Quân dân Sóc Hà đối phó ra sao với các thủ đoạn gây rối của Trung Quốc sau 1979?

10/02/2019 07:51
Trần Phương
(GDVN) - Sau ngày rút quân, địch sử dụng hàng loạt âm mưu thâm độc như bắt cóc, sử dụng chiêu trò, lôi kéo … nhưng tất cả đều thất bại trước sự đoàn kết quân dân

Diện mạo huyện Hà Quảng (Cao Bằng) nói chung và xã Sóc Hà nói riêng hiện nay đã khang trang hơn, nhiều nhà mới kiên cố, những cánh đồng lúa ngô xanh mướt.

Những ngày tháng Hai đi qua nơi đây lại nhắc nhở chúng tôi rằng, khung cảnh yên bình hiện nay đã phải đánh đổi bằng rất nhiều máu của đồng bào, chiến sĩ làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của địch.

Cũng như các đồn biên phòng khác trên tuyến biên giới Việt – Trung, ngày 17/2/1979, cửa khẩu Sóc Giang là mục tiêu tiến công rất mạnh của quân bành trướng Trung Quốc.

Nhà bia tưởng niệm trên đồn biên phòng Sóc Giang (Hà Quảng, Cao Bằng). (Ảnh: LC)
Nhà bia tưởng niệm trên đồn biên phòng Sóc Giang (Hà Quảng, Cao Bằng). (Ảnh: LC)

Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra rất ác liệt trên các địa điểm như Cốc Ngựu, Cốc Nhu, Cốc Vường, điểm cao 505, Trúc Long-Địa Lan, Nà Xác, Trường Hà… chặn đứng hướng tiến công rất mạnh của địch.

Tuy nhiên, cuộc chiến thực sự ở Sóc Giang không chỉ dừng lại trong 30 ngày tấn công của quân địch mà nó là cuộc đấu tranh giành từng thước đất biên cương suốt 10 năm sau hậu chiến.

Quân dân Sóc Hà đối phó ra sao với các thủ đoạn gây rối của Trung Quốc sau 1979? ảnh 2Những nhà bia tưởng niệm dọc biên giới Việt-Trung, dấu tích chiến tranh vệ quốc

Trên nhà bia của đồn Biên phòng Sóc Giang, 11 chiến sĩ biên phòng đã hi sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ vùng phên dậu của Tổ quốc.

Những người chiến sĩ ấy hi sinh rải đều từ năm 1979 đến năm 1988, nghĩa là chiến tranh lùi xa đến 10 năm nhưng máu của chiến sĩ ta vẫn đổ.

Ông Nông Văn Hoàn nguyên là Xã đội trưởng xã Sóc Hà trong thời kỳ hậu chiến sự năm 1979.

Những năm tháng làm Xã đội trưởng, ông Hoàn cùng đồng bào, chiến sĩ đồn công an vũ trang Sóc Hà (nay là đồn biên phòng Sóc Hà), bộ đội địa phương làm thất bại rất nhiều âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Từng là lính của sư đoàn 10, Quân đoàn 3, ông Hoàn đã dày dạn trận mạc nên khi đối phó với những âm mưu của kẻ thù phía bên kia biên giới ông rất có kinh nghiệm.

Ông Nông Văn Hoàn, nguyên xã đội trưởng Xã đội Sóc Hà (Ảnh: LC)
Ông Nông Văn Hoàn, nguyên xã đội trưởng Xã đội Sóc Hà (Ảnh: LC)

“Gian khổ nhất là thời kỳ đấu tranh tâm lý chiến với họ. Lợi dụng dân ta còn nghèo, thiếu thốn vật chất nên họ đưa ra rất nhiều chiêu bài.

Đôi khi chỉ cần dân ta bán một bó rau thôi nhưng cũng có thể đổi lấy một cái phích. Họ tuyên truyền sự giàu có để lôi kéo dân mình bỏ quê hương sang Trung Quốc”, ông Hoàn nói.

“Không những vậy, Trung Quốc còn sử dụng thủ đoạn phía Trung Quốc lợi dụng đêm tối, sương mù, ngày mưa… bí mật di chuyển cộc mốc, tiêu chí biên giới sâu vào trong lãnh thổ Việt Nam hòng lấn chiếm hàng chục km2 của ta, sau đó dùng thủ đoạn phục kích, bắt cóc cán bộ sang bên kia biên giới.

Bằng những chiêu trò như vậy, họ vu cho ta vi phạm chủ quyền. Khi bắt cán bộ ta sang đó, chúng dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, đe dọa tuyên truyền, bôi nhọ nói xấu ta. Chủ yếu là nói rằng mình không thể thắng được Trung Quốc”, ông Hoàn tiếp.

“Cuộc chiến đấu ở Sóc Hà này dai dẳng và phức tạp lắm. Mình xây dựng thế họ không cho đâu, tìm nhiều cách đe dọa, phá hoại.

Thậm chí có lần họ gí súng vào mặt người dân, cán bộ nhưng không làm gì được nên sử dụng cả thủ đoạn hèn hạ là ném đá. Ở Sóc Hà này nhiều người trở thành thương binh vì bị ném đá đấy”, ông Hoàn nói về những cuộc chiến đấu dai dẳng vùng biên giới.

Để có được cửa khẩu Sóc Hà khang trang, quân và dân Sóc Hà, Hà Quảng đã đổ rất nhiều máu. (Ảnh: LC)
Để có được cửa khẩu Sóc Hà khang trang, quân và dân Sóc Hà, Hà Quảng đã đổ rất nhiều máu. (Ảnh: LC)

“Chính bản thân tôi cũng đã từng bị địch phục kích. Đó là thời điểm năm 1986,  lúc đó tôi cùng cán bộ huyện đội, trinh sát của tiểu đoàn 3 đi công tác trên huyện đội thì bị địch phục kích khu vực cột mốc 653 bây giờ.

Lúc đó địch đã phục kích sẵn trước đó rồi, tuy nhiên được người dân chăn bò báo trước nên chúng tôi đã thoát được nạn”, ông Hoàn kể lại kỷ niệm chiến đấu căng thẳng trong thời kỳ giữ đất biên cương.

Không chỉ phục kích, bắt cóc cán bộ, cuộc chiến đấu ở Sóc Hà dai dẳng đến tận những năm 2000.

Có những lần đấu tranh mà cả thôn Nà Sát gần 100 người đứng cạnh bộ đội tạo thành một khối thống nhất đẩy lính Trung Quốc người đầy vũ trang về phía bên kia biên giới.

Từng thửa ruộng, từng mét đất của quê hương đều thấm rất nhiều máu của chiến sĩ và đồng bào vùng biên giới. (Ảnh: LC)
Từng thửa ruộng, từng mét đất của quê hương đều thấm rất nhiều máu của chiến sĩ và đồng bào vùng biên giới. (Ảnh: LC)

Lần đấu tranh đó còn được hàng trăm bà con các thôn Quý Xuân, Trường Hà, Xuân Hòa cũng cùng kéo lên, nối thành vòng người chắn dọc biên giới khiến lính Trung Quốc chùn chân, chỉ giơ súng dọa và lùi dần chứ không dám tiến lên đẩy người.

Ông Hoàn cũng nhớ lại không ít lần quân và dân Sóc Hà phải chiến đấu, xây dựng bảo vệ quê hương ngay trước họng súng của kẻ thù. Để giữ được đất của quê hương không ít người đã đổ máu vì những thủ đoạn đê hèn của kẻ thù.

Tuy nhiên, “mọi thủ đoạn của họ đều thất bại”, ông Hoàn khẳng định chắc nịch.

Trần Phương