Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Phủ nhận chuyện nam sinh ĐH Bách Khoa "chết do hiến máu nhân đạo"

11/10/2012 11:34
Thu Hòe
(GDVN) - “Từ nhỏ Hiệp hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, không hề có tiền sử bệnh tim. Sự ra đi của cháu là nỗi đau xót vô cùng lớn với gia đình chúng tôi! Đó hoàn toàn là một sự cố ngoài ý muốn xảy đến với cháu và gia đình. Gia đình tôi không cho nguyên nhân cái chết của cháu là do hiến máu nhân đạo…”.
Qua số điện thoại đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của độc giả về việc sinh viên Chu Khánh Hiệp – K53 khoa Cơ điện điện tử, Chương trình tiên tiến, ĐH Bách Khoa Hà Nội chết sau khi tham gia hiến máu nhân đạo ở trường. Cũng theo thông tin độc giả phản ánh đến Báo, sinh viên Chu Khánh Hiệp có tiền sử bệnh tim. Sau khi tham gia hiến máu nhân đạo, Hiệp còn tham gia hoạt động tình nguyện quần quật gần hai ngày liền dẫn đến hậu quả là cái chết đột ngột không báo trước này.
Sinh viên Chu Khánh Hiệp – K53 khoa Cơ điện điện tử, Chương trình tiên tiến, ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Sinh viên Chu Khánh Hiệp – K53 khoa Cơ điện điện tử, Chương trình tiên tiến, ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của độc giả, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai – nơi Hiệp được đưa vào cấp cứu và những người có liên quan để xác minh thực hư sự việc. "Không có tiền sử bệnh tật"
Trao đổi với chúng tôi, bạn Nam – lớp trưởng lớp K53, khoa Cơ điện điện tử, Chương trình tiên tiến, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Sự ra đi của Hiệp quá đột ngột và để lại sự thương xót vô hạn với người thân, bạn bè và thầy cô. Ngày 2/10, Hiệp còn cùng chúng em tham gia hiến máu nhân đạo ở trường. Tối vẫn đi biểu diễn say sưa đến hơn 12h đêm mới về nhà. Sáng hôm sau, bạn vẫn đi học bình thường cùng chúng em, không có bất cứ dấu hiệu mệt mỏi nào. Chiều Hiệp vẫn tham gia họp chi đoàn với các em khóa dưới trong tư cách đại diện Ban chấp hành Đoàn trường. Khoảng 17h cùng ngày, toàn thân Hiệp bỗng nhợt nhạt, tím tái và gục xuống bàn bất tỉnh. Chúng em vội vàng sơ cứu qua cho Hiệp và đưa cậu ấy vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Nhưng Hiệp đã mất trên đường đến bệnh viện…”. Chia sẻ cùng chúng tôi, bạn Long – sinh viên lớp K53, khoa Cơ điện điện tử, Chương trình tiên tiến, ĐH Bách Khoa Hà Nội Hiệp, một trong các thành viên tham gia hoạt động Đoàn cùng Chu Khánh Hiệp kể: “Hiệp là một cán bộ đoàn mẫn cán và năng nổ. Ngày 2/10, Đoàn trường ĐH Bách Khoa phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức hiến máu nhân đạo tại trường, cậu ấy đã cùng rất nhiều sinh viên của trường tham gia hiến máu nhân đạo sau khi đã được kiểm tra tổng thể về điều kiện sức khỏe. Căn cứ trên điều kiện sức khỏe cho phép, Hiệp đã hiến 250 ml máu và hoàn toàn bình thường sau khi hiến máu…”. “Ai đó nói Hiệp chết là do hiến máu nhân đạo là sai. Em chưa thấy ai chết do hiến máu nhân đạo cả. Có chăng nó chỉ phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe chút ít khi mất máu và thể trạng quá yếu. Hiệp hiến 250 ml máu cộng thêm cơ thể suy nhược và làm việc quá sức nên đã dẫn đến hiện tượng trụy tim làm bạn đột quỵ. Em học cùng và chơi cùng với Hiệp gần 5 năm nay nhưng chưa từng thấy cậu ấy có biểu hiện bệnh tim mạch…”, Long cho biết thêm. Trao đổi với PV, ông Hùng – Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Tôi không dám khẳng định nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chu