Ông Vũ Mão: Phải công khai tên người chây ì không trả nhà công vụ

16/09/2014 06:54
Ngọc Quang
(GDVN) - Rất nhiều nhà công vụ đang bị cán bộ đã nghỉ hưu chiếm dụng, tự ý sửa lại cảnh quan cho con cháu ở, thậm chí cho thuê... đó là một dạng tham nhũng cần loại bỏ.

Gây mất uy tín của cán bộ, của tổ chức và của Đảng

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tiếp tục đề cập tới sự việc nhiều cán bộ đã nghỉ hưu chiếm dụng nhà công vụ tạo ra nhiều bức xúc trong dư luận. Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, hiện tượng cán bộ nghỉ hưu không trả nhà công vụ đã diễn ra từ hơn chục năm trước.

“Tôi có thể chỉ ra hàng chục trường hợp cán bộ ở ngay Hà Nội khi nghỉ hưu đã cố tình chiếm dụng nhà công vụ, tìm mọi cách thoái thác không trả cho nhà nước. Họ không nghèo, nhưng vẫn tham lam, đặt lợi ích riêng lên trên cả tập thể”, ông Vũ Mão thẳng thắn cho biết.

Ông Vũ Mão đánh giá, để xảy ra quá nhiều sự việc như vậy và cho tới nay cơ quan chức năng mới loay hoay tìm các biện pháp giải quyết là quá chậm chạp, trong đó có cả sự cả nể, vì thường những người sử dụng nhà công vụ là cán bộ cấp cao, thế hệ lãnh đạo bây giờ lại có thời gian là cấp dưới hoặc cũng có những mối quan hệ qua lại nên ngại đụng chạm đến lãnh đạo cũ.

“Trên thực tế thì nhiều năm trước đây có cả những trường hợp nhà công vụ đã được cấp hẳn cho gia đình một số cán bộ (tức là nhà công cho phép chuyển thành nhà tư), đấy là một chuyện không hay và rất may là sau này thì không còn những chuyện như vậy. Nhưng rõ ràng từ một số trường hợp không hay ấy sẽ tạo ra tác động tiêu cực, nhiều người khác sẽ nhìn vào đó và nghĩ rằng, người khác giữ được thì mình cũng giữ được, chẳng tội gì mà phải trả”, ông Mão cho biết thêm.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Những trường hợp cố tình chây ì không trả nhà công vụ cần nêu tên công khai trên báo chí. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Những trường hợp cố tình chây ì không trả nhà công vụ cần nêu tên công khai trên báo chí. Ảnh: Ngọc Quang.

Nhà nước luôn có những chính sách ưu tiên tốt nhất cho những cán bộ nhận các vị trí công tác quan trọng tại trung ương, mà điều đó thể hiện rất rõ qua việc cấp nhà công vụ cho cán bộ sử dụng. Tuy nhiên, sau khi nghỉ hưu thì nhiều vị không muốn trả lại nhà, trong đó có những trường hợp sửa mới để cho con cháu ở, hoặc cho thuê, thậm chí có cả những căn nhà bị khóa cửa trong thời gian dài không sử dụng, nhưng cũng không bàn giao trả lại nhà nước.

Ông Vũ Mão nói: “Rõ ràng việc chây ì không trả nhà công vụ cũng là một dạng tham nhũng, nó làm mất uy tín của chính cán bộ đó và làm mất uy tín của tổ chức, của Đảng, nhưng trong luật lại chưa có quy định chi tiết sẽ xử lý những trường hợp này thế nào. Vì vậy, tôi cho rằng, trong Luật nhà ở sửa đổi đưa ra Quốc hội tới đây phải nói rõ chuyện này. Phải đề ra những chế tài cụ thể để thu hồi lại tài sản của nhà nước, cán bộ không thể lợi dụng sự ưu đãi của nhà nước để làm bừa, tạo thêm những cái nhìn không thiện cảm về cán bộ của Đảng”.

Nêu tên công khai trên báo chí

Theo ông Vũ Mão, khi đưa các quy định cụ thể hơn về việc quản lý nhà công vụ vào luật, rất cần phân loại chi tiết: Cán bộ cấp nào thì được ở nhà công vụ? Chức vụ nào thì được ở nhà công vụ bao nhiêu mét? Thời hạn sử dụng là bao nhiêu năm? Nếu hết thời gian mà cán bộ còn đang công tác thì gia hạn căn cứ trên tuổi công tác và thực tế thời gian công tác (với một số vị trí đặc thù), chứ không thể giao một cách thoải mái như vừa qua và chẳng có thời hạn nào yêu cầu phải trả.

“Tôi biết là có nhiều cán bộ được chế độ ở nhà công vụ nhưng họ ở nhà riêng. Tôi cũng biết là trên thực tế còn có cả những cán bộ có nhà ở đàng hoàng nhưng lại cho thuê rồi xin nhà công vụ. Ngoài ra, chúng ta nên tính tới một giải pháp nữa, đó là khoán gọn chi phí thuê nhà cho cán bộ và phân cấp cụ thể cán bộ cấp nào thì hưởng nhà thuê loại nào. Như vậy khi anh hết hạn công tác thì không còn hưởng chế độ này nữa. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán xem khi cán bộ đã có nhà ở rồi thì có được hưởng chế độ nhà công vụ hay cấp tiền thuê nhà nữa không?

Những người được sử dụng nhà công vụ là những người có chức quyền, có thu nhập khá hơn so với mặt bằng chung của xã hội, cho nên cần phải tính toán lại thật kỹ chính sách này, tránh gây ra thêm những điều tiếng xấu trong dư luận”, ông Vũ Mão đặt vấn đề.

Cũng theo ông Vũ Mão, những hành động không đẹp như vậy của nhiều vị cán bộ (đã nghỉ hưu) ít nhiều đã gây ra hiệu ứng xấu với những thế hệ trẻ, vì vậy giải quyết rốt ráo câu chuyện chiếm dụng nhà công vụ không chỉ là việc các cơ quan chức năng phải làm để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, mà điều đó còn giữ gìn sự công bằng trong xã hội, không thể để xảy ra chuyện nghỉ hưu rồi cũng tham nhũng, làm xấu đi hình ảnh của Đảng.

“Có ý kiến cho rằng cán bộ nghỉ hưu nếu chưa có nhà ở thì nhà nước có thể tạo điều kiện để họ được mua nhà ở xã hội giống như nhiều người dân khác với những chế độ ưu tiên nhất định, tôi thấy đấy cũng là một điều kiện tốt. Tuy nhiên, qua những trường hợp mà tôi biết thì họ chây ì chiếm dụng nhà công vụ cũng chẳng nghèo khó tới mức ấy, chẳng qua là họ tham, cứ như vậy thì rồi sẽ đến lúc chẳng còn nhà công vụ nữa. Theo tôi, khi cán bộ đã nghỉ hưu chỉ cho một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị chuyển ra khỏi nhà công vụ, những trường hợp chây ì phải nêu tên công khai trên báo chí và các phương tiện truyền thông, đồng thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tài sản cho nhà nước”, ông Mão bày tỏ.

Ngọc Quang