Philippin kiện Trung Quốc: "Bên không có lý sẽ lảng tránh phiên toà"

27/01/2013 08:15
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Với ta, ta không có hiệp ước liên minh quân sự với Mỹ và Việt Nam cũng không bao giờ liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc. Chúng ta và Trung Quốc là hai nước có quan hệ lâu đời với nhau nên tôi nghĩ chúng ta nên tận dụng tối đa phương thức thương thảo. Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Trong cuộc sống thường ngày, có hai nhà xích mích với nhau, một nhà đòi kiện ra toà. Nhà nào không có lý thì sẽ lảng tránh phiên toà đó và phản đối”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
LTS: Trước việc Philippin kiện Trung Quốc ra Toà án trọng tài quốc tế về vấn đề “đường lưỡi bò”, Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược – Bộ Công an về vấn đề này.

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược - Bộ Công an
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược - Bộ Công an

“Các việc làm của Trung Quốc đã phản lại họ” 

PV: Âm mưu của Trung Quốc đằng sau cái Điều lệ này (tại sao lại là chính quyền tỉnh mà không phải chính phủ, tại sao tung ra vào thời điểm này, tại sao lại mập mờ áp dụng, tìm cách âm thầm hợp pháp hóa đường lưỡi bò. Ta phải đối phó ra sao?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ở đây có mấy loại hành động của Trung Quốc mà chúng ta phải phân biệt rõ ràng. Nếu việc tập trận trong phạm vi lãnh hải của họ và không ảnh hưởng gì đến các nước khác thì đó là điều bình thường như mọi quốc gia. Và việc người ta thực hiện công tác quản lý nhà nước trên biển bằng cách dùng tàu hải giám, ngư chính trong khu vực cho phép theo Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) là bình thường.

Nhưng với hành vi xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia khác trên Biển Đông như việc chính quyền tỉnh Hải Nam yêu cầu khám xét, bắt bớ và cấm những tàu cá đi trong vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam là hoàn toàn phi pháp. Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 cho phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc 200 hải lý, tàu bè các nước qua lại vô hại tức là không thải ra chất phóng xạ, nhiễm bẩn… Biển là của chung loài người. Các quốc gia ven biển có quyền sở hữu tài sản trong vùng biển 200 hải lý (tài sản sinh vật và tài sản phi sinh vật như khoáng sản). 

Việc chính quyền Hải Nam tự cho mình cái quyền kiểm tra, bắt bớ, khám xét các tàu bè trong vùng đặc quyền kinh tế không phải của họ là điều không thể chấp nhận được. Đó là hành động vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, vi phạm Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 mà Trung Quốc đã ký. Những loại hành vi này là bất chấp đạo lý, luật pháp, những cam kết song phương, đa phương với các nước.

PV: Tất cả những hành động này cho thấy điều gì, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Điều này cho thấy lãnh đạo Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo.Chính vì thế trên thế giới không ai tin vào cách hành xử của giới lãnh đạo TQ. Nên tách bạch TQ nói chung và giới lãnh đạo, 1 bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên nói riêng.

Tàu Hải giám Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn Scaborough tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines
Tàu Hải giám Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn Scaborough tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines

Những hành động của Trung Quốc sẽ khiến họ mất uy tín và không ai tin Trung Quốc. Dưới góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu chiến lược quốc tế, chúng tôi thấy đó là một điều tai hại. Không phải tôi mà nhiều học giả Canada đã nói rằng các việc làm của Trung Quốc đã phản lại họ. 

“Có tàu to, họ sẽ sẵn sàng xâm phạm chủ quyền nước khác hơn”

PV: Một bộ phận học giả hiếu chiến của Trung Quốc đang đại diện cho quan điểm chính thống của giới chức nước này hay có âm mưu nào khác? Đánh lạc hướng dư luận? Tuyên truyền cho giới trẻ? Đòn gió dọa các bên liên quan? vì nó mâu thuẫn với quan điểm trỗi dậy hòa bình của cánh lãnh đạo dân sự.?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước thái độ hung hăng hiếu chiến của Trung Quốc, chúng ta phải bình tĩnh. Trong số hơn 1 tỷ 300 triệu người Trung Quốc, tuyệt đại đa số là người tốt, nhân hậu cũng như người Việt Nam không muốn gây sự với ai. Những người này không có lợi ích gì trong việc Trung Quốc gây hấn với Việt Nam cũng như gây hấn với các nước khác trong khu vực Biển Đông.

Ngay trong hơn 3 triệu sỹ quan, hạ sỹ quan của quân đội Trung Quốc, tôi nghĩ rằng tuyệt đại đa số trong số đó cũng không muốn gây sự mà muốn giao hảo với Việt Nam và các nước khác bởi bản thân họ không được lợi gì cả. Ngay trong lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thì không phải tất cả họ đều muốn gây sự với Việt Nam. Chúng ta không vơ đũa cả nắm.

Nhưng trong lịch sử Trung Quốc từ xưa đến nay, trong thời điểm nào cũng có những người thuộc giới diều hâu. Có thể tại thời điểm này giới diều hâu không chi phối chính trường, thời điểm khác chi phối hoặc kéo bè kéo cánh chi phối chính trường Trung Quốc để có những chính sách doạ nạt, gây hấn với các nước khác.

