Ông Nguyễn Hòa Bình: Vẫn còn oan sai trong giải quyết án hình sự

18/02/2016 15:30
Diệu Linh
(GDVN) - Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nêu nhược điểm của ngành kiểm sát trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành kiểm sát còn một số hạn chế, thiếu sót, đó là: trách nhiệm công tố trong một số vụ án chưa tốt; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; để một số trường hợp oan, sai trong quá trình giải quyết án hình sự.

Một số đơn vị chậm phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa; trình độ, năng lực, trách nhiệm công vụ của một bộ phận công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; còn để xảy ra một số cán bộ vi phạm phải xử lý kỷ luật, có cán bộ phải xử lý hình sự.

Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. ảnh: Trung tâm báo chí quốc hội.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. ảnh: Trung tâm báo chí quốc hội.

Báo cáo này cũng nêu rõ, các vụ án hình sự khởi tố giảm nhưng quy mô, tổ chức, tính chất ngày càng nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn cho xã hội. Các thế lực thù địch và tổ chức phản động tiếp tục lôi kéo những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và nội bộ Đảng.

Phát hiện nhiều vụ án lớn về tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các dự án có vốn đầu tư của nước ngoài; nhiều vụ làm thất thoát tài sản nhà nước số lượng rất lớn, gây bức xúc dư luận xã hội, tác động xấu đến môi trường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội...

Ông Nguyễn Hòa Bình: Vẫn còn oan sai trong giải quyết án hình sự ảnh 2

Bác Hồ nói: "Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra"

Tội phạm hoạt động theo băng, nhóm và sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm vẫn xảy ra ở một số địa bàn trọng điểm; xảy ra nhiều vụ án giết nhiều người, giết người rất dã man để chiếm đoạt tài sản.

Tội phạm về ma túy khởi tố giảm nhưng tính chất và quy mô ngày càng nghiêm trọng hơn; phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, liều lĩnh.

Các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động… tiếp tục tăng; xuất hiện nhiều tranh chấp có yếu tố nước ngoài; khiếu kiện hành chính diễn biến phức tạp, nhiều vụ liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội của Nhà nước.

Tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số vi phạm pháp luật đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng công tác.

Trong 4 năm, Viện kiểm sát các cấp đã: yêu cầu khởi tố 1.620 vụ án, (tăng 94,9%) so với kỳ trước; hủy 1.049 quyết định khởi tố bị can, 171 quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; yêu cầu thay đổi, bổ sung 316 quyết định khởi tố bị can; yêu cầu khởi tố 1.742 bị can (tăng 94,4%)... Các trường hợp bắt, tạm giữ về hình sự phải xử lý hành chính, trả tự do giảm 1,7% so với nhiệm kỳ trước.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đồng thời nêu thành tích: Đôn đốc, chỉ đạo Viện kiểm sát cấp dưới đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo, điển hình như các vụ án xảy ra tại: Vinashine; Vinaline; Công ty cho thuê tài chính 2; Ngân hàng ACB; Vietinbank...

Chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình; một số vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, điển hình như vụ: Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội).

Diệu Linh