Quân với dân như cá với nước, Trung úy "nhổ nước bọt vào mặt dân" nên nhận sai

10/04/2016 07:21
QUỐC TOẢN - MINH CHÍ
(GDVN) - Theo Thượng tá Lộc, thái độ ứng xử thiếu kiểm soát của Trung úy Bắc là không thể chấp nhận được. Nó ít nhiều gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh ngành Công an.

Nhiều câu hỏi chưa có lời giải

Như thông tin đã đưa, hôm 8/4 Công an quận Đống Đa đã xác định người mặc cảnh phục xuất hiện trong clip “Công an nhổ nước bọt vào mặt dân” chính là Trung úy Nguyễn Văn Bắc, công tác tại Công an phường Trung Liệt.

Cơ quan chức năng cho biết thêm, hiện tại đơn vị có thẩm quyền đang làm rõ hành vi của các bên có liên quan để đưa ra kết luận vụ việc.

Người mặc sắc phục Công an được cho là Trung úy Bắc (ảnh cắt từ clip).
Người mặc sắc phục Công an được cho là Trung úy Bắc (ảnh cắt từ clip).

Hôm 9/4, trao đổi thêm với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Thượng tá Cao Văn Lộc - Phó Công an quận Đống Đa nhận định, thái độ, hành vi của Trung úy Nguyễn Văn Bắc trong clip ít nhiều gây ảnh hưởng tới hình ảnh của lực lượng Công an Nhân dân.

“Tình quân với dân như cá với nước. Ngành Công an nói chung đang xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người dân, thế mà… 

Dù sao, hành vi, thái độ ứng xử của Trung úy Bắc trong clip nói trên là không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ không bao che vi phạm khi có kết quả điều tra”, Thượng tá Lộc nói. 

Trong cuộc trò chuyện với Thượng tá Cao Văn Lộc,

Quân với dân như cá với nước, Trung úy "nhổ nước bọt vào mặt dân" nên nhận sai ảnh 2

Trung úy Nguyễn Văn Bắc "chối" hành vi nhổ nước bọt vào mặt dân

phóng viên đặt ra nhiều băn khoăn xung quanh vụ việc.

Cụ thể, sau khi nhận được tin báo tố giác tội phạm, Trung úy Nguyễn Văn Bắc có báo cáo sự việc tới cấp trên, hoặc đề nghị xử lý hay không?

Nếu nhận được thông tin có đối tượng chơi ma túy, hoặc đối tượng bị truy nã mà người thực hiện nhiệm vụ bỏ về, liệu có bỏ lọt tội phạm hay không? 

Mặt khác, nếu là  tội phạm bị truy nã, hoặc sử dụng ma túy, thì các đối tượng thường rất manh động và nguy hiểm. Tuy nhiên, clip chỉ xuất hiện Trung úy Bắc và cán bộ dân phòng tham gia xử lý vụ việc.

Đây có phải là lựa chọn, hoặc phương án thích hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ? 

Trước những câu hỏi của phóng viên, cả lãnh đạo Công an phường Trung Liệt và Công an quận Đống Đa đều từ chối trả lời.

“Thông tin cụ thể chúng tôi chưa có trong tay, nên chưa trả lời được việc đó”, Thượng tá Lộc, Phó Công an quận Đống đa cho biết. 

Trung úy Bắc vi phạm lời thề danh dự

Cũng theo phản ánh của người dân trong đoạn clip "Công an nhổ nước bọt vào mặt dân", khoảng 23 giờ ngày 7/4, một người mặc sắc phục cảnh sát (sau đó được xác định là Trung úy Nguyễn Văn Bắc - PV) có mặt tại một chung cư trên địa bàn phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội) yêu cầu kiểm tra hành chính một hộ gia đình.

Tuy nhiên, do vị cán bộ không xuất trình được giấy tờ khi người dân đòi hỏi, nên gia chủ không mở cửa.

Bị chất vấn, Trung úy Bắc nói rằng mình không khám nhà mà kiểm tra tạm trú: "Tôi nghi vấn ở đây có đối tượng truy nã, đề nghị cô mở cửa", Trung úy Bắc ra lệnh.

Tuy nhiên cô gái xuất hiện trong clip liền khước từ yêu cầu kiểm tra của cán bộ này vì cho rằng, lý do Công an đưa ra là không thuyết phục.

Nhưng khi cô gái vừa dứt lời, Trung úy Bắc liền lớn giọng: "Mày bé cái mồm thôi con kia". Không lâu sau đó thì người này bỏ đi.

Cô gái xuất hiện trong clip nói trên cũng tố cáo Trung úy Nguyễn Văn Bắc có hành vi thô thiển, nhổ nước bọt vào mặt dân.

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, đoàn Luật sư TP. Hà Nội (Ảnh: Quyết Nguyễn/Giaoduc.net.vn).
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, đoàn Luật sư TP. Hà Nội (Ảnh: Quyết Nguyễn/Giaoduc.net.vn).

Hôm 9/4, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Đoàn luật sư Hà Nội - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh cho biết, nếu tố cáo của công dân là đúng sự thật thì hành vi của Trung úy Nguyễn Văn Bắc trong clip nói trên là hết sức xấu xí, thiếu tôn trọng công dân, vi phạm lời thề danh dự và kỷ luật ngành Công an.

"Thông tư 17/2012 của Bộ Công an, Quy định về điều lệ nội vụ Công an Nhân dân quy định rõ, khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo….

Trong 10 Điều kỷ luật của Công an Nhân dân Việt Nam, thì Điều 5 là: "Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện.

Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người; kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, giúp đỡ người tàn tật. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân".

Mặt khác, người được cho là Trung úy Bắc có dấu hiệu vi phạm 5 Lời thề của Công an Nhân dân Việt Nam, trong đó lời thề thứ ba là: "Kính trọng, lễ phép với nhân dân…”

Từ những viện dẫn trên, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến kết luận, thái độ, ứng xử kiểu "mày, con kia..." của Trung úy Bắc trong clip, hoàn toàn không phù hợp với chuẩn mực của người chiến sĩ Công an Nhân dân và các hành vi ứng xử xã hội khác.

“Tôi cho rằng, Trung úy Nguyễn Văn Bắc nên dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận vi phạm cá nhân, xin lỗi người dân”, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nêu quan điểm.

Về việc vị Công an khu vực yêu cầu người dân mở cửa kiểm tra hành chính, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho rằng, việc kiểm tra tạm trú được quy định rất rõ trong luật, đồng thời người được phân công nhiệm vụ được thực hiện những điều mà luật cho phép.

"Theo đó, Điều 26, Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú, việc kiểm tra cư trú quy định rõ:
Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.

Đối tượng kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.

Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.

Cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý.

Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.

Việc kiểm tra cư trú của công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.

Trong trường hợp này, cảnh sát khu vực yêu cầu họ dân mở cửa để kiểm tra hành chính chứ không phải thực hiện khám xét, vì vậy tôi cho rằng, yêu cầu của cảnh sát nằm trong quyền hạn cho phép", Luật sư Tiến cho biết.
 
Cũng theo Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh: "Quá trình khi kiểm tra, khám xét cần có sự tham gia phối hợp của lực lượng Công an Nhân dân, tổ trưởng tổ dân phố… và cần phải có biên bản khám xét.

Thường thì việc khám xét sẽ thực hiện vào ban ngày để thuận lợi cho công việc.

Còn sau 12 giờ đêm thì việc khám xét rất hiếm xảy ra và cũng không nên làm chuyện này, trừ một số trường hợp đặc biệt”, Luật sư Tiến nhận định.

QUỐC TOẢN - MINH CHÍ