Năm 2012 là năm Trung Quốc có nhiều sự gây hấn nhất tại Biển Đông từ trước tới nay và cũng chính nước này đã làm cho khu vực biển Đông Á trở nên căng thẳng. Năm 2013, có lẽ Trung Quốc sẽ có những hành động tiếp theo tương tự. Với bộ phận diều hâu, chúng ta phải đấu tranh bằng nhiều cách: con đường ngoại giao và tận dụng mọi cái có thể tận dụng được.

Nếu họ có các hành động phi pháp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thì phải triệu Đại sứ của họ lên để phản đối, gửi Công hàm và tuyên bố cho cả thế giới biết. Việt Nam không bao giờ kích động  chủ nghĩa dân tộc để chống lại Trung Quốc nhưng trách nhiệm của Nhà nước ta là phải nói để cho dân biết, thế giới biết.

PV: Dường như những tiếng nói diều hâu từ Trung Quốc đã được một sự ủng hộ nào đó từ Trung Quốc, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Điều này chắc chắn có vì Trung Quốc là một quốc gia kỷ luật nhất là về phát ngôn và tổ chức. Những người nói là trên các phương tiện thông tin đại chúng đều được lãnh đạo thông qua chứ không phải mặc nhiên mà dám đứng lên.

PV: Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, những con tàu to của Trung Quốc có quyết định cục diện trên bàn cờ Biển Đông? 

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vấn đề là họ có dùng tàu to để xâm phạm chủ quyền của nước khác hay không. Trung Quốc là nước lớn và là quốc gia ven biển nên cần có nhiều tàu to đánh cá phát triển kinh tế biển. Việc này hoàn toàn chính đáng nhưng việc dùng tàu to xâm phạm chủ quyền của nước khác thì không thể chấp nhận được. 

Từ ngày chưa có tàu to thì họ đã xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam rồi chứ không phải khi có tàu to mới làm việc này. Nhưng khi có tàu to, họ sẵn sàng làm việc này dữ tợn hơn. 

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc khác với quan hệ Philippin – Trung Quốc

PV: Vừa qua Philippin đã kiện Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về việc này và Việt Nam có áp dụng các biện pháp tương tự hay không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong tranh chấp biển đảo nói riêng và trong tranh chấp lãnh thổ nói chung, có 3 cách thức giải quyết. Thứ nhất là các nước thương lượng với nhau và là cách thức tốt nhất. Việc này chúng ta đã và đang làm với nhiều nước.

Nếu thương lượng không được thì dùng phương thức thứ hai là đưa ra Toà án Trọng tài quốc tế. Ở đây Philippin đã cho rằng họ không thể thương lượng với Trung Quốc nữa nên họ chuyển sang dùng trọng tài quốc tế. Điều này được luật pháp bảo hộ và là quyền chính đáng của một quốc gia, hoàn toàn bình thường. Và khi kiện ra Toà án trọng tài Quốc tế, Philippin vẫn trao đổi song phương với Trung Quốc một cách bình thường.

Và nếu biện pháp dùng trọng tài quốc tếp không đạt hiệu quả thì họ có thể dùng vũ lực, quân sự để giải quyết tranh chấp. Có lẽ thời điểm này chưa phải là thời điểm dùng đến phương thức thứ 3. 

Với Việt nam, chúng ta đang sử dụng phương thức thứ nhất tức là trao đổi song phương. Quan hệ giữa ta và Trung Quốc khác với Philippin và Trung Quốc. Philippin là đồng mình của Mỹ và với Mỹ họ có hiệp định tương trợ quân sự song phương được ký từ năm 1951.

Với ta, ta không có hiệp ước liên minh quân sự với Mỹ và Việt Nam cũng không bao giờ liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc. Chúng ta và Trung Quốc là hai nước có quan hệ lâu đời với nhau nên tôi nghĩ chúng ta nên tận dụng tối đa phương thức thương thảo, trao đổi ngoại giao với nhau. Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền.

5000 năm nay, Trung Quốc là quốc gia mềm nắn rắn buông: nước nào không vững vàng thì Trung Quốc tiến, còn nước nào vững thì Trung Quốc cũng không dám tiến. Trung Quốc có thói quen bắt nạt các nước yếu và đó là sở trường của Trung Quốc: uy hiếp kẻ yếu và run sợ trước kẻ mạnh.

PV: Trong vụ Philippin kiện Trung Quốc này, cái được của Philippines là gì, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong cuộc sống thường ngày, có hai nhà xích mích với nhau, một nhà đòi kiện ra toà. Nhà nào không có lý thì sẽ lảng tránh phiên toà đó và phản đối. Nếu nhà nào chính nghĩa thì sẽ không sợ mà cứ đưa ra kiện.

Trở lại việc Philippin kiện Trung Quốc, hy hữu mới có phiên xử chỉ có một bên nên việc xử này chắc chắn còn lâu vì Trung Quốc sẽ lảng tránh. Việc kiện thì vẫn kiện nhưng để có phiên xử thì phải mất một thời gian và kết quả như thế nào thì còn phải đợi. Chúng ta tin vào cán cân công lý nhưng thỉnh thoảng “do thời tiết chính trị” mà cán cân này cũng có thể bị nghiêng ngả…

Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang