Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992:

Phát triển giáo dục: Đề nghị làm rõ thế nào là “quốc sách hàng đầu"

08/03/2013 13:33
Ngọc Quang
(GDVN) - "Hiến pháp phải viết cô đọng, nhưng khẩu hiệu ‘Quốc sách hàng đầu’ ta đã nói nhiều, còn khi làm thì mỗi người giải thích một kiểu, sẽ không đánh giá được nơi nào làm tốt và chưa tốt. Do đó, chúng tôi đề nghị ban soạn thảo nên làm rõ thế nào là quốc sách hàng đầu?", ĐB Nguyễn Tùng Lâm - PCT Liên Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội.

Ngày 7/3, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu về vấn đề giáo dục, quyền con người, quyền công dân, cho tới vai trò của Đảng với sự phát triển của đất nước.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội  nhận định, sửa Hiến pháp cần phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân. “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng, là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị xã hội và chủ quyền của quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của nhà nước và chế độ, là đạo luật cơ bản của nhà nước.

Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật… Sửa đổi Hiến pháp là một việc hệ trọng của đất nước, cần phải phát huy được tinh thần yêu nước, quyền làm chủ của nhân dân. Sự tham gia đóng góp trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, các ngành các cấp… để Hiến pháp sửa đổi lần này thực sự là một bước tiến mới”, bà Thanh nói.

Về giáo dục: Thế nào là “quốc sách hàng đầu”?

Đại biểu Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội nêu ý kiến về Điều 65 (sửa đổi bổ sung Điều 35 và 37) chỉ ghi vắn tắt “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”.

Ông Lâm phân tích: “Hiến pháp phải viết cô đọng, nhưng khẩu hiệu ‘Quốc sách hàng đầu’ ta đã nói nhiều, còn khi làm thì mỗi người giải thích một kiểu, sẽ không đánh giá được nơi nào làm tốt và chưa tốt. Do đó, chúng tôi đề nghị ban soạn thảo nên làm rõ thế nào là quốc sách hàng đầu?

Thí dụ như Nghị quyết Trung ương 6 khóa 11 về Khoa học Công nghệ có nêu: Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc, là một nội dung cần được ưu tiên đầu tư trước một bước trong hoạt động của ngành, các cấp”.

TS Nguyễn Tùng Lâm phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Ngọc Quang.
TS Nguyễn Tùng Lâm phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Ngọc Quang.

Theo TS Lâm, quốc sách hàng đầu là để đảm bảo cho giáo dục – đào tạo và Khoa học – công nghệ được phát triển bền vững, đi trước một bước để tạo hiệu quả tác động đến các mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Do đó, nó phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ được nhà nước tập trung ưu tiên về nguồn lực tài chính, nguồn lực con người (nhân lực) và có một cơ chế quản lý đặc thù đảm bảo cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ có thể phát triển bền vững, đuổi kịp các nước trong khu vực về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

Thứ hai, những người đứng đầu Nhà nước, đứng đầu các tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường là người chịu trách nhiệm trước dân về việc thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của cả nước và ở từng địa phương; Những người đứng đầu nhà nước và các địa phương phải đảm bảo đủ ngân sách nhà nước giành cho giáo dục đào tạo và phát triển khoa học công nghệ hàng năm;

Được toàn quyền huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ ở địa phương mình. Đồng thời phải huy động hết nguồn lực để có được những chính sách riêng nhằm bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, khuyến khích thu hút người tài làm giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo quan trọng của Đảng

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, trong quá trình lấy ý kiến vào dự thảo, có không ít trường hợp lợi dụng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, cố tình nêu các ý kiến trái với cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng.

Ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành thành phố trong quá trình lấy ý kiến nhân dân phải làm thế nào để nhân dân cập nhật, nắm được những nội dung của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp này, có ý kiến đóng góp để giúp Quốc hội khi xem xét thông qua bản Hiến pháp phản ánh được ý chí nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời cũng cần có biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các quan điểm sai trái, ngược chiều, nhằm chống phá Đảng, chống phá Nhà nước”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Có không ít trường hợp lợi dụng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Ảnh - Ngọc Quang.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Có không ít trường hợp lợi dụng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Ảnh - Ngọc Quang.

Trong phần thảo luận, Đại biểu Nguyễn Xuân Diên (tổ Ứng Hòa) nêu quan điểm: Tổ chức của Đảng được thiết lập từ tổ dân phố (hay làng, bản, phum, sóc), cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp ở cơ sở đến tổ chức đảng ở các cơ quan trung ương. Hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam có hơn 3, 6 triệu đảng viên, chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng dân số.

Trong nội bộ Đảng thì hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên được điều chỉnh bởi các quy định tại Điều lệ Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Trong lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước thì đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức, trí thức, người lao động, nông dân, bộ đội hoặc người công dân bình thường, chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đa số đảng viên đã và đang đảm trách các vị trí, chức vụ, nhiệm vụ chủ chốt, quan trọng của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước. 

“Đảng viên đương nhiên phải chịu sự điều chỉnh song trùng bởi các quy định của Đảng và bởi các quy định của pháp luật Nhà nước. Chính họ là nhân tố cơ bản trong việc xây dựng nên những chủ trương, đường lối lãnh đạo của đảng và rồi cụ thể hóa thành các quy định của pháp luật nhà nước; đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật…

Nếu đảng viên vi phạm, họ sẽ bị xử lý cả về Đảng và về chính quyền, đoàn thể. Những năm qua, cơ chế Đảng là lực lượng lãnh đạo đối với nhà nước và xã hội luôn gắn bó với việc nhà nước quản lý, điều hành, chưa xảy ra mâu thuẫn để đến mức không thể điều chỉnh, giải quyết được”, ông Diên nói.

Ngoài ra, có các vấn đề về quyền con người, bình đẳng giới cũng được nhiều đại biểu đề cập. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Nữ - Tổ ĐB Cầu Giấy nêu ý kiến: Chương 2 nói về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân có các Điều 16,17, 20, 22, 23 đến 27, từ 33 đến 35 cần thống nhất các khái niệm về công dân và khái niệm mọi người.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Nữ - Ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Nữ - Ảnh: Ngọc Quang.

Đại biểu Nữ cũng nêu một số trường hợp chưa hợp lý, như Điều 22 khoản 3 “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể…”. Theo tôi hiểu, mọi người tức là tất cả các cá thể hiện hữu, từ đứa trẻ mới sinh ra cho đến những người già trước khi mất. Vậy nếu trẻ em muốn hiến mô, hiến bộ phận cơ thể thì các gia đình có trẻ em đó thế nào, có tôn trọng ý kiến của con em mình không?

Đối với Đảng viên phải trung thực công khai trong Đảng thì Điều 23 “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Vậy có nên bổ sung thêm một ý dành cho đảng viên hay không?

Đối với Điều 27 ở khoản 2 đề nghị bổ sung thêm chi tiết “đặc điểm giới”, vì đọc khoản 1, 2 hiện nay ta thấy có sự đồng nhất giữa nam và nữ, chưa thực sự quan tâm tới vấn đề giới, trong khi phụ nữ còn phải thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng là mang thai và sinh con, sức khỏe của phụ nữ đa số yếu hơn nam giới.

Ngọc Quang