Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

PGĐ Công an TPHCM: "Để cướp chặt tay dân, chúng tôi rất day dứt"

06/12/2012 07:29
Đó là trăn trở của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, khi trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND TP sáng 5-12.
Phóng viên: Tình hình tội phạm ở TP.HCM năm nay so với năm ngoái như thế nào, thưa ông?

+ Thiếu tướng Phan Anh Minh: Số lượng vụ án không tăng hơn so với năm ngoái nhưng số vụ án nghiêm trọng tăng hơn năm ngoái. Cũng chỉ trong năm này, có một số vụ cướp giật được người dân tải lên Internet, số lượng truy cập nhiều làm dư luận bức xúc nhiều hơn. Việc đưa các vụ cướp giật lên Internet có dẫn đến mặt tốt và mặt không tốt. Mặt không tốt là đối tượng cướp giật biết tìm cách lẩn trốn, công tác truy xét gặp khó khăn hơn. Mặt tốt là khi đưa hình ảnh đó lên Internet thì người dân sẽ cảnh giác hơn.

Nạn nhân nên báo ngay cho công an

. Có thực tế là người dân ghi được hình ảnh cướp giật nhưng đến công an trình báo thì ngại gặp thủ tục phức tạp nên họ chọn cách tải lên Internet như thông tin tố giác tội phạm. Gần đây cũng đã có nhiều vụ công an truy xét, bắt các đối tượng từ hình ảnh trên Internet. Quan điểm của ông về vấn đề này?

+ Thật sự là các quy định về thủ tục trình báo còn phiền phức nên làm người dân còn e ngại. Nhưng cứ suy nghĩ vì sự phiền phức, không hy vọng thu hồi tài sản bị cướp giật rồi không trình báo thì không được. Trong khi hô hào phải có “hiệp sĩ” đường phố, phải có nhiều người can thiệp nhưng chính người bị xâm hại lại không có trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình thì ở góc độ nào đó, vô tình đã dung túng hành vi phạm tội, khiến cho hành vi phạm tội đó không bị xử lý hoặc xử lý không thỏa đáng.

Trên thực tế, có nhiều vụ bắt được đối tượng cướp giật, đối tượng khai nhận nhưng do không xác định được người bị hại nên không xử lý hình sự được, buộc lòng phải xử lý hành chính.

Theo tôi, dù thủ tục trình báo còn nhiêu khê nhưng không vì vậy mà ủng hộ việc người dân không trình báo công an.

PGĐ Công an TPHCM: "Để cướp chặt tay dân, chúng tôi rất day dứt" ảnh 1

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng dù thủ tục trình báo còn nhiêu khê nhưng không vì vậy mà nạn nhân không đi trình báo công an. Ảnh: BM

Bắt quả tang hay ngăn chặn từ đầu?

. Vậy cần có những biện pháp đặc biệt gì để ngăn chặn việc bọn cướp ra tay ngày càng tàn độc, hung hãn?

+ Có nhiều người đòi hỏi phải có đối sách. Tôi đọc trên báo chí có nhiều người đòi phải bắt đối tượng khả nghi từ trong suy nghĩ. Chưa phạm tội mà bắt thì trái luật. Tôi ví dụ vụ án chém người cướp xe ở cầu Phú Mỹ. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn đó, nếu công an bám sát quá thì đối tượng đương nhiên không bao giờ cướp, nó sẽ quay về. Nhưng bám không sát thì hậu quả nạn nhân bị chém gần đứt tay. Đó là một chuyện rất day dứt mà chúng ta cần phải suy nghĩ.

. Có quan điểm cho rằng trong vụ việc trên thì không cần phải bắt quả tang mà nên kiểm tra hành chính để ngăn chặn các đối tượng này ngay từ đầu, như thế thì đã không xảy ra việc đáng tiếc. Mục tiêu ở đây không phải là tìm đủ chứng cứ để xử mà là ngăn chặn không để hành vi phạm tội xảy ra, thưa ông?

+ Nhưng kiểm tra hành chính thì xử lý đối tượng đó như thế nào? Hiện nay công cụ pháp luật hiện hành có cái gì để ngăn chặn? Chưa kể việc công an mặc thường phục đi kiểm tra người trên đường là việc làm không phù hợp rồi. Hơn nữa, để đuổi được đối tượng cướp giật, xe công an cũng phải thay đổi kết cấu và như thế cũng không ổn.

Cần điều tra xã hội học

. Nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra ở vùng ven, nơi có nhiều người dân nhập cư về TP.HCM lao động. Ông nghĩ gì về điều này?

+ Ở góc độ nào đó, chúng ta phải thừa nhận người lao động nhập cư không được hưởng thụ dịch vụ văn hóa như người dân có nơi cư trú ổn định. Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn, nhiều thanh niên nông thôn vào TP không được đào tạo nghề hoặc mất việc do chuyển đổi kinh tế, họ cũng không thể trở về quê làm nông dân được nữa. Có một số vụ ghi nhận được đối tượng ngày làm công nhân tự do, ai kêu gì làm nấy, tối thì đi nhậu, khuya đi cướp.

. Theo ông, có mối liên hệ nào giữa tỉ lệ thất nghiệp tăng cao với tình hình tội phạm diễn biến phức tạp không?

+ Theo tôi, cần phải điều tra xã hội học rồi mới kết luận. Rõ ràng người thất nghiệp thuộc diện nguy cơ nhưng nếu coi tất cả người thất nghiệp đều thành tội phạm là không được. Đó là bài toán mà chúng ta phải giải.

. Xin cảm ơn ông.

TRUNG DUNG/Pháp luật TPHCM