Ông Vũ Mão: "Cần đổi mới thực chất vai trò lãnh đạo của Đảng"

02/02/2015 06:31
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Những quy định chung chung dẫn đến hệ quả Trung ương chưa làm tròn trách nhiệm của mình, nếu để tình trạng này kéo dài thì rất không tốt cho Đảng ta.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 85 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII, IX, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội về những vấn đề cấp thiết cần đổi mới, để Đảng luôn xứng đáng giữ vai trò tiên phong, lãnh đạo nhà nước và nhân dân.

Theo ông, từ khi thành lập tới nay, Đảng ta đã làm được gì và còn điều gì cần phải tiếp tục sửa đổi?

Ông Vũ Mão: Tôi chia quá trình lãnh đạo của Đảng ta làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là từ khi thành lập (3/2/1930) cho tới khi kết thúc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975). Giai đoạn thứ hai từ sau giải phóng đến nay.

Trong cả giai đoạn 45 năm đầu tiên, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám và thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh đuổi các thế lực thực dân, đế quốc để đất nước hoàn toàn độc lập.

Trong giai đoạn sau năm 1975 đến nay, Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước giành được nhiều thành tựu quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, từ một quốc gia đói nghèo Việt Nam đã vươn lên xuất khẩu lúa gạo đứng nhất nhì thế giới. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện và đặc biệt là an ninh chính trị luôn được giữ vững.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thật rằng, với tiềm lực của đất nước thì đáng lẽ chúng ta còn phải phát triển hơn bây giờ. Nếu so sánh với một số quốc gia cũng khó khăn như chúng ta ở cùng thời điểm đó thì giờ đây thu nhập bình quân GDP của họ hơn nước ta tới mấy lần, thậm chí là mấy chục lần.

Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình, khẳng định những mặt làm được, phân tích rõ những sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là khuyết điểm chủ quan, duy ý chí trong lãnh đạo kinh tế.

Ở các kỳ đại hội sau này, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế, tuy vậy kết quả đạt được trong điều hành công việc thực tế vẫn còn ở một khoảng cách khá xa so với mong muốn của nhân dân. Đảng ta cần phải thắng thắn chỉ rõ những gì còn tồn tại tại Đại hội XII, và hơn thế nữa là phải chỉ rõ được biện pháp khắc phục.

Ông Vũ Mão cho rằng, cần đổi mới Điều lệ Đảng để phù hợp với tình hình mới, nhằm tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Mão cho rằng, cần đổi mới Điều lệ Đảng để phù hợp với tình hình mới, nhằm tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Ảnh: Ngọc Quang.

Thế còn vấn đề chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với cán bộ là Đảng viên thì sao, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Những năm gần đây, chúng ta đã nghe nhiều về vấn đề xây dựng Đảng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, chống tham nhũng với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan công quyền. Năm nào các báo cáo cũng chỉ ra rằng, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được một số hiệu quả, chưa đạt đáp ứng được lòng mong muốn của nhân dân. Vậy thì bao giờ kết quả chống tham nhũng mới đáp ứng được mong đợi của nhân dân? Tôi thấy chưa ai trả lời dứt khoát về chuyện này.

Phải nói thẳng rằng, chống tham nhũng, chống chạy chức chạy quyền là phải nhằm vào một nhóm cán bộ Đảng viên đang giữ các vị trí cao trong hệ chống chính quyền, chứ còn Đảng viên là cán bộ công nhân viên chức bình thường thì họ làm gì tham nhũng được. Vì vậy, trong công tác điều hành, nhất là trong công tác tuyển chọn và đào tạo cán bộ, Đảng ta cần phải thật nghiêm túc, thật chính xác, phải minh bạch thì mới giữ được lòng tin của nhân dân. Còn nếu chỉ nói cho hay mà thực tế lại chẳng làm được bao nhiêu thì dân sẽ mất lòng tin, các thế lực phản động sẽ tận dụng cơ hội phá hoại đất nước ta.

Vậy ông mong muốn Đại hội Đảng XII tới đây sẽ có những đột phá gì?

