Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Phạt xe không chính chủ: Dễ gây hiểu lầm là do thiếu tiền nên phải thu

16/11/2012 07:48
Huệ Nguyễn
(GDVN)- "Nghị định 71 đã đụng chạm tới hàng triệu người, dễ gây ra hiểu lầm trong dân là Nhà nước thiếu nguồn nên phải đi thu" - Tiến sĩ Nghiêm Quốc Bảo chia sẻ.

Sau một thời gian ngắn khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ đi vào thực tế, một số người dân đã tới các cơ quan chức năng để làm thủ tục sang tên đổi chủ cho phương tiện giao thông của mình nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân. Tuy vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng nên gia hạn thời gian áp dụng Nghị định này vào cuộc sống để người dân có sự chuẩn bị.

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với TS. Nghiêm Quốc Bảo, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường và ca sỹ Minh Quân xung quanh vấn đề này.

Quy định đúng nhưng vô hình chung lại tạo hiệu ứng xã hội ngược lại

TS. Nghiêm Quốc Bảo, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhận định: “Quy định về việc xử phạt hành chính với các xe chưa sang tên đổi chủ đã có từ lâu nhưng chính sự buông lỏng của các cơ quan Nhà nước đã tạo cho người dân ý thức chấp hành Luật chưa cao”.

TS. Nghiêm Quốc Bảo, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (ảnh: Internet)
TS. Nghiêm Quốc Bảo, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (ảnh: Internet)

Tiến sỹ đặt ra câu hỏi: “Tại sao các cơ quan Nhà nước không làm sát sao từ trước mà đúng lúc kinh tế khó khăn, đời sống người dân gặp khó khăn… chúng ta mới thực thi những quy định của Nghị định 71 với mức xử phạt tăng gấp nhiều lần. Chính điều đó sẽ dễ gây ra hiểu lầm trong hàng triệu con người là Chính phủ thiếu tiền nên Chính phủ mới ra quy định xử phạt cao như vậy. Điều này cũng cho thấy khâu tuyên truyền của chúng ta làm chưa tốt. Nhà nước muốn quản lý những bất cập trong giao thông thì phải có sự chuẩn bị ngay từ đầu. Trong một thời gấp gáp lại yêu cầu dân phải tự tìm hiểu một Nghị định của Chính phủ và các văn bản liên quan sẽ là rất khó”.

Qua những trải nghiệm của bản thân và những thông tin cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tiến sỹ cho biết: “Trong nhiều ngày qua, Nghị định đã gặp phải một luồng dư luận không như mong muốn. Luật đã ban hành là phải có sự đóng góp của rất nhiều cơ quan, đoàn thể nên không thể nói là không đúng. Nhưng quan trọng là chúng ta áp dụng trong thực tế vào thời điểm nào để tránh được những hiệu ứng xã hội không tốt. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước ta đang nhằm vào chống tham nhũng, chống quan liêu, chống sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém mà chúng ta lại đưa ra Nghị định này thì người dân chắc chắn sẽ liên tưởng tới nhiều điều bất lợi cho công tác thi hành Luật của các cơ quan chức năng”.

Ông Bảo mong muốn, Chính phủ nên xem xét lui lại thời gian thi hành Nghị định ít nhất là 6 tháng để tạo bước chuẩn bị tâm lý cho nhân dân (ảnh minh họa)
Ông Bảo mong muốn, Chính phủ nên xem xét lui lại thời gian thi hành Nghị định ít nhất là 6 tháng để tạo bước chuẩn bị tâm lý cho nhân dân (ảnh minh họa)

Tiến sỹ Nghiêm Quốc Bảo chia sẻ thêm: “Theo quan điểm của cá nhân tôi, Chính phủ nên xem xét việc cho lùi thời gian triển khai Nghị định này ít nhất là 6 tháng để có bước chuẩn bị dư luận và làm tốt hơn công tác tuyên truyền giúp người dân nắm bắt được đúng nhất tinh thần Nghị định và tự giác chấp hành. Trong trường hợp Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện Nghị định này thì chỉ nên nhắc nhở với các trường hợp vi phạm, kết hợp việc tuyên truyền cho họ thấy quyền và nghĩa vụ của mình trong việc sang tên đổi chủ cho các phương tiện tham gia giao thông. Nhà nước cũng chỉ nên thu phí làm thủ tục đăng kí chứ không nên thu phí trước bạ để tạo điều kiện tốt nhất cho mọi tầng lớp nhân dân khi đi làm thủ tục”.

