Quan chức Quốc hội bày tỏ lo ngại sau vụ nổ mìn cướp tiệm vàng

25/06/2012 11:46
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Theo bà Nguyễn Thị Khá, để thanh niên không sa vào con đường phạm tội thì thanh niên cần phải được học hành tử tế, có việc làm và có nơi vui chơi lành mạnh.
Những thông tin về nhân thân của hai thủ phạm gây ra vụ nổ mìn tại tiệm vàng Hoàng Tín (ở số 124 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội, làm ít nhất 11 người bị thương phải nhập viện) cũng như một số tội phạm trong các vụ án khác khiến nhiều người thực sự lo ngại về một vấn đề xã hội đang tồn tại.

Đó là vấn đề về giáo dục, định hướng phát triển đối với các đối tượng trong độ tuổi đi học nhưng bỏ học sớm, không được gia đình quan tâm, chăm sóc, đi làm sớm không có việc làm ổn định… Trước vấn đề như vậy, phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Thị Khá tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Ảnh VGP/Nhật Bắc)
ĐBQH Nguyễn Thị Khá tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Bà Khá cho biết: “Vụ cướp tiệm vàng manh động tại phố Nguyễn Thái Học vừa qua cho thấy, những hành vi vi phạm pháp luật của một bộ phận giới trẻ trong độ tuổi đến trường mà không đi học, đang lao động ngoài xã hội là do ảnh hưởng từ môi trường. Trong chuyện này, lỗi trước tiên thuộc về gia đình của các em, thứ đến là các đoàn thể xã hội”.

Theo bà Khá, để thanh niên không sa vào con đường phạm tội thì thanh niên cần phải được học hành tử tế, có việc làm và có nơi vui chơi lành mạnh. Muốn có được những yếu tố này, gia đình, nhà trường và xã hội phải có sự kết hợp chặt chẽ với nhau.

Chùm ảnh: Nổ mìn ở cửa hàng vàng trên phố Nguyễn Thái Học
Video: Nổ mìn ở tiệm vàng tại phố Nguyễn Thái Học
Video: Lời khai của hung thủ nổ mìn cướp tiệm vàng phố Nguyễn Thái Học
Kinh hoàng những vụ dùng mìn cướp tiệm vàng

Trước một số ý kiến cho rằng các kỳ thi tuyển sinh: thi vào lớp 10, thi đại học… dường như là “rào cản” quá lớn đối với những học sinh yếu kém để có thể tiếp tục học hành ở bậc học tiếp theo; các nhà trường nên chấp nhận giáo dục những học sinh này để tránh cho họ sớm ra ngoài xã hội tiếp xúc với những cám dỗ, tệ nạn xã hội để rồi phải xử lý hậu quả lớn hơn, bà Khá nói:“Không phải tất cả các học sinh phải vào được cấp 3. Các em học sinh không có khả năng học tiếp thì chúng ta phải tạo điều kiện cho các em học nghề.

Nếu tất cả đều học cấp 3, tất cả đều vào đại học thì cũng không phù hợp vì mỗi người có một năng lực, trình độ, điều kiện gia đình nhất định. Quan trọng là chúng ta tạo cho các em một tiền đề tốt như đào tạo nghề… để các em bước vào đời. Sau này, các em muốn học thì có thể vừa làm vừa học để nâng cao kiến thức”.

Hai anh em đối tượng gây ra vụ nổ mìn tiệm vàng Hoàng Tín ngày 21/6 vừa qua (Ảnh: xahoi.com.vn)
Hai anh em đối tượng gây ra vụ nổ mìn tiệm vàng Hoàng Tín ngày 21/6 vừa qua (Ảnh: xahoi.com.vn)

Về thực trạng kinh tế khó khăn của nhiều gia đình có con em bỏ học sớm, việc không quan tâm đầy đủ đến con em mình, những thanh niên bỏ học sớm đó khó có điều kiện để học tại các trung tâm dạy nghề tại địa phương, bà Khá cho rằng: “Các trung tâm dạy nghề tại địa phương phải tạo điều kiện giúp đỡ các đối tượng học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đó là việc làm giúp người nghèo có điều kiện tiếp cận với các trung tâm dạy nghề".

Ngoài trách nhiệm dạy nghề của các địa phương đối với những học sinh trong độ tuổi đến trường nhưng không tiếp tục đi học, theo bà Khá, các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các đơn vị của Đoàn Thanh niên nên tập hợp họ vào những tổ chức để giáo dục, định hướng cho họ có tư tưởng, có suy nghĩ và hành động đúng đắn…

“Tất cả phải cùng chung tay lại thì mới mong giảm tình trạng trẻ hoá tội phạm, một bộ phận giới trẻ gây án manh động”, bà Khá nói.
Trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) khởi đầu phần chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công an vấn đề trẻ hoá tội phạm, một bộ phận giới trẻ gây án manh động. “Tội phạm vị thành niên có liên quan gì quy định pháp luật, kẽ hở bị lợi dụng?”.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết nguyên nhân phạm tội, chủ yếu là do tác động tình hình kinh tế, xã hội khó khăn, lao động mất việc làm. Sự xuống cấp về đạo đức xã hội, nhất là trong thanh, thiếu niên, tác động trò chơi trực tuyến, văn hoá đồi trụy. 

Về tình hình tội phạm vị thành niên gia tăng, nguyên nhân chính là sự buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình, xã hội. Trẻ em bị tác động các văn hoá xấu, trò chơi trên mạng, mang tính bạo lực, đồi trụy. Để phòng ngừa, đấu tranh loại tội phạm này, cần tăng cường sự giáo dục, quản lý giữa gia đình, nhà  trường, xã hội, trong đó lực lượng Công an tăng cường nắm tình hình, phát hiện và xử lý các vụ việc.

Điểm nóng

“Gái gọi sinh viên” Hà Thành ế ẩm mùa Euro

Chuyện cảm động ghi trên đường của vị sư đi một bước, lạy một cái

Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá cước vận tải

Hồng Chính Quang