Nhật ký Pả Vi:

Pả Vi: 6 tháng ăn ngô, 6 tháng còn lại chờ Nhà nước

22/12/2011 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - Tài sản giá trị nhất của người dân xóm Mã Pì Lèng (Mèo Vạc – Hà Giang) là một con bò. Người dân quanh năm ăn ngô thay cơm và ngô cũng chỉ đủ ăn 6 tháng.

Tài sản quý nhất của người dân nơi đây là 1 con bò

Chỉ cách trung tâm thị trấn Mèo Vạc khoảng 5 Km nhưng, cuộc sống của những người dân xóm Mã Pì Lèng là một bức tranh hoàn toàn đối lập.  Nghèo đói, khổ sở cùng cực là những từ người ta vẫn dùng để hình dung về đồng bào đang sinh sống ở xóm núi này.

Ông Dương Văn Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Pả Vi cho biết: “Xóm Mã Pì Lèng là một trong những xóm nghèo khó nhất ở xã pả Vi. Hiện tại, xóm núi Mã Pì lèng có tất cả 83 hộ dân, trong đó, 100% đồng bào là người dân tộc Mông. Nguồn thu nhập chính của người dân là từ nông nghiệp. Dù Chỉnh phủ đã trợ cấp và tạo điều kiện giúp đỡ rất nhiều nhưng đến thời điểm này, xóm Mã Pì Lèng vẫn còn 60/83 hộ thuộc diện đói nghèo, sống nhờ vào sự trợ cấp của chính phủ…”

Theo thông tin chúng tôi ghi nhận được, tài sản quý giá nhất của xóm  Mã Pì Lèng chỉ có một con bò. Rất nhiều gia đình ở xóm Mã Pì Lèng, ngô, đậu tương làm ra cả năm chỉ đủ ăn cho 6 tháng, 6 tháng còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự trợ cấp của Chính phủ.

Ông Phong cho biết thêm: “Nguồn lương thực chính của 83 hộ dân ở đây là ngô hạt, đậu tương. Một số hộ cấy lúa nhưng được thu rất ít do điều kiện địa hình, khí hậu khắc nghiệt. Một bữa cơm trắng với thịt là điều những người dân xóm núi này không bao giờ dám mơ đến. Bữa ăn hằng ngày của hầu hết các gia đình là mèn mén (bột ngô hấp nấu với nước dấm chua)…”

Gia đình "giàu có nhất" ở xóm núi Mã Pì Lèng. (Ảnh Trần Lân)
Gia đình "giàu có nhất" ở xóm núi Mã Pì Lèng. (Ảnh Trần Lân)

Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Giàng Thị Lềnh, gia đình “giàu có nhất” ở xóm núi Mã Pì Lèng. Sở dĩ gọi đây là gia đình giàu có nhất của xóm Mã Pì Lèng bởi gia đình chị Lềnh may mắn được sở hữu con bò, tài sản quý giá nhất của cả xóm.

Căn nhà nhỏ của gia đình chị Lềnh được xây bằng đá bê tông, mái lợp tôn xi măng, nền đất, thấp lụp xụp tối om, ban ngày cũng phải thắp điện. Vật dụng giá trị duy nhất trong nhà là chiếc ti vi cũ. Thức ăn chính của gia đình 6 miệng ăn này là mèn mén ăn với canh rau rừng. Những ngày giáp hạt, gia đình giàu nhất xóm núi này cũng lâm vào cảnh thiếu cái ăn, phải đói khát cầm hơi bằng nước suối và rau rừng.

Ngô làm cả năm chỉ đủ ăn 6 tháng

Đó là tình cảnh khốn cùng của gia đình chị Sùng Thị Xúa, gia đình nghèo nhất ở xóm núi Mã Pì Lèng này. Cả gia đình 7 miệng ăn, làm nương rẫy quần quật quanh năm suốt tháng nhưng, ngô, đậu thu về cũng chỉ đủ ăn cho 6 tháng đầu năm. 6 tháng còn lại, cả gia đình lại phải chông chờ vào sự trợ cấp của Chính phủ.

Ngô, đậu làm cả năm chỉ đủ ăn cho 6 tháng đầu năm, 6 năm còn lại gia đình 7 miệng ăn này hoàn toàn sống nhờ vào sự trợ cấp của Chính phủ.
Ngô, đậu làm cả năm chỉ đủ ăn cho 6 tháng đầu năm, 6 năm còn lại gia đình 7 miệng ăn này hoàn toàn sống nhờ vào sự trợ cấp của Chính phủ.

“Nhà đông người, nương lại có ít nên ngô, đậu làm ra chỉ đủ ăn cho 6 tháng thôi. Ngoài làm nương trồng ngô, trồng đậu tương, nhà không có thu nhập nào khác nữa…”, chị Xúa giải thích về sự thiếu đói của gia đình mình.

