Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Tri và bốn nguyên tắc để sắp xếp lại bộ máy chính quyền

27/11/2018 07:43
Vũ Phương
(GDVN) - Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Tri cho biết, việc hợp nhất sở, ngành và tiến tới cấp bộ là việc làm hết sức cần thiết và đúng đắn, nhưng không dập khuôn, máy móc.

Những ngày qua quyết định của tỉnh Bạc Liêu hợp nhất giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ bắt đầu từ ngày 1/1/2019 nhận được sự quan tâm từ dư luận, xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc bộ máy hành chính nhà nước vốn đang cồng kềnh cần phải được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, đa chức năng, không chồng chéo.

Điều này sẽ giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho công chức viên chức tương xứng với giá trị sức lao động.

Đáng chú ý, tỉnh Bạc Liêu cũng quyết định hợp nhất giữa Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch với Sở Thông tin và Truyền thông.

Cùng với đó, địa phương cũng sẽ công bố hợp nhất giữa Ban Tôn Giáo (trực thuộc Sở Nội vụ) về Ban Dân tộc tỉnh (đơn vị tương đương cấp Sở), thành lập Ban Tôn Giáo – Dân tộc, sáp nhập Sở Ngoại vụ tỉnh về chung với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Sau khi tỉnh Bạc Liêu hợp nhất giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ.
Sau khi tỉnh Bạc Liêu hợp nhất giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ. 

Đánh giá về việc triển khai quyết liệt, mạnh mẽ của tỉnh Bạc Liêu, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính (Học viện hành chính Quốc gia) cho rằng: “Chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy đối với cơ quan nhà nước là hết sức đúng đắn và cần thiết. Thực tế, bộ máy của chúng ta vẫn đang quá cồng kềnh.

Tỉnh Bạc Liêu hợp nhất nhiều sở, ngành rất đáng hoan nghênh và cần tiếp tục nhân rộng. Không chỉ các sở, ngành, các địa phương cũng cần sáp nhập đối với những địa phương có diện tích nhỏ, dân số ít.

Việc sáp nhập một số sở, ngành, địa phương tùy thuộc vào đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng địa phương. Không phải tỉnh nào cũng làm giống nhau”.  

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Tri chỉ ra bốn nguyên tắc, cơ sở lý luận để tiến hành sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Thứ nhất, chức năng nào trong xã hội cũng phải có một tổ chức đảm nhận.

Thứ 2, bất cứ tổ chức nào cũng có chức năng, bởi không có chức năng thì không có điều kiện tồn tại tổ chức.

Thứ 3, trong một hệ thống tổ chức, mỗi chức năng không giao cho nhiều bộ phận, nhiều tổ chức.

Thứ 4, một tổ chức, một bộ phận có thể đảm nhận một số chức năng.

Như vậy, có thể thấy tùy theo quy mô, đối tượng mà chúng ta sáp nhập các tổ chức lại. Có thể một tổ chức nhận hai, ba hay nhiều chức năng khác nhau.  

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tri cho rằng, sáp nhập nhiều sở, ngành là việc làm đúng và cần thiết khi bộ máy chúng ta vẫn đang khá cồng kềnh. Ảnh: Đại học Thành tây.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tri cho rằng, sáp nhập nhiều sở, ngành là việc làm đúng và cần thiết khi bộ máy chúng ta vẫn đang khá cồng kềnh. Ảnh: Đại học Thành tây. 

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Tri chi rõ: “Nếu một cơ quan, đơn vị nhỏ có nhiều bộ phận, nhiều chức năng thì hoàn toàn có thể sáp nhập thành một tổ chức.

Còn ở cấp lớn hơn, quy mô rộng hơn cần tách ra. Như cấp huyện không cần thiết phải nhiều phòng. Không nhất thiết là trên có sở gì, dưới có phòng đó. Trên cấp trung ương cũng vậy, bộ gì, sở đó.

Hơn nữa, các địa phương, các tỉnh không nhất thiết phải tỉnh nào cũng giống nhau. Ví dụ, có địa phương đô thị hóa, không còn trồng trọt nữa thì không cần thiết Sở Nông nghiệp.

