Phòng, chống ma túy-cuộc chiến lâu dài

04/10/2013 15:31
THANH PHONG/Báo Bà Rịa Vũng Tàu
(GDVN) -Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 20 của Tỉnh ủy về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh tuy không công khai, lộ liễu như trước, nhưng tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố hết sức phức tạp; người nghiện ma túy hiện nay tập trung ở độ tuổi từ 16 đến 30 và có ở tất cả các địa bàn dân cư từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Báo cáo cũng cho biết, qua 5 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị và chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy của Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện; các ban, ngành, đoàn thể, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống ma túy gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; lồng ghép nội dung phòng chống ma túy vào việc xây dựng gia đình, khu phố, thôn, ấp văn hóa; triển khai đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy” ở tất cả các xã, phường; các lực lượng vũ trang mở các đợt cao điểm tấn công, truy quét tội phạm ma túy và các tệ nạn xã hội…đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong cả hệ thống chính trị và đã thu được những kết quả đáng kể.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cụ thể, từ năm 2008 đến tháng 6-2013 đã bắt, xử lý 2.514 vụ, 4.094 đối tượng, trong đó khởi tố 671 vụ, 855 đối tượng; thu giữ 1.325 gram heroin, hơn 17kg và 4.376 cây cần sa, 1.268 gram và 548 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều đồ vật, dụng cụ có liên quan đến ma túy; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 1.888 người… 
Tuy nhiên, thực trạng của tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất phức tạp, tội phạm ma túy hoạt động tinh vi, trong khi lực lượng trực tiếp đấu tranh tội phạm ma túy từ tỉnh đến cơ sở còn mỏng; công tác nắm địa bàn, nhất là địa bàn công cộng, địa bàn giáp ranh hẻo lánh, quản lý đối tượng chưa chặt chẽ, đặc biệt là số đối tượng ma túy hoạt động lưu động; chưa kiểm soát chặt chẽ, xử lý triệt để các đối tượng sử dụng ma túy trong các vũ trường, quán bar và các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.
 Hiệu quả của các mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở cai nghiện dân lập chủ yếu mới ở giai đoạn “cắt cơn”, hiệu quả thấp; số đối tượng sau khi cai nghiện về cộng đồng nơi ở không ổn định, không có việc làm do không có nghề nghiệp, tay nghề chuyên môn; các nghề đào tạo tại các Trung tâm giáo dục-Lao động-Dạy nghề chưa thật sự phù hợp cho đối tượng cai nghiện ma túy khi trở về cộng đồng…

Thực tế cho thấy, tệ nạn ma túy đang diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ, nó là mối hiểm họa đối với con người, có ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cuộc sống bình yên của người dân; nó cũng ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục, sức khỏe và sự tồn vong của nòi giống.

 Vì vậy, cùng với việc thực hiện những giải pháp đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy một cách kiên quyết, mạnh mẽ thì công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan, bằng hình thức xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, các mục tiêu cần đạt được.

Chú trọng tuyên truyền tại cơ sở, địa bàn trọng điểm, các gia đình, khu dân cư. Thông tin, phổ biến pháp luật có liên quan đến phòng chống ma túy, vạch rõ thủ đoạn xảo quyệt của bọn tội phạm buôn bán, cung cấp ma túy, lôi kéo người tham gia vào đường dây tội phạm này… Phải xác định cuộc đấu tranh phòng chống ma túy là cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội.

THANH PHONG/Báo Bà Rịa Vũng Tàu