Chị Sùng Thị Xúa mới 30 tuổi nhưng đã là mẹ của 5 đứa con nhỏ (Ảnh Trần Lân)
Chị Sùng Thị Xúa mới 30 tuổi nhưng đã là mẹ của 5 đứa con nhỏ (Ảnh Trần Lân)
Những bộ quần áo nhàu nhĩ (Ảnh Trần Lân)
Những bộ quần áo nhàu nhĩ (Ảnh Trần Lân)

Theo quan sát của chúng tôi, căn nhà chống hoác của gia đình chị Sùng Thị Xúa không có lấy bất cứ 1 vận dụng gì ngoài mấy chiếc chăn cũ nát, mấy bộ quần áo nhàu nhĩ và một bếp lửa giữa nhà vừa để sưởi ấm, vừa để nấu mèn mén ăn cho qua ngày. Hiếu khách, chị Xúa chỉ tay xuống nồi mèn mén bắc trên bếp, mời chúng tôi nếm thử thức ăn của gia đình.

Mèn mén (bột ngô, bột đậu tương nấu với rau cải và dấm chua) là thứ ăn thay cơm hằng ngày của gia đình chị Sùng Thị Xúa. (Ảnh Trần Lân)
Mèn mén (bột ngô, bột đậu tương nấu với rau cải và dấm chua) là thứ ăn thay cơm hằng ngày của gia đình chị Sùng Thị Xúa. (Ảnh Trần Lân)

“Ăn những thứ này chỉ để tồn tại chứ không phải ăn để phát triển. Chua xót quá…”, cô Ngô Anh Thơ thốt lên khi nếm thử món mèn mén của gia đình chị Xúa. Cám cảnh này, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã tặng chị Xúa 100.000 đồng để mua thức ăn cho con.

Người đàn bà mới bước sang tuổi 30, Sùng Thị Xúa, đã làm mẹ của 5 đứa con nhỏ. Đứa lớn năm nay 14 tuổi, đang học lớp 6, đứa nhỏ nhất vẫn còn phải ẵm ngửa trên tay. Đói, rét khiến đứa trẻ cứ khóc ngặt nghẹo trên tay mẹ.

Căn nhà của gia đình chị Sùng Thị Xúa chỉ che được nắng chứ không chắn được gió. (Ảnh Trần Lân)
Căn nhà của gia đình chị Sùng Thị Xúa chỉ che được nắng chứ không chắn được gió. (Ảnh Trần Lân)

Căn nhà của gia đình chị Xúa chỉ có mái che nắng chứ không chắn được gió bởi tứ phía toang hoang, không được che chắn. Cả gia đình 7 người lớn nhỏ phải chen chúc trên một cái “giường” ghép tạm bợ bằng những thanh gỗ, thanh tre, nứa. Mùa đông gió rít từng cơn lạnh buốt dội vào căn nhà siêu vẹo ấy. “Cũng muốn có nhà kín gió để ở lắm nhưng, không có tiền nên không xây nhà mới được…”, chị Xúa nói.

Cụt mất bàn tay vì thái cỏ bò

Hầu hết những đứa trẻ ở xóm núi Mã Pì Lèng đều phải làm các công việc nhà, cùng bố mẹ lên rừng làm nương, lấy củi, hái rau rừng về làm thức ăn cho cả gia đình từ lúc 4-5 tuổi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cuộc sống các em nhỏ vùng cao luôn bị rình rập bởi những tai nạn thương tích.

Bé Sùng Thị May, học sinh lớp 4, mất bàn tay phải vì thái cỏ bò giúp bố mẹ (Ảnh Trần Lân)
Bé Sùng Thị May, học sinh lớp 4, mất bàn tay phải vì thái cỏ bò giúp bố mẹ (Ảnh Trần Lân)

Địu em trên lưng, chân trần đứng co ro vì lạnh trước cửa nhà, em Sùng Thị Say khiến người khác phải giật mình vì mất một bàn tay. Hỏi ra mới biết, 2 tháng trước khi phụ giúp bố, mẹ thái cỏ cho bò ăn, em đã bị đứt lìa bàn tay vì dao thái cỏ. Nhà nghèo không có điều kiện cấp cứu, điều trị nên May đã vĩnh viễn mất đi bàn tay phải.

Hiện May đang học lớp 4 trường Tiểu học Pả Vi thuộc diện bán trú dân nuôi. Để tiếp tục được đi học, May đã phải tập viết bằng tay trái trong nhiều ngày qua.

Đoàn thiện nguyện đã tặng bé May một số quần áo ấm, tất, dép mới để động viên em
Đoàn thiện nguyện đã tặng bé May một số quần áo ấm, tất, dép mới để động viên em

Đoàn thiện nguyện báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi tặng bé May một số quần áo ấm, tất ấm và dép mới để phần nào động viên, chia sẻ nỗi đau cùng em.

“Trẻ con vùng núi không chỉ khổ vì thiếu ăn, thiếu mặc, học hành không được đến nơi đến trốn… mà còn rất hay gặp phải những tai nạn thương tích khi phụ giúp bố mẹ làm việc. Và gần như 100% các gia đình không có điều kiện chữa trị cho con cái khi gặp nạn nên để lại những di chứng rất khủng khiếp cho các em trong suốt cuộc đời…”, cô giáo Trần Thị Lan, phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc cho biết.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn



Thu Hòe