Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi tin lời Chủ tịch nước

04/12/2014 07:05
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu quan điểm sau hàng loạt tuyên bố mới đây của Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa đưa ra hàng loạt tuyên bố đáng chú ý về việc chống tham nhũng trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của mình về các phát ngôn này.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc giữa tổ đại biểu Quốc hội số 1 – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với cử tri Q.4, TP.HCM để báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: “Các vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ cấp cao sẽ được giải quyết tuần tự, công bố công khai trên báo chí”. Trong bối cảnh hiện nay, ông có bình luận gì về phát biểu trên của Chủ tịch nước?

Ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ảnh: TT)
Ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ảnh: TT)

Chủ tịch nước đã phát biểu như thế nhất định là phải có cơ sở để cho nhân dân tin. Cá nhân tôi cũng rất tin tưởng vào tuyên bố trên và tôi cho rằng việc này không thể chậm trễ, nhất là trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (sẽ được tổ chức vào quý I-2016 tới). Cần tránh tình trạng lúc bấy giờ có nhiều việc này, việc khác lại cho rằng vì thời gian có hạn nên chưa xác minh, chưa đánh giá được vị cán bộ cấp cao nào đó có tham nhũng, tiêu cực hay không.

Từ trước tới nay chúng ta thường hay băn khoăn trước những tuyên bố như vậy bởi nói thật là chúng ta làm chưa được bao nhiêu. Có thể ví von rằng trong việc chống tham nhũng, xưa nay chúng ta mới chỉ tắm từ vai, từ lưng tắm xuống nên người dân khó tin. Còn hiện tại, chúng ta đã và đang chống tham nhũng với những người có sai phạm ở bất kỳ vị trí nào nên người dân đã có sự tin tưởng hơn trước. Đó là điều tốt.

Và tôi tin rằng tới đây, Trung ương sẽ chỉ đạo theo tinh thần ấy. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cũng là việc nhằm khắc phục cái ta thường gọi là giặc nội xâm. Nên nhớ giặc nội xâm nhiều khi còn nguy hơn cả ngoại xâm. Nếu xử lý triệt để được chuyện này sẽ giúp củng cố niềm tin của dân với Đảng. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế phức tạp như hiện nay, chỉ khi có niềm tin, người dân mới thực hiện tốt mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước đề ra.

Ai cũng mong cấp trên – các lãnh đạo cấp cao không tham nhũng, tiêu cực, nhưng qua hàng loạt vụ án lớn như vừa qua chẳng hạn vụ ông Trần Văn Truyền – Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, người ta đã rút ra được nhiều bài học sâu sắc. Một trong số đó là: Trong việc quản lý cán bộ, lãnh đạo các cấp đều có cơ quan để theo dõi, kiểm tra, quản lý cán bộ, nhưng từ dưới trở lên, chỗ nào cũng thấy các anh ấy có mắc khuyết điểm, nhưng bây giờ mới tìm ra được.

Phải khẳng định thêm rằng, những người đã gánh vác công việc của Đảng, của Nhà nước dù có công bao nhiêu, nhưng nếu có những khuyết điểm như thế thì cũng trở thành đối lập với nhận thức, đòi hỏi của nhân dân và người dân tất nhiên không thể chấp nhận chuyện đó.

Theo ông, vì sao việc thu hồi tài sản do tham nhũng còn thấp?

Nói thẳng là vạch ra tham nhũng đã khó nên thu hồi chậm trễ là chuyện dễ hiểu. Hơn nữa, nếu vụ nào người ta cũng làm đến nơi đến chốn thì sẽ có kinh nghiệm hơn. Còn việc vì sao không thu hồi tài sản tham nhũng thì là do ý thức chỉ đạo không kiên quyết của những người có trách nhiệm. Lẽ ra sai đến đâu thì phải giải quyết ngay tới đó, họ lấy của dân bao nhiêu thì phải trả lại bấy nhiêu. Riêng với việc tham nhũng, phải làm rất rõ ràng chứ xử qua loa là không được.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh rằng tham nhũng đã thành bè cánh, bao che cho nhau. Ông có nghĩ vậy không?

Vụ thu hồi nhà, đất của ông Trần Văn Truyền - Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã tăng thêm niềm tin của Dân vào Đảng (Ảnh: TT)
Vụ thu hồi nhà, đất của ông Trần Văn Truyền - Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã tăng thêm niềm tin của Dân vào Đảng (Ảnh: TT)

Đảng cũng đã đánh giá là có lợi ích nhóm. Điều đó cũng thể hiện có chuyện người này câu kết với người kia – tức là bè cánh, có sự bao che trên – dưới. Tình trạng này có phổ biến hay không thì chưa dám nói, nhưng qua một số vụ án lớn ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, điều đó đã được thể hiện rõ.

Rõ ràng, tham nhũng đã làm thiệt hại ghê gớm về mặt uy tín cho Đảng, về kinh tế cho đất nước, gây mất lòng tin trong nhân dân. Theo ông, chúng ta có nên mở chiến dịch “săn tham nhũng” để lấy lại niềm tin trong nhân dân như đề xuất của nhiều cử tri TP. HCM với Chủ tịch nước không?

Ngày còn giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi từng nói rằng, Mặt trận nên coi việc chống tham nhũng, việc tiêu diệt loại giặc nội xâm này là một chương trình lớn, một cuộc vận động lớn của toàn Đảng, toàn Dân.

Nếu có một cuộc vận động như thế, gộp sức mạnh của toàn Đảng, toàn Dân, chắc chắn việc chống tham nhũng sẽ mang lại kết quả tốt hơn đúng như lời Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Cần phải có một cuộc vận động như thế để mọi người ra tay, đừng sợ chuyện đánh chuột vỡ bình.

Theo ông, chúng ta có nên bắt đầu chiến dịch này bằng việc công khai, minh bạch tài sản của cán bộ?

Giờ mới bắt đầu từ chuyện đó là quá muộn. Từ trước đến nay chúng ta cũng đã làm, nhưng toàn làm qua loa, đại khái nên không có kết quả như mong đợi. Ngay cả với những người đã về hưu, nếu có những thiếu sót, khuyết điểm mà bây giờ mới tìm ra được, cũng cần phải xem xét, xử lý. Không nên bao che cho họ, dù rằng chúng ta phải có cách làm sao cho phù hợp.

Để người dân ra sức chung tay vào chiến dịch này, một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để bảo vệ được những người quyết liệt chống tham nhũng thưa ông?

Pháp luật đã quy định khá đầy đủ về việc này rồi. Theo tôi, sở dĩ người dân còn chưa dám mạnh dạn nói là bởi chỉ đạo của chúng ta chưa tốt. Hơn nữa, khi tiếng nói chống tham nhũng còn chưa rõ, người ta cũng ngại.

Đã đến lúc cần tập trung vận động nhân dân thi đua yêu nước, bảo vệ Tổ quốc mà một trong số những nhiệm vụ cần hướng tới là tập trung chống tham nhũng, quan liêu, xa dân…Tôi rất trăn trở điều này: các cơ quan giám sát không nên để đến khi dân tố cáo, báo chí phản ánh mới biết có cán bộ tham nhũng bởi điều đó chứng tỏ tổ chức của chúng ta yếu.

Thế còn nhiệm vụ giải quyết tận gốc đặc quyền, đặc lợi thì sao thưa ông?

Đặc quyền, đặc lợi là một mặt khác của tham nhũng mà không người dân nào chấp nhận được. Tôi nghĩ cùng với chống tham nhũng, những quy định, chính sách nào mang tính đặc quyền, đặc lợi cho cán bộ cần phải bị bãi bỏ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN