Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Quan chức Quốc hội: "Phòng chống tham nhũng nói thì dễ, làm thì khó"

23/10/2012 07:53
Minh Anh
(GDVN) - “Nói đến phòng, chống tham nhũng thì đúng là “nói thì dễ, làm thì khó”.
Theo thông tin từ văn phòng Quốc hội, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII có điểm đổi mới so với trước là dành 1,5 ngày làm việc đầu tiên để nghe và thảo luận Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 của Chính phủ. Điều này cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng đã được đặt lên hàng đầu. Phóng viên đã có trao đổi với ông Trần Đình Nhã – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Đình Nhã – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Ông Trần Đình Nhã – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Ông Trần Đình Nhã khẳng định, kỳ họp Quốc hội lần này có nội dung “nặng” với hàng loạt vấn đề nóng bỏng của đất nước hiện nay, trong đó có vấn đề phòng, chống tham nhũng. Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tại Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng vừa qua cũng đã bàn và “chuyển hướng” làm rõ thêm biện pháp phòng, chống tham nhũng. Và tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ bàn xây dựng dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nhằm đề ra các biện pháp hữu hiệu. Trả lời câu hỏi, nhiều ý kiến cho rằng, tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, vậy kỳ họp này cần tập trung “mổ xẻ” căn bệnh tham nhũng đang diễn biến trầm kha theo hướng nào, ông Nhã cho biết: “Kỳ họp này sẽ bàn 4 nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ trong đó có nguy cơ tham nhũng. Nhìn cụ thể vào việc góp ý xây dựng dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), tôi nghĩ rằng các đại biểu sẽ “mổ xẻ” làm rõ thêm tính khả thi của dự luật cũng như những đề xuất hiệu quả hơn. Có điều nói đến phòng, chống tham nhũng thì đúng là “nói thì dễ, làm thì khó”. Bởi ai cũng biết trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng muốn vay được tiền thì phải có lót tay hay nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Nhưng để chứng minh có tiêu cực, tham nhũng hay không lại là điều không đơn giản, bởi phần lớn “khổ chủ” lại ngại tố cáo”. Cũng theo ông Nhã, luật phòng, chống tham nhũng sẽ không quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và người đứng đầu cơ quan này sẽ do Tổng Bí thư giữ trọng trách theo kết luận của Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng. “Đảng ta là Đảng cầm quyền vì thế không chỉ Nhà nước mà trước hết là Đảng phải chịu trách nhiệm trước mọi vấn đề của đất nước, trong đó có tham nhũng. Chính vì vậy tham nhũng được xem là một trong 4 nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, của chế độ, đồng thời cũng là sự tồn vong của Đảng nên việc Tổng Bí thư giữ trọng trách Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng là đúng. Tuy nhiên, vấn đề là phải “bày binh, bố trận”, đề ra và thực hiện giải pháp ra sao là một quá trình. Dẫn ví dụ về quy định kê khai tài sản theo dự Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) thì đối tượng kê khai gồm những ai, ai phải kê khai, kê khai ở đâu? Tất cả những điều này là câu hỏi lớn cần có lời giải trúng. Nhưng đây chỉ là một biện pháp trong rất nhiều giải pháp để đối phó với tham nhũng. Hay mới đây nổi lên tội phạm ngân hàng – loại tội phạm mới thì phải làm rõ nguyên nhân do đâu, có phải do lỗ hổng luật pháp thì phải bịt lại, đồng thời cần gắn trách nhiệm chặt hơn nữa người đứng đầu cũng như Bộ, ngành chức năng”, ông Nhã nói. Trả lời câu hỏi, quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ được gút lại tại kỳ họp này để Quốc hội ra Nghị quyết triển khai thực hiện từ năm 2013 có phải là “thuốc” hữu hiệu để phòng và trị tham nhũng hay không, ông Nhã cho hay: “Việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm là thực hiện theo Hiến pháp và chủ trương của Đảng đối với các chức danh do các cơ quan dân cử bầu ra và sẽ được tiến hành mỗi năm. Việc này để đánh giá năng lực làm việc, đóng góp của người có chức vụ. Hoạt động này là nhằm “kiểm tra lòng tin” gửi gắm vào các chức danh này có chính xác không. Đồng thời cũng là một công tác kiểm tra những vị được bầu ra có dấu hiệu tham nhũng hay không? Như việc từ khi nhận nhiệm vụ, gia đình, con cái, người thân giàu có lên một cách bất thường, vợ con mở công ty hay làm ở những vị trí bổng lộc hay bản thân đi nước ngoài liên tục thay vì đến những vùng khó khăn. Hoặc có tích cực, năng động trong công tác hay “tròn vo” và vì lợi ích riêng. Tất cả những việc này nếu có vấn đề đều dẫn đến mất tín nhiệm”.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Minh Anh