Phát triển hệ thống trung tâm cung cấp các dịch vụ công tác xã hội

12/09/2013 08:40
Hồng Hạnh
(GDVN) - Công tác xã hội được công nhận là một nghề như nhiều ngành nghề khác trong xã hội đã được thực hiện từ những năm 40 của thế kỷ trước ở nhiều nước trên thề giới, nhất là các nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ.
Mạng lưới dịch vụ công tác xã hội 

Từ trước tới nay, chúng ta đã quen với thuật ngữ dịch vụ xã hội, cung cấp dịch vụ xã hội. Ví dụ, như người ốm đau bệnh tật thì cần được chữa trị và họ là người mua dịch vụ, từ đó xuất hiện nhu cầu đào tạo người chữa bệnh là y tá, y sỹ, bác sỹ. Tương tự như vậy, con người ta có nhu cầu hiểu biết xã hội, từ đó xuất hiện nhu cầu đào tạo giáo viên cho các cấp học, bậc học và người giáo viên là người cung cấp dịch vụ dạy học. Một khi nói tới dịch vụ, cung cấp dịch vụ tức là cần có hai yếu tố là những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ và những người cung cấp dịch vụ.
 
Còn các thuật ngữ dịch vụ CTXH, mạng lưới dịch vụ CTXH ở nước ta chưa được nói đến nhiều. Song, những thuật ngữ này sẽ từng bước được làm quen và được mọi người chấp nhận, vì hiện nay, nước ta có hàng chục triệu người đang cần loại hình dịch vụ này và không chỉ có những đối tượng hiện tại mà còn hàng triệu đối tượng tiềm năng sẽ cần được cung cấp dịch vụ CTXH trong tương lai.

Các đối tượng này bao gồm người cao tuổi (khoảng 7,6 triệu người, trong đó có khoảng 200.000 người già cô đơn); người khuyết tật (6,4 triệu người, trong đó có khoảng 300.000 người khuyết tật nặng không còn khả năng tự phục vụ và lao động); trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (1,6 triệu em) và hoàn cảnh éo le (3 triệu em) chưa được xác định là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em như trẻ bị ngược đãi, bạo lực, bị buôn bán bắt cóc, tai nạn thương tích; hàng trăm nghìn người tâm thần; hàng vạn người bị rối nhiều tâm trí, nhất là trẻ em không được tư vấn chăm sóc chu đáo hoặc phải sống trong môi trường không thân thiện; hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội như ly hôn, bạo lực, thiếu quan tâm đến con cái, căng thẳng vì nghèo đói, xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang, tệ cờ bạc, nghiện hút...; hàng vạn xã, làng, thôn, bản đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội.

Cần hình thành mạng lưới nhân viên CTXH từ trung ương tới cơ sở.
Cần hình thành mạng lưới nhân viên CTXH từ trung ương tới cơ sở.

Các đối tượng này thường chỉ nhận được sự trợ giúp về cung cấp dịch vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH bán chuyên nghiệp (khoảng 15.000 người). Họ là những người làm việc theo bản năng và trực giác, thiếu nhận thức, hiểu biết và những kỹ năng cần thiết về CTXH, do vậy hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội không cao và thiếu sự phát triển bền vững. Số cán bộ, nhân viên CTXH được đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng (khoảng 2.000 người) trong mấy năm gần đây lại chưa được bố trí làm việc đúng với ngành  nghề đào tạo, gây ra sự lãng phí về nguồn nhân lực này.
 
Cung cấp dịch vụ CTXH bởi những người chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp nhưng phải được đào tạo cơ bản thể hiện bằng sự tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong  mối quan hệ giữa con người, tham gia vào quá trình tăng cường năng lực và giải phóng tiềm năng cho mỗi cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có vấn đề xã hội để họ tự vươn lên hoà nhập cộng đồng và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
Phương pháp sử dụng là tiếp cận để thấu hiểu và  cảm hoá đối tượng, xây dựng cái tôi nhân cách hữu ích, giá trị của gia đình, cộng đồng hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thông qua các hoạt động tư vấn, tham vấn, quản lý đối tượng, nâng cao năng lực và giúp đối tượng có kế hoạch hành động thiết thực trong cuộc sống, có thể tiếp cận các nguồn lực sẵn có để sử dụng các nguồn lực, dịch vụ có hiệu quả. Thông thường, khi các đối tượng yếu thế có vấn đề về mặt xã hội, họ thường thụ động, mặc cảm, tự ty, thiếu khả năng tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ sẵn có do các rào cản xã hội vô hình. Vì vậy, nhân viên CTXH có vai trò rất quan trọng trong việc giúp đối tượng phá bỏ rào cản đó và kết nối với các dịch vụ trợ giúp, tạo lòng tin, ý chí và nghị lực mới hướng tới một cuộc sống hữu ích hơn.
 