"Tôi vẫn đang chờ những phản hồi tích cực từ phía Chính phủ về việc có hay không nên tạm dừng việc triển khai Nghị định 71 một thời gian để làm tốt khâu tuyên truyền và tạo bước chuẩn bị tâm lý trong người dân", TS nói.

"Nên cân nhắc thật kĩ trong từng bước triển khai"

Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đang chờ “sơ đồ” cuối cùng mà các cơ quan chức năng đưa ra đối với việc triển khai Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ để đánh giá tính khả thi của việc xử phạt hành chính với các xe chưa sang tên đổi chủ.

Giáo sư Đặng Hùng Võ (Ảnh: internet)
Giáo sư Đặng Hùng Võ (Ảnh: internet)

Theo Giáo sư, Nghị định được đưa ra cũng là một biện pháp nhằm hạn chế việc mua bán xe trái pháp luật. Và vấn đề không sang tên đổi chủ sẽ làm thất thu thuế. Gần đây 1 số cơ quan có trách nhiệm cũng giải thích rõ là không có chuyện người trong nhà mượn xe nhau sẽ bị phạt theo tinh thần Nghị định này. Giải thích này là hoàn toàn thỏa đáng. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng phải đưa ra cơ chế hợp lý, phải tìm biện pháp tuyên truyền để dân hiểu: Người thân quen mượn xe nhau như thế là bình thường. Và trách nhiệm đang đặt lên vai những người thi hành công vụ, phải làm sao chỉ ra đúng trường hợp nào đã mua xe nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Giáo sư cũng băn khoăn: “Nếu phí trước bạ cao quá thì cũng phải xem xét mức hợp lý. Nhà nước cũng phải tính tới trường hợp những người nghèo vì tiết kiệm tiền nên họ không đi làm thủ tục. Mức hợp lý đó còn giúp chúng ta giải quyết tất cả những tồn đọng trước đây rồi mới nâng mức phạt lên cao hơn”.

Giáo sư đóng góp ý kiến: “Nghị định này có tác động tới rất nhiều người vì vậy các cơ quan chức năng nên cân nhắc thật kĩ trong từng bước triển khai, để rà soát và làm minh bạch các trường hợp không sang tên đổi chủ với trường hợp đi mượn xe, sao cho không để xảy ra những trường hợp khiến người dân thêm hoang mang và bức xúc”.

Sẽ là “quá tải” với chính các cơ quan chức năng

Với ca sỹ Minh Quân, anh lo lắng nhiều hơn cho sự “quá tải” đối với các cơ quan chức năng khi Nghị định 71 được thực thi. Vì phải tới 45% xe đang được lưu hành trong dân là mua đi bán lại qua nhiều chủ. “Nếu bây giờ người dân ồ ạt đi làm thủ tục thì các cơ quan chức năng có đủ người để đáp ứng nhu cầu của dân không? Hay lại để họ phải chờ đợi tháng này qua tháng khác?” – Minh Quân chia sẻ.

Ca sĩ Minh Quân (ảnh: internet)
Ca sĩ Minh Quân (ảnh: internet)

Là người của công chúng và cũng thường xuyên cập nhật tin tức trên internet nhưng mấy ngày trở lại đây, Minh Quân mới thấy được sự ồn ào của dư luận trước quy định xử phạt hành chính với xe chưa sang tên đổi chủ. Bản thân anh khi đó cũng mới được tiếp cận với quy định này. “Điều đó cũng cho thấy công tác truyền thông của mình làm chưa được sát sao. Với quan điểm của mình thì cần phải cân nhắc lộ trình đưa Nghị quyết 71 đến với người dân để tránh làm dân “sốc” mà xẩy ra những trường hợp gây ảnh hưởng xấu tới lợi ích nhân dân và gây hỗn loạn trong xã hội” – Minh Quân thẳng thắn bộc bạch.

Anh chia sẻ thêm: “Đã là quy định của Nhà nước, bản thân mình hay bất kì ai là công dân Việt Nam đều phải chấp hành. Nhưng trước khi ra quyết định, Nhà  nước nên có thử nghiệm chứ chưa nên áp dụng ngay để xem phản ứng của người dân ra sao. Như Nghị định 71 nói là chỉ tăng thêm hình thức xử phạt nhưng khi đưa ra với thời gian gấp gáp như vậy, bản thân những người thi hành công vụ sẽ gặp rắc rối. Cơ quan công an sẽ phải tiếp dân liên tục khi họ tới làm thủ tục sang tên đổi chủ”.


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Huệ Nguyễn