Phòng CSGT Hà Nội lên tiếng vụ “bán giấy phép xe vào đường cấm"

03/07/2013 07:04
Viết Cường
(GDVN) - “Ngay khi nhận được thông tin từ dư luận, đồng chí Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT- Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo một tổ công tác của Phòng CSGT xác minh, kiểm tra, làm rõ sự việc này. Đội tham mưu cũng sẽ có trách nhiệm thông báo, chấn chỉnh các đơn vị liên quan". Đại úy Trương Song Thành, đội Trưởng đội Tham mưu cho biết.

Dù đã có quy định về hoạt động của các loại xe tải theo Quyết định 06, nhưng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội vẫn ban hành giấy phép vào phố cấm, khiến người dân và doanh nghiệp khốn đốn vì bỗng nhiên lại mất thêm “tiền oan”?

Xe 1 tấn cũng phải giấy phép. Ảnh: Đức Hoàng (Báo Tiền Phong)
Xe 1 tấn cũng phải giấy phép. Ảnh: Đức Hoàng (Báo Tiền Phong)


>>>Xem Video lãnh đạo phòng CSGT CA Hà Nội trả lời về vụ việc

Doanh nghiệp, lái xe khốn khổ vì tờ giấy phép “miễn phí”

Quyết định số 06/2013 của UBND TP Hà Nội quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Cụ thể: Tại điểm 2.4, Điều 4 của Quyết định này quy định về việc cấm xe tải có trọng lượng toàn bộ của xe trên 1,25 tấn hoạt động trong giờ cao điểm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Điều 5 quy định về thời gian hoạt động của các loại phương tiện trong khu vực hạn chế: Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn: Cấm hoạt động trong giờ cao điểm; Các loại ô tô vận tải có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công chỉ được phép lưu hành từ 21h00 đến 6h00 sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền.

Mặc dù Quyết định số 06 của UBND TP Hà Nội đã quy định rõ, giờ giấc cho từng loại phương tiện, cụ thể cho những phương tiện cần phải có giấy phép và không cần giấy phép vào phố cấm như vậy. Tuy nhiên, không hiểu tại sao Phòng CSGT Công an TP Hà Nội vẫn bắt xe tải, có trọng tải dưới 1,25 tấn phải có Giấy phép vào phố cấm. Quyết định này khiến nhiều lái xe điêu đứng, thậm chí bỏ nghề.

Một hàng dài xe tải từ các tỉnh xếp hàng đợi tới lượt vào “mua” giấy phép vào phố cấm - Ảnh: Hà An (Báo Thanh Niên)
Một hàng dài xe tải từ các tỉnh xếp hàng đợi tới lượt vào “mua” giấy phép vào phố cấm  - Ảnh: Hà An  (Báo Thanh Niên)
Mỗi tối vẫn có rất đông chủ xe tụ tập trước trụ sở CSGT để “mua” giấy phép vào phố cấm như thế này - Ảnh: Hà An (Báo Thanh Niên)
Mỗi tối vẫn có rất đông chủ xe tụ tập trước trụ sở CSGT để “mua” giấy phép vào phố cấm như thế này - Ảnh: Hà An (Báo Thanh Niên)

Một xe nếu muốn chạy cả ngày lẫn đêm thì buộc phải xin 2 loại giấy phép, một giấy lưu hành ban ngày (từ 9h - 15h), một giấy chạy xe ban đêm (từ 21h - 6h). Và đương nhiên muốn có giấy phép thì phải cậy cục đi xin và cả một ma trận rắc rối chờ họ ở phía trước.

Theo phản ánh của báo Thanh Niên, để có được giấy phép vào đường cấm mà như  Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội nói là không thu phí thì lái xe lại mất khá nhiều phí. 

Chỉ tính riêng tại Đội CSGT số 5, theo quan sát của PV vào tối ngày 28/5, trong khoảng 10 phút đã có 5 xe tải vào xin giấy phép, với mỗi hồ sơ lái xe kẹp 50.000 đồng thì trong một đêm số tiền cũng không nhỏ, nhưng không có hóa đơn hay phiếu thu. Không rõ khoản tiền này vào túi ai?

Trước đó ngày 23/5/2013, trong buổi gặp gỡ lãnh đạo TP Hà Nội với doanh nghiệp, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Hồ Gươm đã bức xúc phản ánh, doanh nghiệp của bà phải mua giấy phép vào phố cấm qua “cò” với giá là 3 triệu đồng/1 giấy, thời gian hoạt động khoảng 3 tháng.

Không những vậy, nhiều doanh nghiệp và cánh lái xe còn gặp vô số phiền toái như bị CSGT điều chỉnh múi giờ một cách rất tùy tiện, phi lý.

Việc ban hành quyết định 06 của UBND TP Hà Nội, cùng với việc cấp giấy phép vào phố cấm của Phòng CSGT TP Hà Nội đã vô tình tiếp tay cho tiêu cực phát sinh trong quy trình cấp phép tại một số đơn vị trực thuộc phòng CSGT Công an TP Hà Nội.

Viên đại úy CSGT nhặt từng tờ 50.000 đồng được kẹp trong giấy tờ từ chủ xe, bỏ vào ngăn kéo. Ảnh: Thanh Niên
Viên đại úy CSGT nhặt từng tờ 50.000 đồng được kẹp trong giấy tờ từ chủ xe, bỏ vào ngăn kéo.
Ảnh: Thanh Niên

>>>Xem Video lãnh đạo phòng CSGT CA Hà Nội trả lời về vụ việc

Sẽ xác minh, kiểm tra làm rõ sự việc

Ngay sau khi báo chí có bài phản ánh liên quan đến việc CSGT Hà Nội “bán” giấy phép xe vào đường cấm, chiều 2/7, trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, đại diện phòng CSGT - Công an TP Hà Nội, Đại úy Trương Song Thành, đội Trưởng đội Tham mưu lí giải:

“Căn cứ cấp phép cho xe tải phải dựa vào hồ sơ, sổ đăng kiểm…. sau đó, cán bộ CSGT sẽ xác minh xem phương tiện đó có trọng tải toàn bộ xe từ 1,25 tấn trở lên, có thuộc danh mục cần phải được cấp giấy khi lưu hành hay không. Còn đối với xe có tải trọng toàn bộ dưới 1,25 tấn thì thực hiện theo quyết định 06 ”.

Ông Thành cho biết thêm: “Việc cấp giấy phép cho các phương tiện có tải trọng toàn bộ từ 1,25 tấn trở lên đã được phòng CSGT Công an TP Hà Nội chỉ đạo giao cho các đội CSGT, từ đội CSGT số 5 đến đội CSGT số 12, thực hiện theo đúng qui trình của Bộ Công an, CATP Hà Nội và không thu lệ phí”.

Về việc báo chí phản ánh đội CSGT số 5, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội có nhận tiền trong quá trình cấp phép, ông Thành cho hay:

“Ngay khi nhận được thông tin từ dư luận, đồng chí Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT- Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo một tổ công tác của Phòng CSGT xác minh, kiểm tra, làm rõ sự việc này. Đội tham mưu cũng sẽ có trách nhiệm thông báo, chấn chỉnh các đơn vị liên quan. Giao trách nhiệm cho các đội trưởng đội CSGT trực thuộc phòng CSGT, có trách nhiệm quản lí cán bộ của mình.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ chiến sỹ nào để xảy ra vi phạm sẽ bị xử lí kỷ luật. Tạm đình chỉ công tác chỉ huy liên đới cấp đội cũng sẽ bị xem xét xử lí vi phạm theo qui định”.

Viết Cường