Vụ tai nạn giao thông làm 11 người chết:

PCT tỉnh Khánh Hoà kiểm tra tin phải đóng tiền mới được đưa đi cấp cứu

10/03/2013 11:19
Tuệ Minh
(GDVN) - Lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà cho biết sẽ cho kiểm tra thông tin: sau vụ tai nạn thảm khốc ngày 8/3, người bị nạn phải đóng tiền mới được đưa đi cấp cứu.
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà cho biết chưa nhận được thông tin rằng, trong vụ tai nạn thảm khốc đó, người bị nạn phải đóng tiền mới được đưa đi cấp cứu và khẳng định sẽ cho kiểm tra ngay thông tin mà báo chí đã phản ánh. 

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Báo PL&XH)
Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Báo PL&XH)

Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân, ông Hải cho rằng chẳng ai lại có thể làm chuyện đó trong thời điểm mọi người đang tập trung cứu những người bị nạn sau tai nạn thảm khốc như thế.

“Về việc xử lý hậu quả vụ việc này, phía công an đang điều tra. Về giao thông đã ổn thoả. Hiện những người bị thương đã được chuyển sang các bệnh viện khác để công tác chữa trị được tốt hơn. Số người tử vong được đưa về Nha Trang”, ông Hải cho biết.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hoà Trương Tấn Minh cho hay: “Cho đến thời điểm này, các bệnh nhân được miễn phí hoàn toàn, không thu bất kỳ khoản phí nào. Khi các nạn nhân được đưa vào viện thì đều được cấp cứu kịp thời và không thu viện phí. Và chỉ đạo từ phía lãnh đạo UBND tỉnh cũng là không thu viện phí của các nạn nhân”.

Nhưng trước thông tin báo chí phản ánh như vậy, ông Minh cũng cho biết sẽ cho kiểm tra lại thông tin này.

Trước đó, báo Pháp luật&Xã hội đưa tin, chiều 8/3, ông Diêm Khắc Thời, Đội trưởng Đội điều trị 486, Vùng D Hải quân (đóng tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh) cho biết, sau khi vụ tai nạn xảy ra, đội đã chở 15 nạn nhân vào cấp cứu. Các nạn nhân này đã bị thu từ 200.000 đồng/người. “Nạn nhân bị TNGT khi được chuyển bằng xe cấp cứu vẫn thu phí bình thường”, ông Thời trả lời báo chí. 

Nạn nhân Đỗ Thị Thu (ngụ huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cho biết, chị chứng kiến có nạn nhân còn ít tuổi, khi bị thương trong túi chỉ còn 120.000 đồng. Bị yêu cầu đóng tiền, em này đã thương lượng và được một nhân viên y tế trả lời một cách rất có “trách nhiệm”: “Thôi 120.000 đồng cũng được”.

Anh Trịnh Văn Anh (25 tuổi, ngụ huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết khi vào cấp cứu tại đội 486, anh bị nôn mửa, sùi bọt mép, đang nẹp cố định 2 chân. Nhân viên y tế thông báo phải đóng 200.000 đồng tiền vận chuyển, do anh không cử động được nên nhân viên y tế rút ví lấy tiền. “Tôi được tiên đoán chấn thương sọ não, gãy xương chân, đến nay chưa kiểm tra ví nên không biết người ta lấy bao nhiêu tiền” - nạn nhân Anh nói.

Nhận được thông tin này, nhiều phóng viên báo chí đã tìm gặp người có chức năng để tìm hiểu thông tin. Khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở GTVT, Phó Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa cho biết, chưa nhận được phản ánh về vấn đề này (Thu tiền nạn nhân mới tiến hành đưa đi cấp cứu). “Số lượng nạn nhân được đưa đi cấp cứu là quá lớn tại cùng một thời điểm. Hiện tại chúng tôi chưa kiểm tra lại sự việc, cứu người là quan trọng hơn cả. Từ khi vụ án xảy ra tôi cũng chưa nhận được phản ánh nào về việc thu tiền cấp cứu. 
Tôi cũng khẳng định rằng trong trường hợp này, các nạn nhân cấp cứu sẽ không mất tiền, chúng tôi sẽ kiểm tra lại sự việc theo phản ánh. Nếu thực sự có những việc như vậy thì chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm vấn đề này để tạo tính răn đe”, ông Định nói.
Tuệ Minh