Ông Vũ Mão: Tôi mong Đảng có sự thay đổi thực sự mạnh mẽ, nếu làm được thì tôi tin nhân dân sẽ nhất loạt ủng hộ một cách thực tâm, chứ không phải là hô khẩu hiệu nhưng trong lòng thì vẫn còn ngờ vực. Muốn vậy thì Đảng ta phải nâng cao tính dân chủ, nó cũng hoàn toàn phù hợp với tình hình mới đang hướng tới là xây dựng nhà nước pháp quyền. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì lý luận phải soi đường. Và theo tôi, trong tình hình mới hiện nay nếu lạc hậu về lý luận thì ngọn cờ lãnh đạo của Đảng sẽ bị ảnh hưởng, đó là một nguy cơ.

Từ đó, chúng ta phải đặt ra sự đổi mới trong xây dựng Đảng, mà điều đầu tiên (quan trọng nhất) chính là phải có Điều lệ Đảng thật sự phù hợp với tình hình mới.

Tôi xin nêu thí dụ cụ thể, trong Hiến pháp 2013, Điều 70 nói rất rõ Quốc hội có 15 nhiệm vụ quyền hạn. Điều 74 nói rõ Uỷ ban thường vụ Quốc hội có 13 nhiệm vụ quyền hạn. Điều 96 nói rõ Chính phủ có 8 nhiệm vụ và quyền hạn.

Còn với những vị trí lãnh đạo cụ thể, Hiến pháp cũng nói rõ tại Điều 88, Chủ tịch nước có 6 nhiệm vụ và quyền hạn. Thủ tướng Chính phủ cũng có 6 nhiệm vụ quyền hạn tại Điều 98.

Tuy nhiên, đối với hoạt động của Đảng thì chưa rõ ràng cụ thể. Thí dụ, trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều 16 quy định:

1. Ban Chấp hành Trung ương tổ chức chỉ đạo thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các Nghị quyết của Đại hội; quyết định những chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại, công tác quần chúng và công tác xây dựng Đảng; chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng nhiệm kỳ tiếp theo, Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường (nếu có).

2. Ban Chấp hành Trung ương căn cứ tình hình thực tế quyết định chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới.

3. Ban Chấp hành Trung ương họp thường lệ sáu tháng một lần; họp bất thường khi cần.

Tiếp theo, Điều 17 quy định:

1. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số Uỷ viên Bộ Chính trị; thành lập Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư, một số Uỷ viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số Uỷ viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; bầu Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong số Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Số lượng Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư và Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

2. Bộ Chính trị lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương; báo cáo công việc đã làm trước hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương. 

3. Ban Bí thư lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng : Chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chỉ đạo sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; quyết định một số vấn đề về tổ chức, cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương; chỉ đạo hoặc kiểm tra việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị thảo luận và quyết định.

Những quy định chung chung như thế dẫn đến hệ quả Trung ương chưa làm tròn trách nhiệm của mình, nếu để tình trạng này kéo dài thì rất không tốt cho Đảng ta.

Theo tôi, rất cần thiết phải có sự đổi mới, cần phải nói rõ trách nhiệm của từng cá nhân và tập thể. Cụ thể, cần phải nói rõ Ban chấp hành Trung ương có bao nhiêu nhiệm vụ và quyền hạn? Bộ Chính trị có bao nhiêu nhiệm vụ và quyền hạn? Tổng Bí thư có bao nhiêu nhiệm vụ và quyền hạn?

Phải làm rõ như vậy chính là để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và cũng chính là để xây dựng Đảng ta vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo nhân dân được tốt hơn trong giai đoạn tới. Đấy chính là vấn đề dân chủ trong xây dựng Đảng mà người dân sẽ rất quan tâm.

Ngoài ra, tôi cũng quan tâm tới vai trò lãnh đạo của Đảng với Quốc hội (thực chất là mối quan hệ của Ban chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị với Quốc hội). Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy để không hình thức thì Đảng có thể nêu các vấn đề để Quốc hội bàn, sau đó có sự trao đổi qua lại rồi mới quyết định. Sự thận trọng ấy chính là thể hiện vai trò lãnh đạo tối cao của Đảng, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng quyền của nhân dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)