Ông Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với thiếu niên chậm tiến

13/07/2012 07:55
“Gặp nhau thì chào, làm sai thì xin lỗi, cho cái gì thì cảm ơn. Có ba cái chuyện bé tí mà nói miết làm cũng không được hỏi làm chi nên chuyện lớn”.
Bí thư Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với các bạn trẻ - Ảnh: Đ.Cường
Bí thư Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với các bạn trẻ - Ảnh: Đ.Cường
Ông Nguyễn Bá Thanh - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đã nói như thế vào sáng 12-7 với 176 thiếu niên chậm tiến trên địa bàn sau khi các em này được đi tham quan thực tế trại giam Hòa Sơn.

“Ở đời không ai không có sai lầm”

Ông Thanh nói: “Rồi các em sẽ thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè dè bỉu: Hui, cha mi là thằng cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn rồi”. Giọng ông trầm xuống: “Chú nói ở đời không ai không có sai lầm. Không phải dũng khí là vung nắm đấm hay vác dao ra xử”.
Ông ví von con trâu có sừng nhọn, mỗi lần húc nhau lòi ruột ra. Con người ta có ý chí, có ý thức nên không thể vì chuyện gì cũng vác dao ra đâm chết người. Rồi ông nói tiếp: “Mấy cháu đây chưa được dẫn lên trại 05-06 xem mấy người bị AIDS giai đoạn cuối. Cha mẹ đẻ ra chưa báo hiếu được gì, ham đua đòi chích hút rồi chết. Nhiều em là hảo hớn giang hồ, coi trời bằng vung...”.
Ông kể hôm rồi ông gặp đại ca đi tù sáu lần đang chạy xe thồ, giờ đã rửa tay gác kiếm. “Giờ các cháu có chịu “gác kiếm” không, hay không thắng nổi bản thân?” - ông hỏi cả hội trường.
Ông Thanh hóm hỉnh: “Thôi bữa trước đến nay chưa gặp chưa biết nhà tù như thế nào. Bữa nay đi tham quan biết rồi nhé”. Ông cũng lưu ý các ban, ngành không được để học sinh bỏ học, nếu bỏ phải biết lý do để giúp đỡ đi học lại. Nếu các em học không nổi thì chuyển sang học nghề, để biết đổ mồ hôi nước mắt kiếm tiền là gì. Đừng để nhàn cư vi bất thiện.
Ông Thanh cũng yêu cầu lập danh sách những em đã được giáo dục, nhưng nếu lớn lên tiếp tục phạm tội thì phạt không nương tay.
Ông Thanh đặt hàng thành đoàn, hội cựu chiến binh, công an TP phải thi đua với nhau.
Phải làm ngay từ ngày 16-7, nếu “ông nào cảm hóa được nhiều thiếu niên hư thì thưởng. Ông nhất thì 50 triệu, nhì 30 triệu, xếp thứ ba thì nghỉ chơi” - ông Thanh quả quyết.
Quay lại các thiếu niên, ông nói: “Còn các cô cậu thì tính từ hôm nay”. Ông tiếp lời: huyện Hòa Vang trước đây thuần lắm, nhưng năm năm trở lại đây sự hư hỏng tràn vào thôn xóm. Các vùng Hòa Quý, Hòa Hải của quận Ngũ Hành Sơn trước đây cũng tốt lắm, trẻ em lễ phép. Giờ cũng tập tành rượu chè, đánh nhau. Ông Thanh thẳng thắn: “Thương rất thương, thông cảm rất thông cảm nhưng cần rắn vẫn rất rắn”.
Các thiếu niên đặt câu hỏi với Bí thư Nguyễn Bá Thanh - Ảnh: Đ.Cường
Các thiếu niên đặt câu hỏi với Bí thư Nguyễn Bá Thanh - Ảnh: Đ.Cường
“Sung sướng mà không học nổi thì quá kém!”
Kết thúc phần nói chuyện, ông Thanh đề nghị tất cả thiếu niên có nhu cầu gì thì giơ tay, ông sẽ giải quyết ngay. Sau ít phút ngại ngùng, nhiều em đã mạnh dạn đứng lên.
Có chuyển biến tích cực
Theo Thành đoàn Đà Nẵng, lần đầu tiên ông Thanh nói chuyện với thiếu niên hư là tháng 9-2010 với 287 em tham dự và đã có 189 em tiến bộ. Lần này, ông Thanh nói chuyện với 176 em ở độ tuổi 12-18 tuổi. Sau buổi nói chuyện mỗi em còn được nhận quà trị giá 300.000 đồng/em.
Đại tá Nguyễn Đình Chính - phó giám đốc Công an Đà Nẵng - chia sẻ: “Buổi nói chuyện đầy tính nhân văn nên cần được duy trì thường xuyên. Sau đợt 1 đã có nhiều em tiến bộ hẳn. Bản chất các em không phải là xấu. Vì vậy cộng đồng, xã hội hãy cùng chung tay giúp các em làm lại cuộc đời”.
Em Đ.D. chia sẻ: “Cháu bỏ học từ năm lớp 10 do quậy phá, đánh bài và bị thầy giáo kỷ luật. Nay muốn đi học lại ạ”. Ông Thanh hỏi: “Đã chuẩn bị tinh thần, quyết tâm học lại chưa, chứ nghỉ học đi chơi cả năm rồi đi học lại chán lắm”. Sau khi nghe D. giải thích, ông Thanh quyết: “Chú đồng ý cho đi học lại”.
Em N.T.H. có cha mẹ ly hôn nên chán nản bỏ học năm lớp 8 rồi đi hoang. Giờ H. xin được đi học tiếp. Ông Thanh nói: “Chú đồng ý cho đi học. Gia đình còn khó khăn gì cần giúp đỡ nữa không?”. H. lí nhí nói: “Cháu chỉ cần vậy thôi”.
Nhiều thiếu niên đề đạt nguyện vọng cũng được giải quyết ngay lập tức. Em T.D.H. do sức khỏe yếu nên đi làm nghề điện lạnh thường bị mệt, nay xin được đi học nghề cắt tóc. Ông Thanh hỏi hoàn cảnh gia đình xong liền gật đầu. Còn em L.T. xin được hỗ trợ mua xe đạp để học nghề cắt tóc, ông Thanh cũng đồng ý.

Nhưng ông cũng dặn dò: “Ngày trước cháu đi ăn trộm sắt ở công trình cầu Rồng, có biết lỡ cầu sập thì hậu quả ra sao không?”. T. cúi mặt nói không biết và xin hứa không lặp lại. Còn em H.V.P.Q. có nguyện vọng xin được vào nhà máy nước làm. Ông Thanh hỏi ngược lại Q. là đã có nghề gì chưa, nếu chưa thì cho học phổ thông, sau đó học nghề. Có nghề rồi vô làm cũng chưa muộn.
“Hồi chú đi học phải nhịn ăn, viết bút bằng tre cũng ráng. Giờ các cháu được sung sướng mà không học nổi thì quá kém!” - ông Thanh dặn dò.
ĐOÀN CƯỜNG/Tuổi trẻ