Phạt 100 triệu nếu đánh bắt thủy sản trái phép ở vùng biển Việt Nam

08/03/2013 07:23
Ngọc Quang
(GDVN) - Tàu cá nước ngoài khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép hoặc hoạt động thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam mà giấy phép hết hạn từ 30 ngày trở lên sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng.

Dự thảo Nghị định “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì soạn thảo, đang lấy ý kiến của các cơ quan ban ngành liên quan nói rõ, mức phạt tiền tối đa trong hoạt động thủy sản (áp dụng đối với cá nhân) là 100.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động thủy sản (áp dụng đối với tổ chức) là 200.000.000 đồng.

Nhiều mức phạt nặng đủ sức răn đe kẻ phạm tội

Tại Điều 14 của dự thảo cho thấy, với hành vi vi phạm quy định về đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác, mức phạt tiền nhẹ nhất từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho Tổng cục Thủy sản hoặc cơ quan quản lý thủy sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký tàu cá biết ngày rời cảng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác để về nước. Mức phạt cao nhất lên tới 100.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tổ chức việc đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác.

Bên cạnh đó, còn có hình thực phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng từ 01 tháng đến 03 tháng; Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 3 điều này. Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền công môi giới, số tiền công của thuyền trưởng. Buộc chi trả kinh phí cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm đưa ngư dân Việt Nam bị bắt về nước.

Thời gian vừa qua, đã xuất hiện tình trạng tàu nước ngoài đánh bắt cá trái phép tại vùng biển Việt Nam. Tại Điều 15 của dự thảo cũng ghi rõ, tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu: Không có sổ nhật ký khai thác, không ghi nhật ký khai thác, không thực hiện chế độ báo cáo khai thác hoặc không báo cáo hoạt động của tàu cá theo quy định của pháp luật Việt Nam; Không thực hiện các quy định của pháp luật Việt nam về tiếp nhận và trả giám sát viên; Tàu cá nước ngoài khi được phép hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam nhưng không treo cờ Việt Nam.

Tàu cá Trung Quốc đánh bắt thủy sản trái phép tại Trường Sa dưới sự yểm trợ của tàu Ngư chính 310.
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt thủy sản trái phép tại Trường Sa dưới sự yểm trợ của tàu Ngư chính 310.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi: Vi phạm quy định về tiêu thụ sản phẩm đối với tàu cá nước ngoài hoạt động khai thác tại vùng biển Việt Nam (trừ trường hợp có hợp đồng xuất khẩu ghi trong dự án hợp tác đã được phê duyệt); Tàu cá nước ngoài có giấp phép hoạt động thủy sản nhưng cập cảng sai quy định trong giấy phép (trừ trường hợp bất khả kháng).

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi: Hoạt động thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam mà giấy phép hết hạn không quá 30 ngày; Không mang theo đầy đủ các giấy tờ (bản chính) theo quy định của pháp luật Việt Nam;  Tàu cá nước ngoài có giấy phép hoạt động thủy sản nhưng hoạt động sai vùng cho phép.

Đặt biệt, mức phạt tiền cao nhất sẽ từ 50.000.000 đến 100.000.000 đồng với một trong các hành vi sau: Không có giấy phép hoạt động thuỷ sản của tàu cá nước ngoài hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; Hoạt động thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam mà giấy phép hết hạn từ 30 ngày trở lên.

Ngoài ra, còn có các hình thức phạt bổ sung như: Tịch thu sản phẩm thủy sản; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam từ 06 tháng đến 12 tháng; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi tái phạm; Tịch thu tàu cá, trục xuất thuyền viên nước ngoài rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Nhập khẩu sinh vật ngoại lai gây hại bị phạt tới 70 triệu đồng

Dự thảo cũng nói rõ, đối với vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản, sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:  Phá dỡ hoặc xây dựng các công trình nổi, công trình ngầm ở các vùng nước làm thay đổi nơi cư trú, sinh trưởng, sinh sản của các loài thuỷ sản mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không theo đúng quy định ghi trong giấy phép; Phá huỷ, cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loài thuỷ sản.

Đối với những trường hợp vi phạm nặng, còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản hoặc bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; Tịch thu số thuỷ sản đã khai thác trái phép; Tịch thu công cụ khai thác thủy sản; Buộc thả số thuỷ sản còn sống trở lại môi trường sống

Với trường hợp vi phạm quy định về quản lý thủy sinh vật ngoại lai xâm hại, áp dụng phạt tiền thấp nhất là 5.000.000 đồng với hành vi thả các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại vào vùng nước tự nhiên. Mức phạt cao nhất lên tới 70.000.000đ với hành vi: Nhập khẩu thủy sinh vật ngoại lai xâm hại không có trong danh mục được phép nhập khẩu làm thực phẩm; Để thủy sinh vật ngoại lai xâm hại nhập khẩu làm thực phẩm thoát ra vùng nước tự nhiên.

Rùa tai đỏ là một sinh vật ngoại lai gây hại môi trường sinh thái.
Rùa tai đỏ là một sinh vật ngoại lai gây hại môi trường sinh thái.

Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng theo danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng.

Trường hợp vi phạm quy định cấm sử dụng kích điện để khai thác thủy sản, mức phạt nhẹ nhất là 1.000.000 đồng, cao nhất là 7.000.000 đồng; nếu sử dụng điện lưới đánh bắt cá thì bị phạt đến 20.000.000 đồng. Sử dụng vật liệu nổ khai thác thủy sản thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thuỷ sản tại vùng nước nội đồng; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thuỷ sản trên biển.

Ngọc Quang