Ông Vũ Mão: "Nhân dân rất công bằng khi đánh giá lãnh đạo"

20/02/2015 06:05
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Vũ Mão: "Tôi mong rằng sang năm Ất Mùi, chúng ta cần đổi mới hơn nữa công tác cán bộ trong khâu tuyển chọn và quản lý".

LTS: Nhân dịp đón xuân Ất Mùi, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã chia sẻ với độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam góc nhìn của ông về người cán bộ cách mạng, đó là phải là cán bộ tận tụy, trung thực, thẳng thắn... việc gì có lợi cho dân phải quyết làm cho bằng được.

Trân trọng gửi tới quý độc giả.

Người lãnh đạo phải có tầm nhìn và phong cách quyết liệt

Qua các giai đoạn cách mạng của nước ta, tôi thấy rằng thực tiễn cách mạng là trường học giúp cho cán bộ cống hiến và trưởng thành. Người cán bộ tắm mình vào cuộc sống, gần gũi và thấu hiểu nỗi khổ của người dân, qua đó  rèn luyện cho mình một phong cách lãnh đạo, đi đến cùng trong từng nhiệm vụ được giao.

Nhìn trở lại quá khứ, chúng ta sẽ thấy có đồng chí Kim Ngọc - Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú đã hiểu được những trăn trở của người dân, mạnh dạn đưa ra chủ trương phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Người ta gọi ông là "cha đẻ của khoán hộ". Chúng ta biết rằng, việc làm của đồng chí Kim Ngọc là rất mới, chưa có tiền lệ, lúc đầu gặp không ít khó khăn, thậm chí sự phê phán nặng nề của cấp trên. Nhưng nó lại phù hợp với quy luật, được lòng dân nên đã được chấp nhận và được áp dụng rộng rãi trên cả nước, sau này quen gọi là "khoán mười". Nếu không phải vì có tâm với nhân dân thì đồng chí đâu đưa ra một quyết định mới như vậy.

Từ tư duy đổi mới như vậy, đồng chí Kim Ngọc đã góp phần rất lớn vào sự thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam, từ cơ chế cũ kỹ lạc hậu chuyển sang một diện mạo mới, rồi theo đà phát triển chúng ta đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo trong những năm qua.

Ông Vũ Mão: "Lãnh đạo được coi là thành công nếu hình ảnh của họ sống trong lòng dân". ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Mão: "Lãnh đạo được coi là thành công nếu hình ảnh của họ sống trong lòng dân". ảnh: Ngọc Quang.

Những đồng chí ở cấp cao hơn nữa như đồng chí Võ Chí Công - nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, là người có công rất lớn trong “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (quen gọi là khoán 100). Trong bài “Con người có mặt đúng lúc lịch sử có nhu cầu”, đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương ca ngợi: “Đồng chí Võ Chí Công là người đến đúng lúc và đúng nơi cần một người giàu kinh nghiệm, sát cuộc sống quần chúng, ghét lý thuyết viễn vông, có điều kiện đề xuất một giải pháp có tính đột phá để đưa đất nước qua cơn hiểm nghèo”.

Trong tiến trình đổi mới, chúng ta cũng không quên những đóng góp của đồng chí Đoàn Duy Thành khi là Bí thư Thành uỷ Hải Phòng rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Vào năm 1980, đồng chí Đoàn Duy Thành đã tạo ra “Hiện tượng Hải Phòng”. Đồng chí đã chỉ đạo và tổ chức đắp đập Đình Vũ và đắp đê đường 14, lấn ra biển một diện tích ngang với huyện Tiên Lãng. Từ việc đắp đê đường 14 đã thành lập thêm được hai xã; để ghi nhớ công lao của Đoàn Duy Thành, nên đã đặt tên xã mới là Hải Thành và Tân Thành.

Năm 1986, dân ta mất mùa liên tiếp, hàng hoá khan hiếm, lạm phát lên vài chục lần, nền kinh tế trong nước đang đứng trên bờ vực thẳm. Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, để kiềm chế lạm phát thì Việt Nam cần phải có 1,7 - 3 tỷ USD, và trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại thương, đồng chí Đoàn Duy Thành đã giải quyết hợp lý khâu nhập khẩu vàng để xử lý tình huống khó khăn của nền kinh tế.

Đồng chí cũng là người mạnh dạn đổi mới công tác xuất nhập khẩu, phân cấp, giao các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang các Bộ chuyên ngành; xóa bỏ độc quyền ngoại thương; giao cho các doanh nghiệp trực tiếp được xuất nhập khẩu vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20.

Rồi đồng chí Võ Văn Kiệt cũng là người rất nổi tiếng với tư duy đổi mới, quyết liệt, sẵn sàng lao vào việc khó. Đồng chí là người có chủ trương và phát lệnh khởi công xây dựng đường dây 500kv từ Hòa Bình tới TP.HCM vào năm 1994, và công trình này đã giải quyết được cơ bản tình trạng mất điện ở miền Trung và miền Nam trong giai đoạn đó.