Chúng ta phải dựa trên cơ sở, những nguyên tắc trên đó để tiến hành sáp nhập, sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Thu gọn đầu mối về tổ chức. Thu gọn được nhân lực ắt bộ máy sẽ có hiệu quả”.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Hữu Tri, sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tổ chức yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ sẽ rất quan trọng. Bởi, sáp nhập, tinh giản biên chế có thể một người làm nhiều chức năng, nhưng trình độ, năng lực anh có hạn thì khó hoàn thành công việc.

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Tri và bốn nguyên tắc để sắp xếp lại bộ máy chính quyền ảnh 3Hợp nhất Sở Giáo dục với Khoa học và Công nghệ là hợp lý

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Tri phân tích: “Một cán bộ có thể đảm nhận hơn 1 chức năng có thể 2, 3 chức năng. Một người có thể làm 2, 3 công việc nếu việc đó ít, nhưng hoàn toàn cũng có thể một công việc 2, 3 người làm nếu việc đó lớn. Dựa trên nguyên tắc đó để chúng ta căn cứ điều chỉnh.

Sáp nhập sẽ giảm đáng kể đội ngũ cán bộ dôi dư trong bộ máy nhà nước vốn đang khá cồng kềnh. Điều này có nghĩa đòi hỏi năng lực cán bộ sau khi sáp nhập phải được nâng lên.

Để thực hiện Nghị quyết của Trung ương để sắp xếp, cơ cấu lại nội vụ, tinh giản biên chế thì anh phải xác định được cơ quan anh có bao nhiêu vị trí công việc.

Trên cơ sở công việc, phải xác định được tiêu chuẩn công việc đó cần nhân lực như thế nào để bố trí, sắp xếp người cho đúng”.  

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Tri cũng chỉ rõ, việc sáp nhập sở, ngành thì công tác giải quyết chế độ, lựa chọn người có năng lực sau khi sáp nhập làm lãnh đạo rất quan trọng. Sáp nhập chắc chắn công việc sẽ nhiều lên yêu cầu người đứng đầu đơn vị phải đủ tâm và tầm mới dẫn dắt cơ quan đi lên. Tuy nhiên, việc đánh giá công việc, đánh giá năng lực của cán bộ là khó khăn nhất.

 “Sáp nhập, hợp nhất giữa các bộ ngành, phòng ban cần phải có lộ trình triển khai và thực hiện. Chắc chắn việc này sẽ đụng đến vấn đề con người, lợi ích, quyền lợi, vị trí.

Bởi vậy, trước khi sáp nhập, các cơ quan, đơn vị cũng cần có những đánh giá, nghiên cứu, tư vấn nhất định trước khi sáp nhập để việc hợp nhất đạt đồng thuận trong các cơ quan hợp nhất và được người dân ủng hộ. 

Trước mắt hợp nhất cấp sở, phòng, ban ngành, nhưng tới đây cấp bộ cũng cần phải làm. Cải cách hành chính phải đi từ trên xuống mới thành công, đạt hiệu quả”, Phó Giáo sư Nguyễn Hưu Tri nói.

Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Bộ Nội vụ đưa ra với 3 phương án về khung số lượng sở, ngành. Trong đó, phương án một quy định thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không quá 20, các tỉnh còn lại từ 17- 19 sở, ngành.

Theo phương án này, cả nước sẽ giảm tối thiểu 46 sở. Phương án hai, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không quá 20, các tỉnh, thành còn lại không quá 17-18 sở, ngành. Như vậy, cả nước sẽ giảm tối thiểu 88 sở, ngành. Còn phương án 3 là sắp xếp các sở, ngành không vượt quá số lượng hiện có.

Trong ba phương án trên, Bộ Nội vụ đề xuất lựa chọn phương án một để đảm bảo thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy có lộ trình, tránh xáo trộn lớn. Trên cơ sở đó, số khung các sở, ngành được tính toán dựa trên việc sắp xếp lại 21 sở, ngành hiện có. Trong đó có 4 Sở Tư pháp, Tài nguyên môi trường, Lao động – Thương binh và xã hội, Y tế được tổ chức thống nhất trên cả nước, 17 sở ngành còn lại giao cho địa phương quyết định hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp lại tùy theo từng địa phương.

Với các Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân thì Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh, Uỷ ban Kiểm tra tỉnh và Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Ðối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương gồm: Sở Quy hoạch - Kiến trúc (thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch, Bộ Nội vụ đề xuất trao quyền để cấp tỉnh có thể xem xét quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập.

Vũ Phương