Công ty Xi măng Hạ Long của Tập đoàn Sông Đà, từ chỗ tổng mức đầu tư ban đầu là 4.000 tỷ đồng, quá trình thi công chậm 45 tháng tăng thêm trên 2.760 tỷ đồng; số vốn đi vay quá lớn, hơn 5.000 tỷ đồng, đến tháng 3-2012 lỗ trên 1.500 tỷ đồng... Tiếp đó là Công ty Xi măng Cẩm Phả cũng đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, sau 3 năm hoạt động cũng lỗ trên 1.200 tỷ đồng. “Đây chính bài học rõ ràng về nợ xấu”, ông Thanh nhìn nhận. 

Gắn nợ xấu với hàng tồn kho từ đất, xi măng, sắt thép, máy móc, nhà ở… ông Thanh nói: “Một đất nước còn nghèo mà tồn đọng cả trăm tỷ USD vào bất động sản là điều không thể chấp nhận. Việc cần làm là phải phân khúc lại thị trường bất động sản. Dự án có tính khả thi cao thì giãn nợ, khoanh nợ, cho vay mới để hồi phục làm thị trường ấm lên”.
Minh Anh