Nhớ đến đồng chí Võ Văn Kiệt, chúng ta cũng không quên những phát biểu nổi tiếng của ông, trong đó phải kể tới câu nói: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả".

Các đồng chí ấy đã lăn lộn nhiều năm ở cơ sở, luôn luôn gần dân, sát dân, cho nên khi nghe được những thông tin bất lợi cho dân thì xuống ngay cơ sở xem xét và giải quyết ngay, đồng thời đưa phong trào quần chúng cách mạng lên rất cao. Những đồng chí quyết liệt, dám nghĩ dám làm như vậy sẽ sống mãi trong lòng dân, được lịch sử nước nhà ghi nhận.

Cần có tranh cử, kể cả đối với nhân sự cấp cao

Chúng ta vừa tiễn đưa đồng chí Nguyễn Bá Thanh về thế giới bên kia với lòng thương tiếc vô hạn. Nguyễn Bá Thanh là con người gần dân, sát dân và làm được nhiều việc quan trọng phục vụ cho đời sống của nhân dân Đà Nẵng. Vì vậy chúng ta thấy được tình cảm của nhân dân Đà Nẵng dành cho anh rất đặc biệt. Mặc dầu tôi vẫn hiểu được rằng không ai là hoàn mỹ.

Đối với cấp quản lý ngành hiện nay thì có những đồng chí sau một thời gian tích cực cũng đã làm tốt nhiệm vụ và tạo được uy tín như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hay Bộ trưởng Đinh La Thăng. Đây đều là hai cán bộ đã có thời gian trải nghiệm qua thực tế địa phương. Nếu như anh Vinh lên miền núi và lăn lộn ở nông trường để từ đó trưởng thành lên thì anh Thăng cũng trưởng thành từ Công trường Thanh niên cộng sản Sông Đà.

Để đi đến được những thành công thì có rất nhiều yếu tố, nhưng điều quan trọng những lãnh đạo này có tư duy tốt, có phương pháp tư tưởng đúng, biết tiếp thu, biết sửa chữa những gì là khiếm khuyết của cá nhân mình. 

Người xưa nói rằng "trung ngôn nghịch nhĩ". Ngày nay, ta nói “cần có phản biện”. Triết lý này rất hay, vì có phản biện thì xã hội mới phát triển được. Ngày xưa, hậu hoạ của “trung ngôn nghịch nhĩ” thật khó lường. Ngày nay, nhân dân có phản biện cũng là thật lòng nên người lãnh đạo lắng nghe và sửa chữa thì rất tốt. uy tín sẽ càng tăng lên.

Làm người lãnh đạo cũng phải quyết liệt, phải mạnh dạn làm tới cùng để sửa chữa cái sai và đưa công việc đạt đến hiệu quả. Nhân dân rất công bằng khi nhìn nhận đánh giá người lãnh đạo. Theo tôi thành công lớn nhất của người lãnh đạo là tiếng thơm của họ sống trong lòng dân. Cái đó quan trọng hơn chức tước, quyền lực, bổng lộc rất nhiều.

Về việc nhìn nhận, đánh giá cán bộ lâu nay thường là nhìn vào lý lịch, bằng cấp, học hàm học vị. Người ta hay nhìn vào hồ sơ xem trình độ học vấn thế nào, học ở đâu, đã luân chuyển chưa... Những yếu tố này rất cần, nhưng không phải là quyết định. Để đánh giá cán bộ công bằng thì nên có thi tuyển để cọ sát, tạo sự cạnh tranh công bằng. Như vừa rồi Bộ Giao thông vận tải hoặc một số tỉnh đã tổ chức là cần thiết, nhưng cần hoàn thiện hơn nữa.

Theo tôi, từ việc tổ chức thi tuyển ấy, chúng ta cần nghiên cứu để sớm tiến tới đổi mới thực sự trong công tác nhân sự cấp cao. Nếu chúng ta làm được như vậy thì sẽ đảm bảo được 3 yếu tố: Thứ nhất, phát huy tính dân chủ, vì cán bộ là để phục vụ nhân dân thì trước khi được bố trí vào vị trí ấy, nhân dân phải biết những ứng viên đó có xứng đáng không. Thứ hai việc công khai danh tính các ứng viên từ đầu sẽ tránh được chạy chức, chạy quyền, vì các ứng viên sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng bằng chính tài năng của mình thông qua Chương trình hành động đích thực. Thứ ba, qua việc công khai như vậy thì sẽ hạn chế tối đa chuyện bỏ lọt nhân tài.

Tôi nêu lên các kiến nghị như trên không phải là vô căn cứ, vì vào khóa VIII năm 1988 đã diễn ra chuyện tranh cử chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (khóa VIII) giữa đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Võ Văn Kiệt. Điều đó cho thấy ngay từ thời kỳ ấy chúng ta đã nỗ lực để đổi mới trong công tác chọn cán bộ cấp cao, nhưng đáng tiếc là sau này lại không duy trì được dấu son ấy.

Ngọc Quang