Phó Cục trưởng Cục CSGT nói về chuyện CSGT nhận "mãi lộ"

03/07/2013 07:32
Ngọc Quang
(GDVN) - "Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã xử lý 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng, hoặc xử lý trước pháp luật". Đại tá Trần Sơn Hà – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, cho biết

Trong chương trình tọa đàm “Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông” được tổ chức tại Cổng điện tử Chính phủ sáng nay, Đại tá Trần Sơn Hà – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm luật giao thông, những cán bộ chiến sĩ CSGT vi phạm quy trình, nhận tiền cũng bị xử lý.

Đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt.
Đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt.

Trong chương trình, một độc giả đặt câu hỏi: Ông có suy nghĩ thế nào khi rất nhiều bạn đọc phản ánh về tình trạng mãi lộ của CSGT. Có bạn đọc đã viết: “Theo tôi, cũng 100% do CSGT mà thôi. Ngay khi ra khỏi bến xe, khách trên xe đã phải ngồi ghế nhựa và cả trên nóc nắp cabo rồi, ấy vậy mà CSGT ngay tại cổng bến xe vẫn cho xe xuất bến và ban quản lý bến vẫn kí giấy cho xe ra.” Và thậm chí bạn đọc này còn viết: “Mong BT có địa chỉ Facebook để người dân đi xe chuyển cho BT những hình ảnh nhà xe mỗi khi tới chốt CSGT, chỉ có 5-10s là lại lao vun vút. Và xe chở quá người, quá tải hàng... vẫn đi ngon...”?

Đại tá Trần Sơn Hà: Đây là câu hỏi chúng tôi trăn trở trong nhiều năm, từ khi thực hiện Nghị định 36 năm 1995 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị và Luật giao thông đường bộ 2001, sửa đổi năm 2008.

Vấn đề xử lý nguyên nhân gây tai nạn giao thông được sự quan tâm của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị. Là lực lượng nòng cốt trong việc này, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, lực lượng xử lý gần 3 triệu trường hợp  vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên tai nạn vẫn phổ biến, mà 80% nguyên nhân tai nạn là do người điều khiển phương tiện. Đây là số thực chúng tôi đã điều tra, phân tích.

Rõ ràng vi phạm quá phổ biến trong khi lực lượng của chúng ta quá mỏng. Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng, phải thực hiện theo pháp luật và sự giám sát của nhân dân. Chúng tôi có quy chế để kiểm soát và chúng tôi có đường dây nóng, của Cục và của các tỉnh thành, mong nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ánh qua đường dây nóng, hoặc có đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết. Tất cả trường hợp sai phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong 3 triệu trường hợp, có trường hợp nào CSGT bị xử lý?

Đại tá Trần Sơn Hà: Chúng tôi xử lý trên 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng, hoặc xử lý trước pháp luật.

Cũng trong 6 tháng chúng tôi lập biên bản trên 400 trường hợp lái xe, chủ hàng vi phạm giao thông xuống đưa tiền  cho cảnh sát. Bộ Công an có cơ quan Thanh tra, những trường hợp có đơn tố cáo cán bộ, chiến sĩ tiêu cực đều được cơ quan thanh tra kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mỗi ngày, hàng nghìn chiến sĩ CSGT vẫn đang "phơi nắng" phục vụ nhân dân.
Mỗi ngày, hàng nghìn chiến sĩ CSGT vẫn đang "phơi nắng" phục vụ nhân dân.

Trên bất kì cung đường nào chạy qua địa phương nào cũng có CSGT lập chốt gác. Vậy việc bỏ lọt những xe quá tải, xe chạy quá tốc độ gây đến tai nạn thì CSGT địa phương đó đã bị xử lí kỷ luật bao giờ chưa, thưa ông?

Đại tá Trần Sơn Hà: Thực hiện Luật GTĐB 2008 và Nghị định 27 của Chính phủ, lực lượng công an được huy động các lực lượng cảnh sát khác để bảo đảm giao thông. Nhưng hiện nay, chúng ta có 37 triệu mô tô, xe gắn máy, trên dưới 2 triệu ô tô trên tất cả các cung đường từ liên xã, huyện lộ,… đều có phương tiện tham gia giao thông, nhưng với lực lượng quá mỏng, không thể quán xuyến được, không thể “cầm canh” người coi mèo ở mâm cỗ được.

Chúng tôi thực hiện đề án của Chính phủ, xây dựng các trạm kiểm soát có camera giám sát, qua đó tính tự giác của lái xe nâng lên một chút. Còn về tình trạng quá tải, hiện nay tình trạng này khá phổ biến, xuất phát từ quản lý vận tải của các doanh nghiệp.

Rõ ràng các cung đường đều có lực lượng cả, cũng có kiểm soát, nhưng kiểm soát không xuể, lực lượng mỏng. Trời nắng 40 độ lực lượng vẫn giăng ở ngoài đường kiểm tra.

Chúng tôi mong khán giả chia sẻ, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Trời nắng nóng trên đường như thế, ai cũng muốn ngồi trong phòng mát, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông phải làm việc trên đường suốt ngày, thậm chí còn bị tấn công. Như khi thực hiện chỉ thị 22 của Ban Bí thư về bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì hơn 20 cảnh sát hi sinh. Hàng trăm đồng chí bị thương, có đồng chí vợ phải đút cháo 10 năm trời,…  để cưỡng chế đội mũ. Phải chia sẻ những gian khổ đó, lực lượng của chúng tôi vẫn được Đảng, Nhà nước tin cậy, giao làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ, bởi nếu không cưỡng chế tính tự giác còn rất kém.

Còn thực tế có trường hợp lọt, quá tải, còn đồng chí nào vi phạm quy trình kiểm soát, để lọt,… thì đồng chí đó chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngọc Quang