Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Quan tham thường được xử nhẹ!

20/09/2012 07:30
Một số tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cà Mau xử dưới khung hình phạt tới hơn 80% bị cáo; cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hơn 50% bị cáo tham nhũng.

Tội phạm ngân hàng diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc được khởi tố điều tra với số tiền sai phạm rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Đây là một cảnh báo được Ủy ban Tư pháp của QH đưa ra trong phiên thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2012 tại Thường vụ QH chiều 19-9.

Năm sau na ná năm trước

Góp ý cho báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2012, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH cho rằng Chính phủ cần đổi mới cơ cấu, nội dung, phương thức đánh giá công tác PCTN chứ không thể giữ nguyên cách báo cáo hiện tại, gần như năm sau na ná năm trước.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết vấn đề này Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Chính phủ và hiện đã ban hành thông tư về tiêu chí đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN. “Để thu thập đủ số liệu theo bộ tiêu chí mới thì cần thêm thời gian. Vì vậy, chúng tôi dự kiến báo cáo của Chính phủ năm 2013 sẽ có đổi mới” - ông Tranh nói.

Quan tham thường được xử nhẹ! ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Còn nhiều vụ lọt tội tham nhũng

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của QH đồng tình với đánh giá của Chính phủ là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa đáp ứng yêu cầu PCTN. Điển hình là các quy định liên quan đến quản lý tổ chức, hoạt động, kiểm soát đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chồng chéo. Nhiều đề án liên quan trực tiếp với công tác PCTN chậm được xây dựng, như: Minh bạch hóa quá trình chuẩn bị, trình, ban hành văn bản hành chính, quyết định cá biệt; xây dựng trung tâm đấu thầu mua sắm công tập trung; tăng cường trang thiết bị, nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật điều tra án tham nhũng; kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn…

Mảng nội dung về hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá là báo cáo của Chính phủ chưa chi tiết, thiếu phân tích, mổ xẻ nguyên nhân yếu kém. Đây cũng là ý kiến của Ủy ban Tư pháp khi chỉ ra rằng số vụ việc bị phát hiện, kiến nghị xử lý hình sự về tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn thấp. Thậm chí có nơi như tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan thanh tra địa phương nhiều năm liền không phát hiện được vụ tham nhũng nào nhưng khi Ban Chỉ đạo PCTN của tỉnh kiểm tra lại các kết luận thanh tra thì đã chỉ ra năm vụ việc có dấu hiệu tội phạm, phải chuyển công an điều tra hình sự.

Thu hồi tài sản tham nhũng rất ít

Nếu xét về số lượng vụ việc tham nhũng bị phát hiện, xử lý thì năm 2012 này kết quả hoạt động của các cơ quan tố tụng cho thấy tăng cả về số vụ và số đối tượng phạm tội. Theo báo cáo của Chính phủ ngày 6-9 về công tác PCTN thì cơ quan CSĐT cả nước đã khởi tố 222 vụ tham nhũng (tăng 34% so với cùng kỳ) với 469 bị cáo (tăng 47,8%). Con số này vênh khá nhiều so với báo cáo của Chính phủ ngày 5-9 về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật (công an cả nước phát hiện 803 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng với 1.719 đối tượng - đều tăng hơn 220% so với cùng kỳ năm 2011).

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp và nhiều ý kiến ở Thường vụ QH cho rằng kết quả trên chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Số tài sản, đất đai, tiền bạc bị phát hiện sai phạm nhiều nhưng thu hồi được rất ít. Một số vụ nghiêm trọng, phức tạp dù được Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, đôn đốc nhưng việc xử lý vẫn kéo dài; một số vụ sau nhiều năm điều tra, nay lại đình chỉ với lý do người phạm tội đã khắc phục hậu quả hoặc hết thời hạn điều tra mà chưa chứng minh được thiệt hại.

Tù treo nhiều hơn tù ngồi

Chứng minh cho nhận định này, Ủy ban Tư pháp dẫn kết quả khảo sát của mình, cập nhật số liệu từ tháng 10-2010 đến tháng 6-2012 cho thấy số vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện nhưng chỉ bị xử lý hành chính hoặc đình chỉ vụ án ở một số địa phương khá cao. Có những vụ bị can được chuyển từ tội danh tham nhũng sang tội khác với khung hình phạt luật định nhẹ hơn. Nhiều nơi vận dụng luật cho bị cáo về tội tham nhũng hưởng hình phạt dưới khung luật định; cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo chiếm tỉ lệ cao. Một số tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cà Mau áp dụng Điều 47 BLHS để xử dưới khung hình phạt tới hơn 80% bị cáo, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hơn 50% bị cáo tham nhũng. Đây là tỉ lệ cao bất thường so với việc áp dụng luật hình sự trong các loại án khác không thuộc nhóm tham nhũng.

Những vấn đề này, theo các ý kiến ở Thường vụ QH, cần được đưa ra QH thảo luận cùng với việc cho ý kiến sửa Luật PCTN ngay tại kỳ họp tới, với thời lượng thích hợp. Có vậy mới thúc đẩy công tác PCTN thời gian tới, vừa đáp ứng đòi hỏi của cử tri, vừa là một cách triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kết luận Trung ương 5 về đẩy mạnh công tác PCTN.

NGHĨA NHÂN/Pháp luật TPHCM