Kinh nghiệm ở các nước có nghề CTXH phát triển cho thấy, các dịch vụ được thiết lập và cung cấp cho các đối tượng có vấn đề xã hội được hình thành ở ngay chính cộng đồng, cơ sở đối tượng sinh sống, như thôn, ấp, bản, xã, phường, thị trấn, trường học, bệnh viện, toà án và cao hơn nữa là các cơ quan Nhà nước ở tuyến huyện, tỉnh và trung ương. Các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH có thể là tư  nhân hay công lập như điểm công tác xã hội, văn phòng tư vấn, trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm phát triển cộng đồng...

Các cơ sở này, ngoài việc tư vấn, tham vấn, nâng cao năng lực, hỗ trợ đối tượng, cộng đồng phát triển, còn có trách nhiệm kết nối các dịch vụ trợ giúp cho các đối tượng, bảo vệ đối tượng như chính khách hàng của mình. Sự kết nối này là tuỳ theo nhu cầu và hoàn cảnh của từng đối tượng, nhưng nói chung các dịch vụ kết nối thường liên quan đến các cơ quan cung cấp dịch vụ an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, trật tự an toàn xã hội, luật pháp.

Ở nước ta, đó là các ngành Lao động-TBXH, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Tư pháp, Toà án, Viện Kiểm sát. Đối với hỗ trợ phát triển cộng đồng còn liên quan đến các cơ quan, tổ chức cung cấp và quản lý nguồn lực khác như ngân hàng, tài chính, nông nghiệp... Việc kết nối các dịch vụ trợ giúp các đối tượng xã hội và cộng đồng có vấn đề xã hội có phạm vi rất rộng, vì vậy đòi hỏi người nhân viên không chỉ có hiểu biết nghiệp vụ mà còn phải được trang bị các kiến thức rộng hơn về phát triển cộng đồng.
 
Để cung cấp các dịch vụ CTXH có hiệu quả, các quốc gia đều quan tâm đến việc xây dựng thể chế chính sách, tổ chức và tài chính phù hợp với quá trình phát triển. Về thể chế tổ chức, cần xây dựng một mạng lưới sử dụng nhân viên CTXH được đào tạo bài bản từ các trường chuyên nghiệp từ cấp trung ương đến cộng đồng. 
 
Thiết lập mạng lưới nhân viên CTXH trong ngành Lao động- TBXH  

Mạng lưới nhân viên CTXH được hình thành đồng thời với quá trình phát triển mạng lưới các tổ chức sử dụng số nhân viên này. Ở đâu có tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH thì ở đó có nhân viên CTXH. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của mạng lưới nhân viên đó luôn rộng hơn so với mạng lưới tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân sử dụng các dịch vụ CTXH.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 35.000 người làm việc trong hơn 400 cơ sở bảo trợ xã hội, 110 cơ sở 05,06, các trung tâm tư vấn/tham vấn, mái ấm, nhà mở, hàng trăm giảng viên CTXH làm việc ở 37 trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành công tác xã hội. Ngoài ra, tại các Hội Chữ thập đỏ và tổ chức phi Chính phủ (NGOs) cũng thu hút  nhiều nhân viên CTXH làm việc. Cùng với đó là hàng chục ngàn cán bộ kiêm nhiệm văn hoá- xã hội ở cộng đồng đã và đang tạo thành một mạng lưới thực hiện nhiệm vụ trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở và cộng đồng. 
 
Mô hình ở nhiều quốc gia được áp dụng là nhân viên CTXH nằm trong hệ thống mạng lưới các tổ chức sử dụng nhân viên CTXH, nhưng hoạt động không chỉ bó hẹp trong hệ thống này mà còn cả trong các tổ chức có nhu cầu cung cấp dịch vụ CTXH như trường học, bệnh viện, toà án, trường giáo dưỡng, gia đình, cộng đồng. Ví dụ, nhân viên CTXH thuộc trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động-TBXH thành phố Hà Nội có thể trực tiếp cung cấp dịch vụ cho các bệnh nhân có nhu cầu của các bệnh viện trên địa bàn, hoặc cung cấp dịch vụ cho các học sinh có vấn đề xã hội của các trường học, các thân chủ ở các toà án trước khi xét xử...
 
Mạng lưới nhân viên CTXH được hình thành ở các cấp từ trung ương đến tỉnh, huyện và xã, thậm chí đến cộng đồng dân cư như tổ dân phố, ấp, bản, thôn, làng và không có sự phân biệt giữa Nhà nước hay tư nhân. Ngoài yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, nhân viên CTXH còn phải có chứng chỉ hành nghề giống như ngành y, dược hiện nay ở nước ta./.
Hồng Hạnh