Khánh Hiệp là gì nhưng nếu Hiệp chết do hiến máu thì dứt khoát gia đình em phải có đơn khiếu nại. Tuy nhiên, gia đình đã không có bất cứ một động thái truy cứu hình sự nào thậm chí gia đình còn có đơn xin miễn truy cứu pháp y. Chính bản thân tôi đã hỏi rất kĩ bố đẻ của sinh viên Chu Khánh Hiệp là bác Chu Trung Thành về việc Hiệp có tiền sử bệnh tật gì không? Bố Hiệp đã khẳng định chắc chắn rằng, Hiệp không có bất cứ một tiền sử bệnh tật nào. Từ bé đến lớn, sức khỏe của em hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh… Nếu nguyên nhân cái chết của Hiệp là do hiến máu thì chắc chắn nhà trường và các cơ quan chức năng sẽ làm rõ sự tình. Chúng tôi không thể để có chuyện mập mờ xung quang việc hiến máu nhân đạo, một nghĩa cử được cả xã hội tôn vinh…” Chiều ngày 10/10, đại diện Bệnh viện Bạch Mai đã có trả lời chính thức về cái chết của sinh viên Chu Khánh Hiệp với Giáo dục Việt Nam. Theo các bác sỹ của khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, chiều ngày 3/10, Hiệp được bạn bè đưa đến cấp cứu tại đây. Tuy nhiên, khi đến nơi thì Hiệp đã mất. Vì gia đình bệnh nhân có đơn xin miễn truy cứu pháp y nên Bệnh viện Bạch Mai đã không tiến hành mổ tử thi để kết luận về cái chết của sinh viên này. “Vì bệnh nhân được đưa đến trong tình trạng đã chết hơn nữa gia đình bệnh nhân lại có đơn xin miễn truy cứu pháp y nên Bệnh viện Bạch Mai không thể tiến hành mổ tử thi để tìm hiểu và kết luận về nguyên nhân cái chết. Trong hồ sơ bệnh án còn lưu lại tại khoa cấp cứu A9, chúng tôi chỉ có thể kết luận: “Bệnh nhân chết ngoại viện”. Bác sỹ cấp cứu chỉ cấp cứu để cứu sống người đang gặp nguy kịch chứ không cố gắng trên 1 thân thể đã nguội lạnh được đưa đến bệnh viện. Việc bệnh nhân Chu Khánh Hiệp chết do hiến máu và có tiền sử bệnh tim hay không chúng tôi không kết luận được về vấn đề này…”, đại diện phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Bạch Mai cho biết. Bác Chu Trung Thành, bố đẻ của sinh viên Chu Khánh Hiệp cũng khẳng định: “Từ nhỏ Hiệp hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, không hề có tiền sử bệnh tim. Sự ra đi của cháu là nỗi đau xót vô cùng lớn với gia đình chúng tôi! Đó hoàn toàn là một sự cố ngoài ý muốn xảy đến với cháu và gia đình. Gia đình tôi không cho rằng nguyên nhân cái chết của cháu là do hiến máu nhân đạo…”.

"Hiến máu theo hướng dẫn của thầy thuốc không có hại cho sức khỏe. Điều đó đã được chứng minh bằng các cơ sở khoa học và cơ sở thực tế.

Về khoa học thì máu có nhiều thành phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hằng ngày. Ví dụ: Hồng cầu sống được 120 ngày, huyết tương thường xuyên được thay thế và đổi mới. Cơ sở khoa học cho thấy, nếu mỗi lần hiến dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể thì không có hại đến sức khỏe.

Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường không hề gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể.

Về cơ sở thực tế, đã có hàng triệu người hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn hoàn toàn tốt. Trên thế giới có người hiến máu trên 400 lần. Ở Việt Nam, người hiến máu nhiều lần nhất đã hiến gần 100 lần, sức khỏe hoàn toàn tốt.

Như vậy, mỗi người nếu thấy sức khoẻ tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì có thể hiến máu từ 3-4 lần trong một năm, vừa không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bản thân, vừa đảm bảo máu có chất lượng tốt, an toàn cho người bệnh..."

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thu Hòe